Đại đội trưởng liền gọi các chiến sĩ lên hỏi thì hóa ra là 3 đồng chí binh nhất: Thìn, Thân, Hợi có sự tranh luận khá gay gắt với nhau. Đại đội trưởng nghiêm nét mặt:

- Chuyện xảy ra như thế nào? Đồng chí Thìn báo cáo trước tôi nghe.

Thìn ấp úng:

- Dạ, báo cáo thủ trưởng, tại đồng chí Thân và đồng chí Hợi bảo em rằng: “Năm nay là năm Giáp Thìn, là năm tuổi của cậu nhé. Cậu sinh năm Thìn là năm con rồng, sao bố mẹ cậu không gọi luôn là “Rồng” cho xong, mà còn gọi là Thìn. Rồi các đồng chí nói tại bố mẹ em là người quê nên mới vậy. Nghe thế em bực mình bảo: “Bố mẹ các cậu là người thành phố sao không đặt luôn tên các cậu là “Lợn” với “Khỉ” cho xong, còn gọi là Hợi và Thân làm gì?

leftcenterrightdel
 Minh họa: ANH KHOA

 

Đại đội trưởng suýt bật cười nhưng vẫn nghiêm nghị. Vốn là người yêu văn nghệ nên đồng chí đại đội trưởng xử lý rất hài hòa, bèn ra yêu cầu:

 - Tôi thông cảm cho các cậu, nhưng đề nghị mỗi đồng chí đọc một câu thơ hay ca dao vừa có chữ “rồng” lại vừa có chữ “bộ đội”. Ai không đọc được thì sẽ bị phạt.

Thìn nhanh nhảu:

- Dạ thưa thủ trưởng, em xin đọc trước: “Bộ đội mà gặp dân công/ Như cá gặp nước, như rồng gặp mây”.

 - Được được, vậy đến lượt cậu Hợi.

Hợi nghĩ mình cũng chỉ thuộc câu ấy, mà lại bị Thìn đọc trước rồi, bèn bẽn lẽn hỏi:

- Thưa thủ trưởng, cũng câu đó nhưng em sáng tạo thêm một chút được không?

- Được, tôi châm chước vì các cậu không được chuẩn bị từ trước, nhưng tôi đề cao tính sáng tạo, vậy đọc đi.

      - Vâng, thưa thủ trưởng. “Bộ đội mà gặp dân công/ Như cá gặp nước, như rồng gặp “uyn”.

      Đại đội trưởng gặng hỏi:

- Rồng gặp “uyn” là gặp gì?

- Dạ, báo cáo thủ trưởng, từ “wind” tiếng Anh dịch sang tiếng Việt là “gió”, nghĩa là rồng gặp gió ạ. Lớp trẻ chúng em rất cần phải giỏi tiếng Anh để hòa nhập với quốc tế ạ.

- Nào, đến lượt đồng chí Thân.

Thân cũng nghĩ mãi không nhớ ra câu ca dao nào khác vừa có “bộ đội” lại vừa có “rồng”, nhưng chợt nảy ra ý tưởng, bèn đọc:

- Dạ, “Bộ đội mà gặp dân công/ Như cá gặp nước, như rồng gặp “vân”.

Rồi Thân giải thích:

- “Vân” từ Hán-Việt nghĩa là “mây” ạ. Vả lại Vân còn là tên người yêu đồng chí Thìn, ý muốn nói vui như đồng chí Thìn gặp người yêu ạ.

- Không được, ca dao mượn tiếng nước ngoài cho dễ ghép vần và “rồng gặp mây” đều đã có người đọc rồi không nên lặp lại. Đồng chí Thìn gặp người yêu chỉ là niềm vui cá nhân, còn “bộ đội gặp dân công” là niềm vui của nhiều người.

- Vâng vậy em xin đọc là:: “Bộ đội mà gặp dân công/ Như cá gặp nước, như rồng phun mưa”.

- Sao lại rồng phun mưa mà không phải rồng gặp mưa?

- Dạ, báo cáo thủ trưởng, rồng gặp mưa chưa vui nhiều lắm, rồng phun mưa mới là niềm vui của nhiều người thủ trưởng ạ. Rồng phun mưa vào mùa xuân khiến cây cối đơm hoa, trổ bông. Rồng phun mưa vào mùa hạ giúp mùa màng tốt tươi, sông ngòi đầy nước, thủy điện hoạt động cho ra nguồn điện dồi dào.

Đại đội trưởng vỗ tay:

- Hay lắm, tôi tha không kỷ luật các đồng chí, nhưng chỉ lần này thôi nhé. Nếu các đồng chí tiếp tục mất đoàn kết thì thơ hay tôi vẫn kỷ luật đấy.

Nghe vậy, Thìn, Thân, Hợi cùng đứng nghiêm chào:

- Vâng, chúng em hứa sẽ chấp hành nghiêm ạ! Chúng em chúc thủ trưởng năm 2024 thăng tiến như “rồng gặp mây”.

Truyện vui của CÔNG THÀNH