Theo “Từ điển thành ngữ, tục ngữ Việt Nam”, Nhà xuất bản Văn hóa Thông tin năm 2000, trang 79, “bới lông tìm vết” là moi móc cố tìm ra cái xấu, cái thiếu sót của người khác nhằm làm hạ uy tín của họ.
Cùng đồng nghĩa với câu “bới lông tìm vết”, thành ngữ tiếng Hán có câu “suy mao cầu tì”. “Suy” nghĩa là thổi. “Mao” là lông. “Cầu” là tìm. “Tì” là cái xấu. Thuở xưa, ở các cuộc thi chim, những con chim thường được đánh giá trên hai phương diện. Một là có tiếng hót hay. Hai là có bộ lông đẹp, quyến rũ. Thế nhưng, trước những con chim được đánh giá xuất sắc, người thua cuộc lại bới phía dưới lông chim để tìm kiếm những khuyết điểm trên cơ thể. Họ cố gắng làm sao có thể hạ thấp được giá trị của chú chim thắng cuộc. Vậy nên mới có câu “bới lông tìm vết”.
Khác với việc nghiêm túc, thẳng thắn chỉ ra những khuyết điểm, góp ý giúp người khác sửa chữa, tiến bộ, hành vi “bới lông tìm vết” bắt nguồn từ động cơ cá nhân hẹp hòi, tính ích kỷ nhằm hạ thấp uy tín của người khác.
Hiện nay, tình trạng “bới lông tìm vết” diễn ra ở một số cơ quan, đơn vị không phải là cá biệt. Tình trạng một số cán bộ, đảng viên nói xấu sau lưng, phê phán với động cơ cá nhân hẹp hòi, viết đơn thư nặc danh tố cáo lẫn nhau xuất hiện, khiến cho nội bộ cơ quan, đơn vị thêm lục đục, rối ren.
Câu thành ngữ “bới lông tìm vết” còn nguyên giá trị nhắc nhở mọi người đây là một hành vi xấu, dễ làm tổn thương tâm lý người khác, làm vơi tình cạn nghĩa, từ đó làm rạn nứt mối quan hệ đồng chí, đồng đội, gây mất đoàn kết nội bộ. Câu thành ngữ còn có hàm ý khuyên nhủ giúp mỗi cá nhân nhận thức rõ vấn đề và sửa chữa để hoàn thiện bản thân, trở thành người văn minh, lịch sự.
VĂN TUẤN