Bằng những hình ảnh dân dã, gần gũi, câu tục ngữ nhắn nhủ lời khuyên thâm thúy mỗi người phải xây dựng cho mình đức tính tự lập-chìa khóa khởi nguồn của thành công.

Theo “Từ điển tiếng Việt”, Viện Ngôn ngữ học, năm 2021, trang 946, “nước lã”-nước tự nhiên, chưa đun nấu. Trang 1.387, “vã” vỗ nhẹ, đập nhẹ cho thấm nước. Trang 576, “hồ”-chất dính nấu bằng bột và nước để dán. “Nước lã mà vã nên hồ” ở lớp nghĩa đen là từ những nguyên liệu tự nhiên, thông qua động tác lao động khéo léo mà tạo nên được chất kết dính. Trang 270, “cơ đồ”, sự nghiệp lớn và vững chắc. Như vậy, vế thứ hai “Tay không mà nổi cơ đồ mới ngoan” bổ sung hoàn hảo cho ý của vế trước, bắt đầu từ bàn tay trắng tạo dựng nên cơ đồ mới đáng trân trọng, nể phục.

Theo “Từ điển thành ngữ, tục ngữ Việt Nam”, Nhà xuất bản Văn hóa Thông tin năm 2000, trang 483, “nước lã mà vã nên hồ”, tay không mà làm nên sự nghiệp.

Ngoài việc răn dạy, câu tục ngữ còn truyền động lực, khích lệ mỗi con người xây dựng nếp sống tự lập, dựa vào sức lực, trí tuệ của mình để tạo nên sự nghiệp bền vững. Tự lập là một đức tính quý báu. Rèn được tính tự lập, mỗi khi đương đầu với sóng gió cuộc đời con người luôn có thể tự chủ động tìm cách tự giải quyết công việc, sống bản lĩnh, dám nghĩ, dám làm, tạo dựng lối đi riêng cho chính mình. Trong xã hội ngày nay, tính tự lập ngày càng được đánh giá cao. Xây dựng được tính tự lập, mỗi người sẽ chủ động nhìn nhận sự việc đúng đắn, biết cư xử có đạo đức trong quan hệ với người khác. Ngoài ra, tính tự lập còn giúp chúng ta vượt qua khó khăn trong cuộc sống để vươn lên.

Để rèn được lối sống tự lập là một quá trình lâu dài, khó khăn, vậy nên câu tục ngữ “Nước lã mà vã nên hồ” còn là nguồn cảm hứng giúp mỗi người tích cực học tập và rèn luyện, sống có trách nhiệm, tăng khả năng tư duy, sáng tạo và tự làm chủ.

 

VĂN TUẤN