Bằng việc sử dụng hình ảnh vật dụng, hoạt động lao động quen thuộc trong cuộc sống, câu tục ngữ gửi gắm lời khuyên sâu sắc, thấm thía.

Theo “Từ điển tiếng Việt” (Viện Ngôn ngữ học, năm 2021), trang 767, “mài” là làm mòn để cho nhẵn, sắc hay có kích thước chính xác hơn bằng cách cọ xát với vật rất cứng. Trang 1078, “sắt” là kim loại màu xanh xám, dễ dát mỏng và kéo sợi. Với đặc tính cứng và rắn nên từ xa xưa, con người đã biết dùng sắt để chế tạo nên các công cụ thô sơ như rìu, cuốc, xẻng... Còn ngày nay, sắt là thành phần chính để chế tạo nên vật dụng hiện đại như ô tô, tàu hỏa... Trang 665, “kim” là đồ dùng để khâu may, làm bằng một đoạn thép nhỏ, một đầu có mũi nhọn, một đầu có lỗ để xâu chỉ.

Như vậy, ở lớp nghĩa thứ nhất, câu tục ngữ nói nếu cố gắng mài một thanh sắt thì lâu ngày thanh sắt cũng mòn và trở thành cây kim. Cây kim là một đồ vật rất nhỏ bé. Để mài một thanh sắt trở thành một cây kim, ngoài sự khéo léo, cẩn trọng, người thợ cần tốn rất nhiều công sức. Quá trình đó đòi hỏi người thực hiện phải rất kiên trì, bền bỉ. Từ thực tế đó, ở tầng nghĩa sâu hơn, câu tục ngữ khuyên răn, để đạt được kết quả như mong muốn, mỗi người phải rèn luyện tính kiên trì, nhẫn nại vượt qua mọi khó khăn.  

Theo Giáo sư Nguyễn Lân giải thích trong cuốn Từ điển thành ngữ, tục ngữ Việt Nam (Nhà xuất bản Văn học, năm 2016), “có công mài sắt có ngày nên kim” lời khuyên nên kiên trì, nhẫn nại làm việc nhất định sẽ có kết quả tốt.

Cuộc sống là cả một hành trình dài, mỗi ngày con người phải không ngừng học hỏi và rèn luyện để nâng cao trình độ và hoàn thiện bản thân. Để đạt được ước mơ và thành công hơn, ngoài việc cố gắng vượt qua gian nan, thử thách mỗi người còn phải học cách kiên trì, nhẫn nại.

Chăm chỉ thực hiện một công việc nào đó, điều nhận được không chỉ là thành quả công việc mà là hành trình trải nghiệm, sự thỏa mãn khi đã cố gắng bằng tất cả những gì mình có. Kiên trì, nỗ lực không ngừng nghỉ thì chắc chắn bạn sẽ đạt được những điều mà mình mong muốn. 

VĂN TUẤN