Theo “Từ điển tiếng Việt” (Viện Ngôn ngữ học, năm 2021, trang 709), “lề” là thói quen đã thành nếp, thành lệ. “Đất có lề” tức là lề luật, quy định, quy tắc, thông lệ... của địa phương hay của cộng đồng dân cư ở nơi đó. Theo cách nói dân dã là lề lối, lề luật, lề phép... “Thói” là lối, cách sống hay hoạt động, được lặp lại lâu ngày đã trở thành thói quen (trang 1.200, sđd). "Quê có thói" nghĩa là thói quen, thói tục, thói cách, cách thức, tục lệ, tập quán, phong tục... riêng của mỗi miền quê.

Bằng những từ ngữ mộc mạc, gần gũi, câu tục ngữ “Đất có lề, quê có thói” nhắn nhủ rằng, ở địa phương nào cũng có những luật lệ, phong tục, thói quen riêng. Đằng sau lớp nghĩa thứ nhất, câu tục ngữ còn ẩn chứa lời dạy sâu sắc, khi đến bất kỳ vùng đất nào, chúng ta phải hiểu biết, tôn trọng lề luật, tập tục ở đó để ứng xử cho phù hợp. Có những thói quen, lề luật ở đất khách không giống quê hương mình nhưng vẫn phải tôn trọng, tránh bị cho là kém duyên, hoặc nặng nề hơn là vi phạm quy tắc, quy định, luật lệ ở địa phương đó.

Đất nước ta nghìn năm văn hiến đã tạo dựng nên một nền văn hóa phong phú, đa dạng. Ở mỗi vùng miền, địa phương đều có những nét văn hóa, tập tục độc đáo, mang bản sắc riêng. Câu tục ngữ ngoài việc răn dạy mỗi người phải biết chú ý học hỏi các phép ứng xử phù hợp khi đến địa phương khác còn nhắc nhở rằng dẫu đi đâu, về đâu cũng không được quên mảnh đất quê nhà với những phong tục, thói quen, lề lối đã nuôi ta lớn lên. Đồng thời phải có trách nhiệm chung sức giữ gìn và phát huy những quy tắc, phong tục làm giàu thêm bản sắc, nét đặc trưng của văn hóa quê hương, đất nước.

VĂN TUẤN