"Hàn lâm" là từ gốc Hán. Tìm hiểu chiết tự từng thành tố, theo quyển “Hán-Việt từ điển giản yếu”, Nhà xuất bản Văn hóa-Thông tin, năm 2009, trang 280, “hàn” mang các nghĩa: Lông chim, bay cao, giúp đỡ, cái bút, văn từ.

Theo như cách giải thích trong “Thuyết văn giải tự” thì “hàn” là một loài gà núi, thân có lông 5 màu. Sách “Dật Châu Thư”-quyển sách ghi chép biên niên sử triều Tây Chu (Trung Hoa)-cũng cho rằng “hàn” nguyên là danh từ đại hàn, được dùng để chỉ về một giống gà thần Thiên Kê có lông đỏ 5 màu do người Thục cống nạp cho Chu Thành Vương. Về sau, danh từ “hàn” còn có nghĩa là lông chim dài và cứng, tức bút viết vì thời xưa, bút viết được làm từ lông chim dài và cứng.

“Lâm” có nghĩa là rừng. Đây là từ kết hợp theo lối hội ý của hai chữ mộc. Ý nói, rừng thì có nhiều cây. 

"Hàn lâm" nghĩa đen là rừng bút; nghĩa bóng chỉ văn đàn, học thuật, chỉ sự quy tụ các văn nhân, học giả. “Hàn lâm” thường là từ gọi tắt của “hàn lâm viện”, nghĩa là viện học thuật, nơi văn đàn mà các học sĩ tụ họp.

Ở nước ta, Hàn lâm viện được thành lập vào thời nhà Lý. Vào năm Quảng Hựu thứ hai (Bính Dần, 1086), Mạc Hiển Tích đỗ đầu khoa thi và được bổ nhiệm làm Hàn lâm học sĩ trong đời Vua Lý Nhân Tông. Đến đời nhà Trần có thêm chức Hàn lâm thừa chỉ. Ngoài ra, ở Việt Nam còn có chức quan Hàn lâm thị độc học sĩ và Hàn lâm thị giảng học sĩ...

VĂN TUẤN