Tuy nhiên, khi tìm hiểu về nghĩa gốc của từ này thì cách hiểu hiện nay có phần xa với nghĩa ban đầu.

Theo quyển “Hán Việt từ điển”, Nhà xuất bản Văn hóa Thông tin, năm 2005, trang 94, từ “cổ” trong “cổ xúy” nghĩa là cái trống-đánh trống-hùa reo-làm náo động. Còn “xúy”, trang 937, nghĩa là thổi nhạc cụ như thổi kèn, thổi sáo. Tìm hiểu chi tiết, chữ “xúy” trong "cổ xúy” là chữ hội ý, gồm bộ khẩu (miệng) và khiếm. Nghĩa hội ý của khẩu và khiếm là miệng ngáp thì có khí bật ra; nghĩa gốc của “xúy” là chúm miệng, dùng lực đẩy khí ra ngoài. Nên “xúy” được dùng với nghĩa diễn tấu (thổi) các loại nhạc khí như sáo, tiêu, diễn tấu âm nhạc, truyền bá, đưa đến... Cũng trong từ điển trên, trang 97, “cổ xúy” là đánh trống và thổi sáo-lời lẽ hay hoặc văn chương hay khiến cho người vui thích.

“Cổ xúy” còn được biết đến là một loại nhạc, gọi là cổ xúy nhạc-một khúc hợp tấu nhạc khí thời cổ bên Trung Quốc, trong đó dùng các loại nhạc khí như: Cổ (trống), chinh (chiêng), tiêu (tiêu, sáo), già (kèn lá). Một tộc người thiểu số ở phương Bắc Trung Quốc và tộc người Hán vốn dùng hợp tấu cổ xúy nhạc để tạo thanh uy (âm thanh lớn) cổ vũ, tạo khí thế và uy lực cho quân lính vùng biên ải. Sau này và dần dần cổ xúy nhạc mới được dùng trong cung đình. "Cổ xúy" với nghĩa là tấu khúc chính là "cổ xúy" trong câu “Bày hàng cổ xúy xôn xao/ Song song đưa tới trướng đào sánh đôi”-câu 1467-1468 "Truyện Kiều" của Nguyễn Du. “Cổ xúy” mới có một nghĩa là tuyên dương, tuyên truyền.

Chính vì nghĩa như trên mà "Việt Nam tự điển" (Lê Văn Đức) giải nghĩa: “Cổ xúy” là đánh trống, thổi sáo. Theo "Từ điển tiếng Việt" (Hoàng Phê-Vietlex, bản có chú giải chữ Hán cho những từ Hán Việt): “Cổ xúy”-hợp tấu các nhạc khí cổ; hô hào và động viên bằng lời nói hoặc hành động nhằm thể hiện sự đồng tình; phong trào cổ xúy chữ quốc ngữ; luôn cổ xúy cái mới; cổ xúy lòng yêu nước...

Tuy nhiên, ngày nay có vẻ như cách dùng của từ này đang dần thay đổi khi hướng theo nghĩa tiêu cực nhiều hơn (cổ xúy ai đó làm việc xấu).

VĂN TUẤN