Cách nay hơn hai chục năm, hồi còn ở Tạp chí Văn nghệ Quân đội, một lần thấy mấy anh em trong cơ quan đã đến giờ nghỉ còn ngồi dán mắt trước màn hình ti vi theo dõi một trận bóng “nguội”, Trần Đăng Khoa “phán”:

- Xem bóng đá thì phải ra trực tiếp sân cỏ. Ở đó là cả một bầu khí quyển rừng rực. Ở đó, chúng ta không chỉ được xem trực tiếp các cầu thủ mà còn được xem khán giả. Mà điều đó hấp dẫn hơn rất nhiều. Bởi chính khán giả mới tạo nên bầu khí quyển đặc biệt của bóng đá. Khán giả mới là linh hồn của bóng đá. Nhé!

leftcenterrightdel
Minh họa: LÊ ANH

Nhà thơ Anh Ngọc, một người “ăn bóng đá, ngủ bóng đá” hỏi: “Thế ông đã ra sân xem khán giả bao giờ chưa?”. Trần Đăng Khoa khoát tay:

- Rồi, sân quốc tế hẳn hoi nhé! World Cup năm 1994 ở Mỹ nhé! Bác còn nhớ dịp ấy, tôi cùng các anh Phạm Tiến Duật, Nguyễn Quang Thiều... trong đoàn nhà văn Việt Nam sang làm việc với Trung tâm văn học William Joiner ở thành phố Boston không? Lần ấy, chúng tôi đã được mỗi người một chiếc vé mời ra sân Foxboro xem trận Argentina đá với... với...

Trong lúc “nhà thơ thần đồng” đang cố nhớ xem trận ấy Argentina đá với đội nào thì “nhà thơ túc cầu” Anh Ngọc gật gù: “Đúng rồi! Đúng rồi! Cậu thấy khán giả Tây như thế nào?”. Trần Đăng Khoa hào hứng:

- Đúng là cả một biển người phát điên phát cuồng bác ạ. Họ trát bột màu xanh đỏ lên mặt mũi, đầu tóc, quần áo. Có anh chàng lùn tịt, đội ngất nghểu trên đầu một cái mũ quái dị, cao đến ba bốn mét, xâu xếp bằng những quả bóng màu xanh đỏ, dáng đi lặc lè. Rồi hàng nghìn người tự làm cho mình dị dạng, méo mó, đã thế lại còn múa may quay cuồng như kẻ rồ dại, thỉnh thoảng lại hét ré lên như bị chọc tiết. Rồi họ vỗ trống thùng thùng, rúc kèn toe toe. Rồi ống bơ, vỏ bia hộp, kèn sắt tây, ai có gì thì sử dụng cái đó, miễn là vỗ ra được âm thanh, rúc lên thành tiếng động. Sân bóng đúng là một thế giới ầm ĩ, huyên náo và kích động. Có nhiều cô gái cởi trần, à không, phải nói là cởi trần truồng, toàn thân sơn màu cờ của Argentina hoặc là cờ của... của...

Đến đây, Trần Đăng Khoa lại ngắc ngứ vì chưa nhớ ra trận ấy Argentina đá với đội nào. Cũng may là “nhà thơ túc cầu” lại hỏi tiếp, tất nhiên đầy nghi ngờ: “Cậu có mặt ở sân vận động thật à? Nghĩa là cậu đã nhìn thấy Maradona bằng xương, bằng thịt hẳn hoi chứ? Cậu thấy Maradona như thế nào?...”. Trần Đăng Khoa vẫn liến thoắng:

- Trời đất ạ, bữa đó cả sân vận động Foxboro như một cái chảo lửa, à không phải, như một cái vạc dầu khổng lồ đang sôi sùng sục. Còn mặt sân thì như một cái nong tằm nhộn nhạo, lúc nhúc có đến hơn hai chục con tằm hung hãn cứ nháo nhào nhào tranh nhau nhõn một ngọn lá dâu, tức là trái bóng bé tí như quả bưởi, làm sao tôi biết được con tằm nào là Maradona kia chứ!

Đến đây thì “nhà thơ túc cầu” nói gần như hét vào mặt "nhà thơ thần đồng", rằng: “Maradona là một thiên tài bóng đá! Thập kỷ này là thập kỷ Maradona! Cậu rõ chưa? Đó là một siêu sao, một vị thánh sống... Thế mà cậu lại không biết!..”. Trần Đăng Khoa vẫn không nao núng:

- Nói thật với các bác, em mê bóng đá, nhưng chỉ thích xem bóng đá Việt Nam thôi, nó đậm đà bản sắc dân tộc mà cũng dễ nhớ tên, dễ nhận mặt cầu thủ...

Nhà thơ Nguyễn Đức Mậu nãy giờ im lặng ngồi nghe “thánh phán”, liền cất tiếng “kiểm tra” niềm say mê bóng đá Việt Nam của Trần Đăng Khoa: “Thế ông có nhớ trong trận giao hữu giữa đội tuyển Việt Nam với đội bóng Câu lạc bộ Ganh-găm của Pháp vừa rồi, Văn Sỹ hay là Văn Sỹ Hùng đã ghi bàn thắng?”.

"Nhà thơ thần đồng" trả lời tỉnh bơ: “Văn gì mà chả được, miễn là đã ghi bàn danh dự cho đội tuyển Việt Nam!”.

Thật đúng là... "thánh phán"!

TUYÊN HÓA