Âm vang tiếng chày “giã gạo nuôi quân”
Chúng tôi về huyện Bù Đăng đúng thời điểm đợt thi đua lập thành tích chào mừng kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng Bù Đăng (14-12-1974 / 14-12-2024) vào giai đoạn “nước rút”. Dường như âm hưởng của tiếng chày “giã gạo nuôi quân” ngày nào vẫn còn vang vọng, khí thế thi đua sôi nổi từ sóc Bom Bo lan tỏa sâu rộng tới các thôn, sóc trong toàn huyện.
Sóc Bom Bo nay là thôn Bom Bo thuộc xã Bình Minh, huyện Bù Đăng. Tại đây, chúng tôi đã gặp được già làng Điểu Lên, nhân chứng sống của cuộc kháng chiến chống Mỹ trường kỳ gian khổ tại Bù Đăng. Ông đã 3 lần được tặng danh hiệu dũng sĩ (dũng sĩ diệt Mỹ, ngụy; dũng sĩ chống càn; dũng sĩ diệt ác phá kìm). Gần 80 tuổi, nhưng ông vẫn nhớ như in những trận chiến đấu chống càn của đội du kích xã Bom Bo cách đây hơn nửa thế kỷ.
Già làng Điểu Lên nhớ lại: Vào những năm đầu thập niên 1960, Mỹ-ngụy liên tục càn quét, dồn dân vào ấp chiến lược hòng tiêu diệt cách mạng, cắt đứt liên hệ của người dân với cách mạng. Cả sóc Bom Bo kiên quyết không vào ấp chiến lược. Đến giữa năm 1963, khi địch vây bắt và khủng bố gắt gao thì già trẻ, gái trai của vài chục hộ dân sóc Bom Bo đã lặng lẽ băng rừng, vượt suối vào căn cứ Nửa Lon để theo cách mạng. Ở vùng đất mới, bà con bắt tay vào vừa xây dựng lán trại, tăng gia sản xuất và vừa tham gia đánh giặc. Thanh niên thì vào bộ đội, du kích, làm giao liên.
Đêm xuống, những cặp đôi đứng giã gạo in bóng trong ánh lửa đuốc bập bùng, âm thanh tiếng chày cắc cụp cum... vang vọng núi rừng. Sau rất nhiều lần đến rồi đi, nhiều lần chứng kiến những hình ảnh này, cảm xúc trong lòng nhạc sĩ Xuân Hồng dâng trào, lời bài hát kèm những nốt nhạc cứ thế đến với ông như điều tự nhiên. Tinh thần yêu nước nồng nàn của người dân Bom Bo được khắc âm ngắn gọn trong cụm từ “bao nhiêu gạo là bao nhiêu tình”, không thể định lượng, đong đếm được. Và ca khúc “Tiếng chày trên Sóc Bom Bo” đã ra đời khiến quân dân cả nước xúc động dâng trào, trở thành bản hùng ca thôi thúc quân dân khắp nơi đánh giặc...
Từ sóc Bom Bo, phong trào cách mạng lan rộng ra các phum, sóc của huyện Bù Đăng, tạo thế và lực cho Trung ương Cục và Quân ủy Miền quyết định mở Chiến dịch Đường 14-Phước Long vào tháng 12-1974. Chiến dịch kết thúc thắng lợi, tạo niềm tin cho quân và dân ta thúc đẩy mọi hoạt động trên chiến trường cũng như ở hậu phương khẩn trương chuẩn bị cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
|
|
Đường về sóc Bom Bo hôm nay.
