Ở thị trấn ấy có Chi nhánh Ngân hàng Á Châu. Trong cuộc giao lưu văn nghệ, Mai Hoa-Bí thư chi đoàn kết nghĩa, một cô gái có sắc đẹp đến là kiêu sa, lại vốn là người sính Kiều, biết Vui ta yêu Kiều, Mai Hoa đứng lên:
- Ở thị trấn ta có Ngân hàng ACB. Có người nói, thời nàng Kiều đã có ngân hàng. Xin các anh bộ đội trả lời hộ cho, nói thế có đúng không?
Cánh lính ta đưa mắt nhìn nhau, rồi mọi ánh mắt đổ dồn vào Vui. Vui ta e hèm, lại vờ ho khan mấy cái, hiên ngang đứng dậy, trả lời rất đanh thép:
- Đúng vậy! Thời Kiều đã có ngân hàng!
Mai Hoa và mọi người mắt chữ A, mồm chữ O. Vẫn tỉnh queo, lại e hèm, lại ho khan mấy cái, Vui rề rà:
- Nhà băng tiếng Tây là ngân hàng. Truyện Kiều có câu: Nhà băng đưa mối rước vào lầu trang, đó thôi!
Hội trường ồ lên. Đúng là "Truyện Kiều" có câu ấy thật! Rõ là thời ấy có ngân hàng rồi! Mấy cô đoàn viên bên chi đoàn bạn lúng liếng mắt nhìn Vui. Mai Hoa cũng liêng liếc nhìn Vui, cái nhìn lạ lắm.
Bố Mai Hoa là một thầy giáo dạy môn Ngữ văn của trường THPT huyện đã nghỉ hưu. Năm ấy, mùa thi đại học đến, em gái Mai Hoa cùng mấy chàng, nàng sắp lều chõng lên đường ứng thí. Trước khi thi cử, chừng cũng hồi hộp, các sĩ tử đến xin ông giáo chỉ giáo. Ngẫm ngợi một lúc, ông phán:
- Mai Hoa đâu? Ngày mai chủ nhật, con mời cậu Vui lại chơi, nhờ cậu ấy bói cho mấy em một quẻ. Việc này phi cậu ấy không xong!
- Bố ơi! - Mai Hoa giãy nảy - Anh ấy là bộ đội. Kỷ luật nghiêm lắm. Ai chơi trò bói toán, mê tín dị đoan.
- Bậy! Nói thế là hết sức bậy! - Ông giáo mặt mũi đỏ bừng, đấm tay vào không khí - Ai bảo bói Kiều là mê tín dị đoan? Hết sức bậy! Ở nước Nam ta, bói Kiều đã có từ lâu đời. Này này, bố bảo cho mà biết, theo cụ Phan Kế Bính và nhiều học giả nổi tiếng nước Nam ta, bói Kiều là nét văn hóa tâm linh, là cái thú tao nhã chứ chẳng phải mê tín dị đoan đâu nhé!
Mai Hoa dạ ran. Nghe Mai Hoa “a lô” một hồi, chủ nhật ấy, Vui ta quân phục chỉnh tề, quân hàm, quân hiệu sáng choang đến. Mấy sĩ tử cũng đã tề tựu đông đủ. Nghe ông giáo tỉ tê gì đó với Vui, Vui kính cẩn:
- Dạ, vâng lời bác, cháu xin thử bói một quẻ xem sao ạ!
Ông giáo cười hân hoan, vào giá sách trang trọng cầm ra cuốn "Truyện Kiều". Vui ra hiệu cho các sĩ tử ngồi yên lặng. Với vẻ mặt hết sức quan trọng, Vui ta đưa cả hai tay nâng quyển truyện lên cao rồi hạ xuống ngang mặt đúng ba lần, miệng lầm rầm khấn. Các sĩ tử nghe lõm bõm những là: “Lạy vua Từ Hải, lạy vãi Giác Duyên, lạy tiên Thúy Kiều...” rồi "úm ba la", Vui mở sách. Các sĩ tử nhấp nhổm người, ngó nghiêng nhìn vào cái câu mình chọn:
Gặp bà Tam Hợp đạo cô
Thong dong hỏi hết nhỏ to sự nàng
Ai cũng hoảng hốt nhìn nhau. Chết rồi! “Gặp bà Tam hợp đạo cô” tức thị gặp đàn bà! Người Việt mình thường quan niệm ra đường gặp đàn bà là xui xẻo. Đằng này lại trước lúc đi thi...?! Ông giáo thấy thế cũng giật mình thon thót. Hình như có một chút bối rối thoáng qua, Vui ta lại tỉnh queo như thường. Cậu ta e hèm mấy tiếng, lại ho khan mấy cái, cao giọng phán:
- Quẻ này tuyệt vời! Này nhé, đi thi mà “gặp bà Tam Hợp” đích thị gặp ba cái... hợp (!), ấy là thiên thời, địa lợi, nhân hòa! Tuyệt vời! Lại nữa, cụ Nguyễn Du vốn người xứ Nghệ, mà dân Nghệ thường hay nói lái. Ở đây cụ dùng lối chơi chữ. Lối này trong tu từ học gọi là... nói lái (!). Thế nên ta suy ra “gặp bà Tam Hợp đạo cô”, “đạo cô” là “đỗ cao”(!). Lại tuyệt vời nữa! Đúng không?
Các sĩ tử đang hoảng hốt, cũng trấn tĩnh lại nhìn nhau cười tưng bừng. Mặt mũi ông giáo cũng hồng hào trở lại. Vui ta vung tay lên, phán tiếp:
- Nhưng muốn đỗ cao, các bạn phải nhớ còn có câu sau “Thong dong hỏi hết nhỏ to sự nàng”. Phải hết sức chú ý các từ “thong dong” và “hỏi hết”. Nghĩa là ở nhà thì phải cẩn thận, tức thị là thong dong, học hỏi cho “hết” cái chữ; vào phòng thi phải bình tĩnh, chớ có hấp tấp, cũng tức là thong dong, làm cho “hết”, cho chu đáo các câu hỏi, các mục của đề thi. Như thế quẻ bói mới nghiệm vào mình (!)
Các sĩ tử dạ ran. Sau lần bói Kiều ấy, nghe lời “thầy”, các sĩ tử ta về nhà tranh thủ học hỏi, nỗ lực ôn tập, vào phòng thi bình tĩnh làm bài và đều đỗ cao. Tiếng tăm Trung sĩ Vui - người lính giảng Kiều - từ ấy càng nổi như xăng!
Truyện vui của HÀ XUÂN