Câu tục ngữ là lời khuyên sâu sắc, thấm thía, đề cao tinh thầm ham học hỏi, cầu tiến bộ, đức tính tốt đẹp để mọi người không ngừng rèn luyện kỹ năng, nâng cao kiến thức, hoàn thiện bản thân.

Theo “Từ điển tiếng Việt”, Viện Ngôn ngữ học, năm 2021, trang 687, “lành nghề” nghĩa là giỏi tay nghề, thành thạo nghề chuyên môn; trang 841, “nề” nghĩa là quản ngại (dùng có kèm ý phủ định); trang 571, “học” là thu thập kiến thức, luyện tập kỹ năng do người khác truyền lại.

Như vậy, câu tục ngữ "muốn lành nghề chớ nề học hỏi" mang thông điệp rất rõ ràng và mạnh mẽ, rằng muốn trở thành một người giỏi, một chuyên gia trong một lĩnh vực thì bạn tuyệt đối không được ngại khó, ngại khổ, lười biếng trong học tập và trau dồi kiến thức, kỹ năng. Trong cuộc đời của mỗi người, không ai sinh ra đã giỏi một nghề nào đó. Sự thành công và trình độ chuyên môn cao đều là kết quả của một quá trình học hỏi và rèn luyện không ngừng.

Trong học hỏi, thái độ là yếu tố quyết định đến sự tiến bộ. Một tinh thần sẵn sàng học hỏi, không ngại khó khăn, không tự mãn với những gì đã biết là yếu tố then chốt để tinh tiến và nâng cao tay nghề. Người luôn mở lòng học hỏi sẽ liên tục tiến bộ, còn người ngại học hỏi sẽ dễ dàng bị tụt hậu.

Học hỏi là quá trình liên tục, ngay cả khi đã đạt được một trình độ nhất định, việc học hỏi vẫn cần tiếp tục để cập nhật kiến thức mới, nâng cao kỹ năng và thích ứng với những thay đổi trong nghề nghiệp. Học hỏi từ nhiều nguồn khác nhau, không chỉ học từ thầy cô, đồng nghiệp, mà còn học từ sách vở, tài liệu, từ kinh nghiệm thực tế, thậm chí từ những sai lầm của bản thân và người khác.

Thời đại ngày nay, khoa học-công nghệ phát triển như vũ bão từng ngày, câu tục ngữ "muốn lành nghề chớ nề học hỏi" lại càng thêm sâu sắc ý nghĩa, giá trị, là một lời khuyên quý báu, nhắc nhở về tầm quan trọng của việc học tập không ngừng nghỉ và thái độ tích cực trong quá trình chinh phục đỉnh cao của nghề nghiệp. Chỉ có sự nỗ lực học hỏi mới có thể biến ước mơ thành hiện thực và đưa đến thành công thực sự.

VĂN TUẤN