Tìm hiểu các thành tố trong câu thì thấy chữ “ấm” có nguồn gốc Hán. Theo quyển “Hán Việt từ điển” (Nhà xuất bản Văn hóa Thông tin, năm 2005, trang 13), “ấm” là bóng râm-che đậy-ơn trạch hay quyền thế của cha ông để cho con cháu được nhờ.
|
|
Tranh minh họa: Nguồn enovel.mobi |
Quyển “Tầm nguyên tự điển” (Quốc học thư xã-1941) của Lê Văn Hòe trang 47-48 giải thích: Ngày xưa con cái các quan thường nhờ công trạng, sự nghiệp của tổ phụ mà được làm quan, như đời Trần ở nước ta, con các quan đều được ra làm quan hết. Lệ ấy gọi là tập ấm. "Tập" là cái áo, cũng có nghĩa là khoác áo. "Ấm" là bóng. "Tập ấm" là khoác bóng, tức là nương bóng (mẹ cha) mà được ra làm quan. Con cái các quan được quyền tập ấm gọi là ấm tử hoặc ấm sinh.
Quy định về chức vụ của cha mà con được tập ấm, tùy mỗi triều đại có khác nhau. Triều Nguyễn, cha có hàm tòng ngũ phẩm trở lên, nếu con đậu trong kỳ sát hạch (hạch ấm) tại Quốc Tử Giám được gọi ấm sinh; cha có hàm chánh nhất phẩm, con được vua gia ân cho tập ấm mà không phải sát hạch, gọi là ấm thụ. Không những thế, còn có ấm tôn là đời cháu của quan cũng được hưởng chế độ ưu đãi nào đó.
Theo "Việt Nam tự điển" (Hội Khai trí Tiến đức, năm 1954, trang 127), “chiêu” là cách gọi con của tiến sĩ đời Lê; con các tiến sĩ thì được dự vào học sinh Chiêu Văn quán.
Như vậy, “ấm” trong “cậu ấm” chỉ lệ tập ấm do triều đình ban cho con cháu các quan, như ấm tử (con quan), ấm tôn (cháu quan)... Còn “chiêu” lại chỉ riêng các nho sinh con tiến sĩ, được vào học ở Chiêu Văn quán. Và “chiêu”, trong “cậu chiêu”, vốn dùng để chỉ con trai các ông tiến sĩ. Sau này, thành ngữ “cậu ấm cô chiêu” chỉ cả con trai và con gái nhà quan nói chung. Triều Lê (đời Hồng Đức) đặt ra Sùng Văn quán, Tú Lâm cục. Con các quan từ tam phẩm trở lên được tuyển vào Sùng Văn quán. Con các quan từ ngũ phẩm đến tam phẩm được tuyển vào Tú Lâm cục. Sau đời Hồng Đức, Sùng Văn quán đổi làm Chiêu Văn quán.
Ngày nay, dù lệ tập ấm không còn nhưng trong dân gian vẫn dùng các từ “cậu ấm”, “cô chiêu” có ý mỉa mai những kẻ lười biếng không chịu học tập, tu dưỡng, phấn đấu mà chỉ biết ỷ lại, trông chờ vào địa vị, chức quyền của cha mẹ để tiến thân. Như cụ Tú Xương châm biếm trong bài thơ “Bỡn ông ấm Điềm”: Ấm không ra ấm, ấm ra nồi/ Ấm chạy lăng quăng, ấm chẳng ngồi/ Chán cả đồ chuyên cùng chén mẫu/ Luộc giò, nấu thịt, lại đồ xôi.
VĂN TUẤN