Tại bệnh viện dã chiến quân đội, tổng đài thường trực mỗi ngày nhận hàng trăm cuộc gọi cấp cứu bệnh nhân Covid-19. Trung úy Trần Hạnh và đồng đội đang liên tục trả lời, xử lý các ca bệnh gọi đến thì có cuộc điện thoại của một cô gái giọng rất trẻ:

- Anh có thể cho em gặp một chú lớn tuổi được không ạ?

- Có bệnh nhân Covid-19 phải không? Gia đình đang ở đâu?

- Không, không anh ơi! Em muốn nhờ một việc riêng. Không có ai bị Covid-19 và không có ai cấp cứu đâu ạ.

- Này cô! Đây không phải chỗ đùa! Ngoài việc cấp cứu bệnh nhân Covid-19, chúng tôi không có nghĩa vụ lo những việc riêng cho cô.

Điện thoại cắt đến rụp. Thùy Trang-người vừa gọi cho tổng đài-sững người. Tuy rất khó chịu nhưng cô đành im lặng, chỉ hậm hực trong lòng: “Ghê gớm! Chưa nghe chuyện gì đã...”.

leftcenterrightdel
 Minh họa: QUANG CƯỜNG

Nhưng đêm hôm ấy, lúc 23 giờ, Thùy Trang bỗng có cuộc gọi đến từ số điện thoại lạ:

 - Chào cô! Tôi là người trực tổng đài bệnh viện dã chiến mà buổi sáng cô gọi. Giờ mới được nghỉ tay. Tôi có thể giúp gì được cho cô đây?

Thùy Trang nhớ ngay ra chàng bộ đội ghê gớm sáng nay. Cô định nói lời tự ái nhưng lại thôi, vì thấy anh chàng này là người nguyên tắc nhưng vẫn quan tâm tới việc của dân.

- Anh ạ! Em có ông nội trước đây từng là chiến sĩ quân y thời kỳ chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam. Giờ ông đã 76 tuổi nhưng vẫn muốn tình nguyện tham gia chống dịch. Ông cứ bắt em liên lạc với một bệnh viện dã chiến quân đội để xin cho ông đi.

- Thế buổi sáng cô xin gặp một người lớn tuổi để làm gì?

- À, ông em muốn xin thẳng một vị chỉ huy để cho chắc chắn. Vì thế em muốn...

- Tôi hiểu rồi. Ý cô là muốn thủ trưởng của chúng tôi nói chuyện trực tiếp với ông và khuyên ông “ở nhà là yêu nước”, đúng không ?

- Ôi, sao anh thông minh thế! Đúng là như vậy, vì ông em già rồi, vào đó nguy hiểm thêm.

- Không thông minh mà được ngồi trực tổng đài à? Em cho số máy và một số thông tin về ông để anh báo cáo thủ trưởng gọi khuyên ông. - Trần Hạnh chuyển sang xưng anh em rất tình cảm.

Sáng hôm sau, vào lúc 5 giờ, ông nội của Thùy Trang bỗng có cuộc điện thoại gọi tới:

- A lô ạ! Cháu chào ông-người đại úy quân y tài năng của Trung đoàn 262 Mặt trận Tây Nam một thời. Cháu là Trần Hạnh, bác sĩ quân y bệnh viện dã chiến quân đội đây ạ. Hôm qua cháu đã được Thùy Trang gọi điện đề đạt nguyện vọng của ông.  

Nghe giọng người gọi rất trẻ trung và thân mật, ông Hùng-ông nội của Thùy Trang-sung sướng reo lên:

- Ôi chào đồng chí! Tôi đang từng ngày từng giờ mong được tham gia cuộc chiến chống dịch với các đồng chí đây. Ngày ra quân, thủ trưởng của tôi có dặn: Khi nào đất nước có giặc, anh em ta phải sẵn sàng lên đường cứu nhân dân, bảo vệ Tổ quốc. Cuộc chiến chống "giặc" Covid-19 cam go, gian khổ thế mà tôi lại ở nhà. Nhìn trên ti vi, thấy hàng nghìn bộ đội rầm rập khoác ba lô đi cứu dân, tôi sốt ruột lắm. Vì thế, tôi muốn được tham gia chống dịch theo khả năng chuyên môn của mình.

- Thưa ông, cháu được lệnh của thủ trưởng trả lời ông đây ạ. Đúng là cuộc chiến chống dịch Covid-19 như chống giặc, rất gay go và khốc liệt. Đất nước đang cần những người lính vào cuộc chiến đấu, nhất là những người có chuyên môn giỏi như ông. Hàng vạn đồng đội trẻ của chúng cháu đã đến, đang tham gia tích cực ngày đêm ở vùng tâm dịch. Ai rồi cũng sẽ đến lượt, nhưng chưa phải tất cả lên đường lúc này. Việc của ông và mọi người bây giờ là ngồi yên ở nhà, giữ sức khỏe để làm quân dự bị, khi nào Tổ quốc cần, những người tài giỏi như ông sẽ được gọi lên đường ngay ạ.

Lời của Trần Hạnh có tình, có lý và rất kính trọng nên ông Hùng vui vẻ lắm. Ông còn đùa: "Báo cáo rõ!" và dặn kỹ: "Khi nào cần huy động lực lượng cựu chiến binh quân y thì đồng chí phải nhớ đến tôi đầu tiên đấy!".  

Bỗng nhiên ông Hùng vội hỏi:

- À đồng chí ơi! Nếu tôi phải đợi thì đứa cháu gái tôi, nó vừa tốt nghiệp đại học sư phạm, xin tình nguyện đi hỗ trợ vùng tâm dịch có được không đồng chí?

Nghe thế, Trần Hạnh biết ngay ông nói đến Thùy Trang. Vốn có cảm tình với Thùy Trang nên dù bị hỏi bất ngờ, chàng trung úy vẫn rất hồ hởi trả lời:

- Vâng vâng, có thể được ông ạ! Nhưng để cháu hướng dẫn em ấy làm đơn tình nguyện.

23 giờ hôm sau, Thùy Trang gọi điện cho Trần Hạnh:

- Em cảm ơn anh nhé! Anh là bác sĩ mà nói năng như chính ủy. Ông em từ hôm qua đến giờ vui vẻ và thoải mái lắm. Trưa nay ông mang ba lô, áo blouse và một số dụng cụ quân y thời đi đánh giặc ra phơi phóng, cứ như sắp được ra trận ấy. Ông còn giục em làm đơn tình nguyện tham gia đi chống "giặc" Covid-19.

- Đúng đấy, em viết đơn đi. May ra được vào bệnh viện dã chiến này, ta cùng hiệp đồng chiến đấu...

Nghe thế, Thùy Trang cười khanh khách, rồi cô dõng dạc:

- Báo cáo “Chính ủy”! Em đã nộp đơn cho Thành đoàn rồi. Ngày kia chúng em sẽ lên đường.

- Ha ha!-Trần Hạnh cười vang, rồi bất ngờ anh hạ giọng thầm thì một câu thơ của nhà thơ Nguyễn Đình Thi: Anh yêu em như yêu đất nước/ Vất vả đau thương, tươi thắm vô ngần.

Bất ngờ hơn, Thùy Trang cũng thầm thì trả lời: Nước chúng ta/ Nước những người chưa bao giờ khuất/ Đêm đêm rì rầm trong tiếng đất/ Những buổi ngày xưa vọng nói về.

Thế là cả hai cùng cười vang, như thể họ đã mến nhau từ lâu, như thể ngày mai họ sẽ gặp nhau ngoài mặt trận.

Truyện vui của NGUYỄN HÀ MY