|
Những “chuyện lạ” ở Bù Đăng hôm nay
Từ một huyện nghèo nàn, lạc hậu và bị tàn phá nặng nề trong chiến tranh, nửa thế kỷ sau ngày giải phóng, Bù Đăng đã “thay da đổi thịt” đến ngỡ ngàng. Trong tổng số 15 xã xây dựng nông thôn mới, hiện có 10 xã đạt tiêu chuẩn, 2 xã đạt nâng cao. 30/65 trường học các cấp đạt chuẩn quốc gia. Huyện đã có trung tâm thương mại, 11 chợ truyền thống, 9/16 xã, thị trấn có bách hóa xanh, 468 doanh nghiệp và hơn 2.500 hộ kinh doanh đang hoạt động. Kinh tế, xã hội của huyện ngày càng phát triển mạnh mẽ. Nhiều năm trở lại đây, thu ngân sách của huyện năm sau luôn cao hơn năm trước từ 10 đến 18%.
Một trong những kỳ tích nổi bật của huyện Bù Đăng sau giải phóng là xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống cho đồng bào các dân tộc thiểu số (DTTS).
Theo đồng chí Điểu Khuê, Trưởng phòng Dân tộc huyện Bù Đăng, toàn huyện hiện có 40,44% dân số là đồng bào DTTS, chủ yếu thuộc 3 dân tộc là M’nông, S’Tiêng, Châu Mạ. Nhiều năm qua, Đảng bộ, chính quyền và các địa phương trong huyện Bù Đăng đã triển khai nhiều chính sách phát triển kinh tế-xã hội vùng DTTS đạt kết quả tốt. Đặc biệt, Chương trình 134, 135 của Chính phủ đã giúp hàng nghìn hộ dân được thụ hưởng, qua đó có đất sản xuất, nhà ở ổn định; có phương tiện sản xuất để vươn lên thoát nghèo bền vững. Chỉ tính riêng từ năm 2019 đến nay, toàn huyện có 4.700 hộ DTTS được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội với tổng số tiền vay là hơn 110 tỷ đồng. Hàng trăm hộ được Nhà nước hỗ trợ công cụ sản xuất, cây, con giống, từ đó đẩy mạnh sản xuất, xóa đói, giảm nghèo. 4 năm qua, toàn huyện đã giảm 1.118 hộ nghèo là đồng bào DTTS, góp phần kéo giảm số hộ nghèo DTTS toàn huyện xuống chỉ còn 254 hộ.
Đến Bù Đăng hôm nay, chúng tôi được chứng kiến nhiều “chuyện lạ” vì dân ở vùng đất giàu truyền thống cách mạng này. Chẳng hạn như mô hình “đi 1 về 3”, có nghĩa là nếu người dân mang hồ sơ cho bé mới sinh đến UBND xã, chỉ một thời gian ngắn, bộ phận “một cửa” sẽ trả 3 kết quả gồm: Giấy khai sinh, mã định danh và thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ em. Hay mô hình “3 không, 4 có, 5 rõ” (3 không là: Không nói “không làm”, không nói “khó làm”, không nói “có mà vẫn chưa làm”; 4 có là: Có bản lĩnh chính trị vững vàng, có đạo đức, lối sống trong sáng, có trách nhiệm hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, có uy tín và thật sự gương mẫu; 5 rõ: Rõ việc, rõ đối tượng, rõ trách nhiệm, rõ giải pháp, rõ hiệu quả)...
Nhờ có các mô hình này mà từ huyện đến người dân đều “trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt” thực hiện các phong trào thi đua do huyện phát động.
|
|
Du khách trải nghiệm các hoạt động giã gạo và giao lưu văn nghệ tại sóc Bom Bo. Ảnh: PHÚ QUÝ
|
Tiềm năng du lịch đang được đánh thức
Huyện Bù Đăng có diện tích hơn 1.500km2, gần bằng diện tích của tỉnh Thái Bình với nhiều thắng cảnh thiên nhiên hoang sơ và hùng vĩ như: Trảng cỏ Bù Lạch (xã Đồng Nai), thác Đứng (xã Đoàn Kết). Trên địa bàn huyện có nhiều di tích lịch sử cách mạng như chùa Đức Bổn A Lan Nhã, Căn cứ Nửa Lon, đặc biệt là địa danh huyền thoại sóc Bom Bo...
