Trong không khí ấm áp, thân tình, chúng tôi hỏi thăm sức khỏe, nghe thầy giảng giải thế thời. Nhân ngày vui, anh bạn tôi mở lời xin thầy tặng mấy chữ đầu xuân. Thầy phấn khởi hỏi thích chữ gì. Cậu bạn thành thực:

- Thầy viết cho em chữ “vinh hoa”, “phú quý” ạ!

- Em thích những chữ đó à?

- Dạ! Em cũng mong được may mắn, phú quý đầu năm ạ!

Thầy trầm ngâm hồi lâu mới nói:

- Vinh hoa, phú quý là điều tốt đẹp. Từ xa xưa, người bình dân thì mong “phu quý phụ vinh”. Kẻ sĩ phấn đấu học hành thành tài để được “ngựa anh đi trước, võng nàng theo sau”, về làng vinh quy bái tổ. Thời nào cũng vậy, ai cũng mong muốn được vinh hoa, phú quý, sung túc, đủ đầy. Đó vừa là nguyện vọng nhưng đồng thời cũng là động lực để con người phấn đấu cho cuộc sống ngày một thịnh vượng hơn. Thế nhưng vinh hoa, phú quý cũng rất dễ trở thành cám dỗ, cạm bẫy khi con người đi quá giới hạn, không từ mọi thủ đoạn, hành vi, liêm sỉ để đạt được. Cụ Nguyễn Gia Thiều từng ta thán là “mồi phú quý”, “bả vinh hoa”. Tại sao hai từ vinh hoa, phú quý đẹp đẽ như vậy mà lại được gắn với mồi, với bả, các em có biết không?

leftcenterrightdel
 Minh họa: PHẠM HÀ 

 

Tất cả cùng im lặng. Thầy tiếp lời:

- Trong dân gian, mồi, bả là những thứ bẩn thỉu, độc hại dùng để dụ nhử các loài vật gây hại đối với con người. Mồi, bả được làm khéo léo để loài vật khó nhận biết, khi mắc phải sẽ không thoát được. Còn “mồi phú quý”, “bả vinh hoa” là những lợi ích về vật chất, tiền tài, danh vọng, chức tước rất dễ khiến con người mờ mắt, sa vào hố sâu của lòng tham. Nhiều người không gục ngã trước khó khăn, thử thách, trước kẻ thù hung ác, nhưng lại sa ngã khi mắc phải những “viên đạn bọc đường”.

Vinh hoa, phú quý có ma lực hấp dẫn, dễ khiến con người sẵn sàng lao vào như thiêu thân để đạt được, bất chấp danh dự, nhân phẩm, đạo đức, pháp luật. Đã bao kẻ chỉ vì lòng tham mà mờ mắt, không nhận ra những thứ mồi, bả luôn rình rập. Người xưa đã dạy: “Tham thì thâm, lầm thì mạt”, “Chim tham ăn sa vào vòng lưới/ Cá tham mồi mắc phải lưỡi câu”. Vinh hoa, phú quý bằng sức lao động chân chính sẽ đem lại cuộc sống đủ đầy, ấm no nhưng ngược lại, tham lam vô độ, bằng mọi giá để đạt được vinh hoa, phú quý thì khi đó sẽ dính mồi, mắc bả. Để rồi khi vào vòng lao lý mới than: “Trót vì tay đã nhúng chàm/ Dại rồi còn biết khôn làm sao đây!”. Khi đó thì bao nhiêu vinh hoa, phú quý liệu có chuộc lại được danh dự, nhân phẩm, cuộc sống của bản thân?

Nghe thầy giảng giải, anh bạn tần ngần chưa biết xin chữ gì. Như hiểu tâm trạng của trò, thầy nhẹ nhàng nói:

- Em là cán bộ, đảng viên nên chọn chữ “chính trực”, “thanh liêm” là hay nhất. Chính trực là ngay thẳng, không tà ác, luôn đấu tranh bảo vệ lẽ phải, lên án những cái xấu, cái sai trái. Còn thanh liêm là liêm khiết, trong sáng, không tham của cải, vật chất, địa vị, sung sướng, không nịnh hót kẻ trên và cũng không thích người khác tâng bốc mình. Liêm, chính là những phẩm chất đạo đức đáng quý của con người, nhất là đối với người cách mạng chân chính. Trau dồi liêm, chính để không sa vào “mồi phú quý”, “bả vinh hoa”, có sức đề kháng trước mọi cám dỗ vật chất. Tu dưỡng liêm, chính để giữ gìn danh dự cao quý của người đảng viên, bảo toàn phẩm hạnh con người. Rèn luyện liêm, chính để xây dựng đạo đức công vụ, phấn đấu làm tròn bổn phận công bộc trước nhân dân.

Người xưa thì răn: “Quân tử cầu đức hạnh, tiểu nhân cầu tiền tài”. Lúc nào cũng chỉ coi trọng vật chất, hám lợi lộc, tiền tài thì đó là hành vi của kẻ tiểu nhân, bần tiện. Bác Hồ đã dạy chúng ta: Có tài mà không có đức thì sẽ trở thành người vô dụng. Thế nên người cách mạng phải luôn tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng, phấn đấu thực hành “cần, kiệm, liêm, chính”. Nhân dịp xuân mới, thầy viết tặng em đôi câu đối mà thầy rất tâm đắc nhé: Học tập Bác rèn câu chính trực/ Noi gương Người luyện chữ thanh liêm”.                                                             

Truyện vui của ĐỨC NAM