Tôi là trung úy-trung đội trưởng nên làm ra vẻ mặt lạnh lắm. Ra vẻ thôi chứ nhìn các nàng thướt tha áo dài trắng như đàn bướm bay bay trên đường ai chẳng xao xuyến.
Một chiều, đang trên đường từ công trường trở về, chúng tôi lại gặp mấy nàng đi ngược chiều. Khác với mọi hôm, thấy chúng tôi, các nàng dừng cả lại, đấm lưng nhau cười khúc kha khúc khích. Một nàng “nghiêng nước nghiêng thành”, hình như được “đề cử” bước ra khỏi hàng, cất giọng trong veo:
- Các anh bộ đội ơi! Tình hình xây trát có gì nô vưi không?
- Tiếng Nga đấy! - trong hàng ngũ chúng tôi có ai đó thì thào. Nhưng khốn nỗi, khi đi học phổ thông và hiện thời khi giao tiếp hằng ngày, chúng tôi chỉ quen những “bai bai” với những “ô kê”..., có ai biết “sợi” tiếng Nga nào. “Không biết thì nói là không biết...”, tôi phẩy tay. Cánh lính chúng tôi theo lệnh, “phớt tỉnh Ăng-lê” đi thẳng!
Về doanh trại, tôi đem chuyện kể với đại đội trưởng. Đại đội trưởng vốn được tu nghiệp ở Nga mấy năm, nghe tôi kể, anh cười lớn:
- Thì ra thế, các nàng chơi chữ trêu các cậu đấy. Lính công binh đi xây dựng tức là đi “xây trát”chứ gì? Mà “xây trát" tiếng Nga dịch sang tiếng Việt là hôm nay. Còn “nô vưi” tiếng Việt là “mới” như bên tiếng Anh đọc là “niu” ấy mà! Tóm lại các cô ấy hỏi tình hình hôm nay có gì mới không?
Tôi thở ra. Đại đội trưởng lại tiếp:
- Mà tớ nói thật, cậu là sĩ quan công binh cũng nên tự học thêm tiếng Nga nữa. Nói thật, tiếng Nga ngữ pháp khó hơn tiếng Anh nhưng học để biết thêm tiếng Nga cũng có nhiều cái lợi đấy! Nếu cậu có chí học, tớ sẽ giúp!
“Được lời như cởi tấm lòng”, từ ấy, sau giờ làm việc là tôi chúi mũi vào học. Thời gian trôi nhanh. Chẳng biết đơn vị tôi và Khoa tiếng Nga bàn bạc thế nào mà hai chi đoàn “tự dưng” tổ chức kết nghĩa với nhau. Buổi kết nghĩa vui vẻ lắm. Các bài hát từ “Ca-chiu- sa”, “Triệu bông hồng”, “Chiều Mát-xcơ-va” bên cánh sinh viên, đến “Nhịp cầu nối những bờ vui”, “Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây”... bên cánh lính chúng tôi, rôm rả vô cùng. Khi hát hò đã hòm hòm, bỗng đại đội trưởng đứng lên xoa tay:
- Tôi xin bật mí với các bạn. Bên chi đoàn chúng tôi mới xuất hiện một nhà thơ đại đội, thơ phú rất hay! Tôi xin được giới thiệu nhà thơ đó-Trung úy Đỗ Hài, Trung đội trưởng Trung đội 3 trình làng bài thơ mình mới sáng tác...
Tôi đỏ mặt tía tai. Thú thực tôi viết bài thơ này là viết cho vui chứ đâu dám đem đọc giữa “ba quân thiên hạ”. Nhưng đại đội trưởng đã giới thiệu rồi, lại giới thiệu rất hùng hồn, thôi thì một liều ba bảy cũng liều. Tôi hiên ngang đứng dậy, cất giọng đầy cảm xúc:
Chiều chiều ra đứng “a cờ nô”
Nhìn sang sư phạm “khơ ra sô”
Hỏi rằng: “a ná kui gờ đá”?
Em rằng: “Pi xét pi xờ mô”!
Rồi tôi xin dịch ngay. Dịch rất thoáng: “Chiều chiều ra đứng bên cửa sổ/ Nhìn sang trường sư phạm thấy vui/ Hỏi rằng: “Cô ấy đi đâu?”/ Em trả lời: “Em đang viết thư cho anh đây!".
Cánh lính chúng tôi, các nàng sinh viên và cả các giáo viên vỗ tay vang rần và cười rất hân hoan. Rõ là tuyệt vời nhé! Rõ là “tình hình xây trát nô vưi” nhé! Có cả tình thắm thiết kết nghĩa hai chi đoàn nhé.
Chuyện tưởng có thể kết thúc được rồi nếu không vì bài thơ đó mà tôi và Hà-cô nàng được cánh sinh viên “đề cử” ra hỏi chúng tôi bữa trước đó tên là Trần Thu Hà-“bỗng dưng” yêu nhau. Chúng tôi yêu nhau thắm thiết ghê lắm! Thời gian qua nhanh, một tối thứ bảy, đang tay trong tay dung dăng dung dẻ với nhau, thì em nũng nịu:
- Chúng mình yêu nhau cũng đã gần năm rồi mà anh chưa biết nhà em. Nhà em ở ngoại thành, gần đây. Chủ nhật này ta cùng về coi như ra mắt bố mẹ, anh nhé!
Tôi gật. Chủ nhật ấy, hai đứa đạp xe về quê nàng. Dọc đường nàng tỉ tê kể rằng bố nàng ngày đánh Mỹ vốn là sĩ quan điều khiển tên lửa, từng tu nghiệp ở Liên Xô trước đây. Nàng học tiếng Nga cũng là do tình yêu thứ tiếng này từ ông. Đến nơi, ông bà tay bắt, mặt mừng lắm. Bữa cơm dọn ra có cả chai rượu “cuốc lủi” đang sủi tăm. Chuyện cứ là vui như Tết. Thấy ông nhiều lúc chêm vào giữa câu nói một vài từ tiếng Nga hay quá, có chén rượu vào, tôi thưa:
- Dạ thưa bác, cháu cũng có võ vẽ học được một ít tiếng Nga ạ! Cháu còn làm được thơ có... tiếng Nga!
- Thơ có tiếng Nga? Hay! Nào cháu đọc đi! - Ông vỗ đùi đánh đét khen!
Cao hứng, tôi đứng dậy đọc một lèo bài thơ “Chiều chiều ra đứng a cờ nô” ấy cho ông nghe, ông vừa nghe vừa gật gù ra chiều tâm đắc lắm. Khi tôi đọc hết bài, ông cũng bỏ đũa đứng dậy, đặt cả hai tay lên vai tôi, cười lớn:
- Hay! Thơ thế mới là thơ chứ! Hay! Ô chin khơ ra sô! (rất tốt)
Truyện vui của HÀ ĐAN