Theo quyển “Từ điển tiếng Việt”, Viện Ngôn ngữ học, năm 2021, trang 168, “chào” là tỏ bằng lời nói hoặc cử chỉ, thái độ kính trọng hoặc quan tâm đối với ai đó, khi gặp nhau hoặc khi từ biệt; tỏ thái độ kính cẩn trước cái gì thiêng liêng, cao quý. “Lời chào” là lời nói dùng để chào hỏi giữa những người thân quen hoặc cả những người xa lạ. Thông thường, người có vai vế thấp hơn, người nhỏ tuổi hơn sẽ cất lời chào trước. “Lời chào” là một hình thức lễ nghi trước khi bắt đầu một cuộc trò chuyện nào đó mà con người tiến hành trong giao tiếp hằng ngày. Lời chào hỏi thể hiện tình cảm, thái độ kính trọng của mình đối với người khác. Trong cuộc sống, “lời chào” trở thành một quy tắc ứng xử lịch sự giữ con người với con người. 

Trang 257, “cỗ” là toàn bộ những món ăn bày thành mâm để cúng lễ, ăn uống theo tục lệ. “Mâm cỗ” là những món ăn được bày thành mâm để cúng tổ tiên, thần phật có ý nghĩa thiêng liêng. Khi gia đình có việc trọng đại, thường sẽ tổ chức tiệc để thông báo cho mọi người xung quanh biết (cỗ cưới, cỗ giỗ...). “Mâm cỗ” cũng có thể dùng để thết đãi khách khứa theo phong tục truyền thống.

Theo Giáo sư Nguyễn Lân giải thích trong cuốn “Từ điển thành ngữ, tục ngữ Việt Nam”, Nhà xuất bản Văn học, năm 2016, trang 254, “lời chào cao hơn mâm cỗ”, ý nói trong giao tiếp xã hội, sự chào hỏi, niềm nở cần hơn sự chiêu đãi vật chất.

Theo quyển “Từ điển thành ngữ tục ngữ Việt Nam”, Nhà xuất bản Văn hóa Thông tin, năm 2000, trang 569, “lời chào cao hơn mâm cỗ”, có nghĩa là tình cảm, lễ nghi, chào mời thân mật còn quý hơn vật chất, miếng ăn.

Trong một bữa tiệc, “lời chào” có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Biết chào hỏi nhau trước khi ăn uống là biểu hiện thái độ gắn kết thân thiết và tôn trọng lẫn nhau. Điều ấy thể hiện cách ứng xử tinh tế của một con người, không vì miếng ăn mà quên đi nghĩa cử cao đẹp trong cuộc sống.

Ngày nay, ảnh hưởng của lối sống xô bồ, hối hả, sự mất dần của những câu chào, thăm hỏi... về mặt nào đó cũng là sự biến mất của những thành tố góp phần tạo nên văn hóa, sự kết nối giữa con người với con người, dẫn đến nhiều hệ lụy xã hội từ sự dửng dưng, vô cảm, không biết, không thấy.

VĂN TUẤN