Dựa vào câu chuyện có thật trong quá khứ, thông qua câu thành ngữ người xưa muốn gửi gắm lời nhắc nhở sâu sắc, thấm thía. Theo quyển “Từ điển tiếng Việt”, Viện ngôn ngữ học, năm 2021, trang 228, “chúa” là người có quyền lực cao nhất trong một miền hay trong một nước có vua thời phong kiến. Trang 820, “múa” làm những động tác mềm mại, nhịp nhàng nối tiếp nhau để biểu hiện tư tưởng, tình cảm hoặc để rèn luyện thân thể.

Trước kia trong cung, phủ thường có nhiều ca kỹ múa hát mua vui phục vụ vua, chúa. Những người này được nuôi ăn ở và đối đãi khá tử tế. Chính vì vậy, họ luôn hết lòng, dốc sức thể hiện tài năng. Những người ca kỹ được vua, chúa bao nuôi nên cuộc sống khá sung túc, không phải lo lắng đồng tiền, bát gạo, nên dễ sinh tâm lý ỷ lại, lười biếng. Họ làm việc cho xong chuyện để nhận tiền, không muốn cống hiến, hy sinh cho công việc. Về lâu dài, việc hát múa của họ cốt để đáp trả cho xong chuyện. Vì vậy, nên khi nhắc đến câu thành ngữ “Ăn cơm chúa, múa tối ngày” người ta nghĩ ngay đến hình ảnh lười nhác, cẩu thả, biểu hiện cho những hành động làm việc qua loa, đại khái.

Theo quyển “Từ điển thành ngữ tục ngữ Việt Nam”, Nhà xuất bản Văn hóa-Thông tin năm 2000, trang 27, “Ăn cơm chúa, múa tối ngày” là làm công làm thuê cho chủ, không phải việc nhà mình thì nhởn nhơ qua ngày.

Mỗi cá nhân sinh ra đều có vai trò và trách nhiệm riêng. Đều gánh vác trên vai những nhiệm vụ quan trọng của gia đình, xã hội. Trong công việc nếu bản thân thiếu trách nhiệm, làm ẩu, làm quấy quá cho xong chuyện tất yếu sẽ mang đến hậu quả xấu gây ảnh hưởng đến bản thân và những người xung quanh, thậm chí ảnh hưởng tới cả cộng đồng.

Hiện nay, trong xã hội một bộ phận cán bộ, công chức làm việc hời hợt; không có thay đổi hay sáng tạo, gây ra những lãng phí cho cơ quan, xã hội. Vì vậy, dù hoàn cảnh xã hội đã có nhiều thay đổi, nhưng đến nay, câu thành ngữ phê phán những kẻ ngồi ung dung nhận bổng lộc nhưng thiếu trách nhiệm trong công việc vẫn nguyên ý nghĩa.

VĂN TUẤN