Buổi sớm, sau cơn mưa đêm xối xả, tiết trời đầu thu trở nên mát mẻ. Chuyến xe rời Thủ đô Hà Nội đưa các đại biểu ngược phía Bắc về Cao Bằng dự Chương trình gặp mặt, giao lưu, tri ân với chủ đề “Về nơi khởi nguồn” do Báo Quân đội nhân dân (QĐND) chủ trì, phối hợp với các đơn vị, địa phương tổ chức tại chính nơi năm xưa diễn ra buổi lễ thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân. Cảm giác háo hức xen lẫn hồi hộp bởi chuyến đi xa của tôi ban đầu dần chuyển thành cảm thấy may mắn, biết ơn khi suốt hành trình được nghe, được chứng kiến những câu chuyện ý nghĩa, được hiểu hơn và thêm tự hào về lịch sử, truyền thống của dân tộc, của QĐND Việt Nam anh hùng.

Quân đội ta khởi nguồn đã từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu bởi trong 34 đội viên ban đầu cùng chung lời thề trung hiếu, có 28 thành viên là đồng bào các dân tộc thiểu số tại địa phương. Năm xưa, khi đồng chí Võ Nguyên Giáp báo cáo Bác Hồ về tình hình cơ sở để chuẩn bị cho việc thành lập Đội, đã xác định: “Cơ sở quần chúng tại vùng này rất tốt, qua suốt thời gian khủng bố của địch vẫn vững vàng, cơ sở lực lượng vũ trang cũng tốt”. Dưới tán rừng nằm giữa hai tổng Trần Hưng Đạo và Hoàng Hoa Thám, Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân đã ra đời “dưới sự che chở của anh linh hai đấng anh hùng dân tộc”. Hôm nay, trên mảnh đất cách mạng, tôi lại được biết thêm chuyện xưa, chuyện nay từ các bà, các cô nơi đây. Tôi được nghe bà Nông Thị Uyến kể về những ngày thơ bé vẫn thường được các cụ trong bản nói chuyện về Bác Hồ, về bác Giáp, về những năm kháng chiến, đồng bào nắm cơm, bí mật mang vào rừng cho bộ đội... Bà Nông Thị Nguyệt lại kể cho tôi về người chồng là bộ đội hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước; về các con, cháu trong họ đang công tác trong lực lượng vũ trang; về công tác tri ân người có công, giáo dục truyền thống của địa phương...

leftcenterrightdel
 Các đại biểu giao lưu cùng thế hệ trẻ và đồng bào tại khu rừng Trần Hưng Đạo. Ảnh: TUẤN HUY

Hôm diễn ra buổi gặp mặt, giao lưu, đồng bào đến dự từ rất sớm. Các em nhỏ ngồi ngay ngắn trên những hàng ghế sau các ông, các bà. Phải sau vài phút làm quen, Bàn Như Thảo trong bộ trang phục dân tộc Dao, học sinh lớp 3 Trường Tiểu học Tam Kim, mới cởi mở để “giới thiệu” cho tôi về nơi hai cô cháu đang đứng, rằng “đây là di tích lịch sử, là nơi thành lập Quân đội...”. Ở khu nhà bia và di tích lán ở của Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân, tôi còn gặp gia đình anh Phong, người dân tộc Tày từ huyện Bảo Lạc đưa các con đến tham quan, tìm hiểu "địa chỉ đỏ" của tỉnh trước khi vào năm học mới...

Được nghe, được chứng kiến những câu chuyện đó, tôi hiểu thêm rằng, che chở bộ đội năm xưa không chỉ có tán rừng thiêng mà còn chính là đồng bào các dân tộc nơi đây, trở thành căn cứ địa vững chãi cho sự lớn mạnh của đội quân cách mạng; và tinh thần cách mạng ấy đã không ngừng được nuôi dưỡng, hun đúc, lưu truyền từ đời này qua đời khác.

