Theo quyển “Truyện Kiều chú giải” của Lê Văn Hòe, năm 1956, “hồ cầm” chính là cái nhị, hay cái hồ; trong câu thơ trên, “hồ cầm” tác giả nói đến là đàn tỳ bà. Trong cuốn “Từ điển Truyện Kiều” của Đào Duy Anh, Nhà xuất bản Văn hóa-Thông tin, năm 2000, trang 246 chú giải “hồ cầm” là một loại đàn giống đàn nhị của ta. Cũng có kiểu giống đàn tỳ bà gọi là nguyệt cầm. Đàn này của người Tây Vực nên gọi là “hồ cầm”.

“Hồ cầm” trong câu thơ trên của cụ Nguyễn Du được sử dụng từ điển tích chỉ cây đàn tỳ bà của nàng Chiêu Quân, được nàng thường xuyên sử dụng, tấu khúc nhạc giải sầu khi bị cống sang Phiên Quốc (Rợ Hồ). Chiêu Quân tên thật là Vương Tường, người Nam quận, đời Hán Nguyên Đế. 17 tuổi đã nổi tiếng với nhan sắc hơn người, nết na, được tuyển vào cung vua. Do số phi tần trong hậu cung của Nguyên Đế quá đông, hoàng đế ra lệnh cho họa sĩ phải vẽ hình các cung phi để chọn. Vậy nên, nhiều cung phi thường lo lót tiền cho họa sĩ để được vẽ dung mạo thật đẹp, mong hoàng đế để ý tới. Còn Chiêu Quân không chịu đút lót nên chân dung nàng bị vẽ rất xấu xí, bởi vậy, nàng không có cơ hội được Hán Nguyên Đế để mắt tới.

Một dịp chúa Thiền Vu của nước Hung Nô vào chầu tỏ ý muốn xin một người con gái Trung Nguyên làm vợ. Hán Nguyên Đế đồng ý và ra lệnh cho các cung nhân ai muốn tới Hung Nô làm vợ Thiền Vu sẽ cho đi.

Tiến cung mấy năm nhưng không được vua để mắt tới nên Vương Chiêu Quân tình nguyện xin đi. Trước ngày lên đường, Hán Nguyên Đế mở tiệc chiêu đãi. Khi thấy Vương Chiêu Quân bước lên điện, dung mạo sáng ngời, quốc sắc thiên hương khác hẳn trong tranh, Hán Nguyên Đế mê mẩn, trong lòng tức giận, tiếc nuối vô cùng nhưng phải trọng tín với ngoại quốc nên đành phải để Vương Chiêu Quân đi.

Sau buổi trình diện, Chiêu Quân ngậm ngùi ôm cây đàn tỳ bà theo Thiền Vu về đất Hung Nô. Hán Nguyên Đế tức giận điều tra mới biết do họa sĩ ăn hối lộ, đổi trắng thay đen mới gây nên chuyện. Hoàng đế ra lệnh chém đầu thị chúng và tịch thu của cải.

VĂN TUẤN