Theo đồng chí Vũ Lương, Bí thư Huyện ủy Bù Đăng, tiềm năng du lịch của huyện đang được đánh thức, nhất là từ khi tỉnh Bình Phước triển khai xây dựng các dự án thuộc Khu bảo tồn văn hóa dân tộc S’Tiêng sóc Bom Bo (năm 2010), Khu bảo tồn này thường xuyên đón khách trong nước và quốc tế đến tham quan. Tại đây, du khách sẽ có dịp ôn lại những năm tháng kháng chiến hào hùng của đồng bào dân tộc S’Tiêng hướng về cách mạng với hoạt động giã gạo nuôi quân; được hòa mình vào những âm thanh rộn ràng của tiếng chày xen lẫn tiếng cồng chiêng; uống rượu cần, thưởng thức món thịt nướng, nghe già làng kể chuyện về buôn sóc bên ánh lửa hồng. Ngoài ra, du khách còn được tham gia, tìm hiểu về các lễ hội, chương trình biểu diễn nghệ thuật truyền thống độc đáo của đồng bào S'Tiêng tại khu bảo tồn. Những hoạt động này mang ý nghĩa giao thoa văn hóa giữa người dân nơi đây với du khách và tạo điều kiện cho đồng bào S’Tiêng có thêm động lực, ý thức trong việc bảo tồn, gìn giữ văn hóa của dân tộc mình. Qua đó, góp phần giới thiệu, quảng bá đến du khách về nét đẹp văn hóa truyền thống của đồng bào S’Tiêng ở Bình Phước nói riêng và đồng bào S’Tiêng cả nước nói chung; đồng thời đưa phong trào văn hóa, văn nghệ của đồng bào S’Tiêng và của địa phương ngày càng phát triển.
Tại Khu bảo tồn văn hóa dân tộc S’Tiêng sóc Bom Bo, du khách sẽ được nghe những âm thanh kỳ diệu từ bộ cồng chiêng được làm bằng đồng đỏ và thiếc lớn nhất Việt Nam; bộ đàn đá có trọng lượng 20 tấn...
Đồng chí Phạm Anh Tuấn, Trưởng ban Quản lý Khu bảo tồn văn hóa dân tộc S’Tiêng sóc Bom Bo cho biết: “Để chương trình trải nghiệm, du khảo về nguồn của du khách và các em học sinh tại Khu bảo tồn văn hóa dân tộc S’Tiêng sóc Bom Bo được ý nghĩa và ấn tượng, Ban Quản lý Khu bảo tồn chú trọng việc giới thiệu về truyền thống, văn hóa và đặc biệt là lịch sử đấu tranh chống ngoại xâm của đồng bào S’Tiêng, giới thiệu về liệt sĩ Điểu Ong-người con S’Tiêng được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân và kỳ tích giã gạo nuôi quân của đồng bào S’Tiêng sóc Bom Bo trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước”.
Để tạo hành lang pháp lý cho sự phát triển du lịch ở Bù Đăng, UBND huyện đã ban hành kế hoạch thực hiện Đề án “Phát triển du lịch tỉnh Bình Phước giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030” trên địa bàn Bù Đăng. Huyện đang rà soát, bổ sung quy hoạch các địa danh lịch sử, các di tích, công trình phụ trợ để tạo nên chuỗi du lịch. Đặc biệt ưu tiên dành quỹ đất, vị trí thuận lợi thu hút những doanh nghiệp có năng lực đầu tư vào các dự án lớn, xây dựng những tổ hợp khách sạn, resort, homestay, hình thành các khu, điểm du lịch kết hợp nghỉ dưỡng...
50 năm sau ngày giải phóng, trên quê hương huyền thoại sóc Bom Bo đã đẹp, đã giàu.
ĐỖ PHÚ THỌ