Theo “Từ điển tiếng Việt”, Viện Ngôn ngữ học, năm 2021, trang 933, “nồi” là đồ dùng bằng đất nung hay kim loại lòng sâu, để đun thức ăn. “Ăn trông nồi” là lời khuyên nhủ nhẹ nhàng, sâu sắc rằng, khi ăn cần phải biết quan sát giữ chừng mực, chú ý đến lượng thức ăn và cả những người xung quanh. Không nên ăn quá nhiều, ăn hết phần người khác.
Trang 599, “hướng” là một trong những phương chính của không gian. “Ngồi trông hướng” là lời răn dạy, khi đứng, ngồi ở bất cứ đâu, không chỉ trong mâm cơm mà còn ở mọi nơi, mọi hoàn cảnh, khi đứng lên, ngồi xuống phải quan sát trước sau, giữ phép lịch sự, cần ý thức được vị trí, vị thế của mình để ngồi đúng lúc, đúng chỗ. Không thể ngồi tùy tiện, ngồi chắn lối đi hay tầm nhìn của người khác...
Theo “Từ điển thành ngữ-tục ngữ Việt Nam”, Nhà xuất bản Văn hóa-Thông tin năm 2000, trang 42, “ăn trông nồi ngồi trông hướng” là cách cư xử tế nhị, ý tứ trong sinh hoạt hằng ngày. Khi ăn phải xem nồi còn nhiều hay ít, nếu còn ít thì không ăn nữa, nhường cho người khác. Khi ngồi phải xem hướng, không che sáng, chắn gió, không chắn lối đi lại của mọi người.
Nhịp sống hiện đại, hối hả cuốn mỗi người vào guồng quay vội vã, để rồi có lúc quên đi hoặc đánh mất đi nét đẹp văn hóa ẩn chứa từ bên trong những hành động đơn giản. Do vậy, câu tục ngữ “ăn trông nồi ngồi trông hướng” tuy ngắn gọn, giản đơn nhưng vẫn là lời nhắc nhở vẹn nguyên giá trị sâu sắc theo thời gian. Cuộc sống rộng lớn bắt nguồn từ vô vàn điều nhỏ bé và sự thành công, hạnh phúc trong cuộc đời cũng xuất phát từ những cử chỉ, hành động hằng ngày. Gieo hành vi được thói quen. Gieo thói quen được tính cách. Gieo tính cách được số phận. Mỗi người biết tu dưỡng, rèn luyện từ những điều nhỏ bé sẽ là nền tảng vững chắc để xây nên con người có đạo đức, có văn hóa và có ích cho xã hội.
VĂN TUẤN