Tìm hiểu các thành tố của câu thành ngữ, trước hết, từ “phú quý” được hiểu là sự giàu có và sang trọng, thể hiện ra ngoài bằng tiền tài, vật chất. Còn từ “lễ nghĩa” là chỉ những phép tắc, cách xử sự, quy định duy trì trật tự xã hội một cách tự giác. Như vậy, ở lớp nghĩa đen, câu thành ngữ “Phú quý sinh lễ nghĩa” chỉ việc giàu sang thì sinh ra “lễ nghĩa”. Với người Việt Nam, “lễ nghĩa” là truyền thống, giá trị đạo đức và nhân văn sâu sắc được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Như vậy, ở tầng nghĩa sâu hơn, câu thành ngữ muốn phê phán hành vi của những người khi có tiền, có của, bày vẽ ra các lễ nghi, nghi thức không cần thiết.
Theo “Từ điển thành ngữ, tục ngữ Việt Nam”, Nhà xuất bản Văn hóa-Thông tin, năm 2000, trang 499, “phú quý sinh lễ nghĩa” nói những người giàu sang, có tiền của, có điều kiện thì hay bày vẽ nhiều chuyện phiền phức, cầu kỳ, tốn kém.
Ngày nay, cùng với sự phát triển kinh tế thì cuộc sống của con người càng được nâng cao, nhu cầu hưởng thụ càng lớn, ngẫm thấy giá trị triết lý của câu thành ngữ “Phú quý sinh lễ nghĩa” càng đúng đắn.
Nhiều người vì để chứng minh sự giàu sang mà không tiếc tiền của xây nhà thật to, đi xe thật đắt tiền, tổ chức những bữa tiệc xa hoa. Chính những suy nghĩ cho rằng phải phô trương, phải chứng minh sự giàu có của mình cho người khác thấy khiến nhiều người tự “vẽ” ra cho mình những lễ nghĩa không cần thiết, những hành động vô bổ, phi lý, đôi khi là làm phiền người khác.
Cuộc sống được cải thiện, con người càng chú trọng đến đời sống văn hóa, tinh thần. Nhiều nghi thức, lễ nghĩa được con người sáng tạo ra nhằm làm phong phú đời sống tinh thần của họ. Vì vậy, chúng ta nên hướng đến việc tạo ra những giá trị văn hóa, tinh thần mới, có tác dụng xây dựng nếp sống đẹp, giá trị chuẩn mực đạo đức, hạn chế những lễ nghi rườm rà, đang trực tiếp làm xói mòn truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc.
VĂN TUẤN