Lấy việc ăn mặc tưởng chừng như rất đơn giản thường ngày, thông qua câu tục ngữ, ông cha ta gửi gắm, răn dạy con cháu bài học sâu sắc về việc tu dưỡng phẩm chất đạo đức, nhân cách. Theo “Từ điển tiếng Việt”, Viện ngôn ngữ học, năm 2021, trang 416, “đói” nghĩa là có cảm giác khó chịu khi đang thấy cần ăn mà chưa được ăn hoặc ăn chưa đủ; lâm vào tình trạng thiếu lương thực, nhiều người bị đói. Trang 1.067, “sạch”, không bụi bặm, rác rưởi, cáu ghét, hoặc không bị hoen ố. “Đói cho sạch” lớp nghĩa đen là lời nhắn nhủ, khuyên bảo dù có đói kém, thiếu thốn thế nào cũng phải ăn uống sạch sẽ, bảo đảm vệ sinh. 

Trang 1.036, “rách”, ở trạng thái không còn thành nguyên mảnh, có những chỗ bị rách ra mà không phải do đường cắt. Trang 1.211, “thơm” có mùi như hương của hoa, dễ chịu, làm cho thích ngửi. “Rách cho thơm”, là lời khuyên rằng dù áo quần có rách nát cũng nên giữ cho tinh tươm, thơm tho, gọn gàng.  

Ở đời, từ “đói”, “rách” thường được dùng để nói về sự nghèo khổ, thiếu thốn, hoàn cảnh cơ cực đến nhu cầu tối thiểu về ăn và mặc cũng không bảo đảm được ở mức bình thường. Như vậy, ở tầng lớp nghĩa sâu hơn câu tục ngữ khuyên răn mọi người rằng, cuộc sống dù có đưa đẩy chúng ta vào hoàn cảnh khó khăn, cùng cực, thiếu thốn trăm bề thì hãy luôn giữ gìn đạo đức trong sạch, danh dự và lòng tự trọng.

Theo “Từ điển thành ngữ tục ngữ Việt Nam”, Nhà xuất bản Văn học, năm 2016, trang 161, “Đói cho sạch, rách cho thơm”, lời khuyên giữ mình trong sạch ngay trong lúc túng bấn.

Với mỗi con người, nhân phẩm và đạo đức là những điều quan trọng nhất. Câu tục ngữ “Đói cho sạch, rách cho thơm” chính là lời khuyên quý giá, sâu sắc, mỗi người phải giữ gìn nhân cách, danh dự. Đứng trước cám dỗ của tiền bạc, vật chất không bị tha hóa. Rơi vào hoàn cảnh bĩ cực, nghèo khó không được nản lòng, gục ngã đánh mất bản thân. Đồng thời không ngừng rèn luyện để hoàn thiện bản thân, trở thành con người có ý chí mạnh mẽ, đạo đức trong sáng, lối sống trong sạch.

VĂN TUẤN