Theo quyển “Từ điển tiếng Việt”, Viện Ngôn ngữ học, năm 2021, trang 331, từ “dốt” có thể hiểu là kém về trí lực, chậm hiểu, chậm tiếp thu, trái với thông minh hoặc không hiểu biết gì hoặc hiểu biết rất ít.

“Chữ” ở trang 238 được hiểu là hệ thống ký hiệu bằng đường nét đặt ra để ghi tiếng nói; đơn vị ký hiệu trong một hệ thống chữ; lối viết chữ, nét chữ riêng của mỗi người; kiến thức văn hóa, chữ nghĩa học được; lời từ xưa ghi truyền lại... và một số cách hiểu khác. Như vậy, từ "chữ" trong câu "dốt hay nói chữ" có thể được hiểu là kiến thức văn hóa, chữ nghĩa học được.

Giáo sư Nguyễn Lân giải thích trong cuốn “Từ điển thành ngữ và tục ngữ Việt Nam”, Nhà xuất bản Văn học, năm 2016, trang 135, “dốt hay nói chữ” hàm ý chê những kẻ đã không biết gì lại hay dùng những lời văn chương mà mình hiểu sai.

Trong cuốn “Đi tìm điển tích thành ngữ” của Nhà xuất bản Thông tấn, năm 2020 ghi lại câu chuyện, xưa có anh học trò rất dốt nhưng hay nói chữ nên có người tưởng anh ta hay chữ thật, đón về nhà dạy trẻ.

Một hôm, dạy con nhà chủ đọc sách đến chữ “kê” là gà, thầy thấy chữ có nhiều nét khó, không biết dịch nghĩa sao. Khi trẻ hỏi gấp, thầy cuống quýt đọc liều: “Dủ dỉ là con dù dì”. Hôm sau, thầy bệ vệ ngồi trên giường bảo lũ học trò đọc to rằng: “Dủ dỉ là con dù dì. Dủ dỉ là con dù dì”. Người chủ đang ở vườn, thấy vậy bỏ cuốc chạy vào hỏi thầy:

- Chết chửa, chữ ấy là chữ “kê”, sao lại dạy chúng nó là con dù dì.

Bấy giờ thầy biết mình dốt, song vẫn nhanh trí gỡ rằng:

- Ông tưởng tôi không biết chữ "kê", mà kê nghĩa là gà hay sao? Nhưng tôi dạy chúng nó thế là để chúng biết đến tam đại con gà kia đấy.

Chủ nhà ngạc nhiên hỏi:

- Tam đại con gà là thế nào?

Thầy cắt nghĩa:

- Thế này nhé: Dủ dỉ là chị con công, con công là ông con gà. Thế chẳng phải tôi đã dạy chúng hiểu ba đời con gà là gì.

Nhà chủ đành chịu thầy, rồi ra nói với con: “Thầy này đã dốt lại hay nói chữ”.

VĂN TUẤN