Dưới tán rừng thiêng hôm nay, các khách mời là anh hùng, tướng lĩnh, sĩ quan trẻ đã cùng nhau ôn lại những ngày đầu thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân cho đến sự phát triển, lớn mạnh của Quân đội hôm nay với những bài học, chỉ dạy quý báu. Đó là nhấn mạnh của Thượng tướng, Viện sĩ, Anh hùng LLVT nhân dân Nguyễn Huy Hiệu về mục tiêu của Quân đội ta là chiến đấu giành độc lập dân tộc và hạnh phúc của nhân dân. Và chính nguồn gốc đó, mục tiêu đó đã định hình nhân cách người quân nhân cách mạng là phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân.

Bên cạnh đó còn là những câu chuyện xúc động của Thượng tướng, PGS, TS, Anh hùng LLVT nhân dân Võ Tiến Trung và khẩu hiệu: Với Quân đội, cứu dân là mệnh lệnh cao nhất, khi nhớ lại việc đơn vị ông-Sư đoàn 315 dừng diễn tập để tập trung cứu dân trước nguy cơ vỡ đập Phú Ninh (Quảng Nam) trong cơn đại hồng thủy năm 1999; Trung tướng, Anh hùng LLVT nhân dân Phạm Tuân với kỷ niệm sâu sắc khi được Đại tướng Võ Nguyên Giáp đến tiễn trước khi bay lên vũ trụ và đón khi trở về. Về chuyện ông mang theo lên vũ trụ lá cờ Việt Nam, ảnh Bác Hồ, nắm đất Ba Đình lịch sử, bản Tuyên ngôn độc lập, Di chúc của Bác Hồ... và truyền đến toàn thế giới hình ảnh đó với lời khẳng định vị trí Việt Nam trong vũ trụ; cũng là hiện thực hóa lời Bác Hồ: Đến lúc nào đó, thanh niên Việt Nam sẽ bay vào vũ trụ.

Trung tướng Phùng Khắc Đăng, nguyên Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam và Thiếu tướng Hoàng Anh Tuấn, nguyên Phó chủ nhiệm về chính trị Tổng cục Kỹ thuật, đã cùng nhau làm rõ, khẳng định vai trò của công tác Đảng, công tác chính trị trong quá trình 80 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, phát triển của Quân đội. Rằng, sự vững mạnh về chính trị là yếu tố quan trọng hàng đầu, có ý nghĩa quyết định, làm nên cội nguồn sức mạnh của Quân đội ta. Bởi, khi chuẩn bị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân, Bác Hồ đã chỉ rõ trong chỉ thị: “Tên Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân nghĩa là chính trị trọng hơn quân sự. Nó là đội tuyên truyền”. Bởi thế, khi ôn lại sự ra đời của tờ “Tiếng súng reo”, tiền thân của Báo QĐND ngày nay, Đại tá, Anh hùng LLVT nhân dân Đặng Thọ Truật, nguyên phóng viên Báo QĐND mong lớp lớp thế hệ cán bộ, phóng viên luôn vững vàng cốt cách Bộ đội Cụ Hồ, kiên trì vượt qua thử thách, noi theo cha anh giữ vững tư thế người cầm bút.

Về nơi khởi nguồn hôm nay, ai nấy đều mang trong mình cảm xúc đặc biệt. Chẳng thế mà suốt hơn 6 giờ đồng hồ từ Hà Nội đến Cao Bằng, Đại tá, Anh hùng LLVT nhân dân, họa sĩ Lê Duy Ứng không “chịu” chợp mắt chút nào. Ông bảo, lần đầu tiên được về nơi ra đời Quân đội ta khiến ông háo hức suốt chặng đường. Những câu chuyện chúng tôi được nghe ông kể cũng nhờ thế mà nhiều hơn... Chuyến này, ông mang theo bức tranh vẽ Bác Hồ với chiến sĩ Giải phóng quân. Bức tranh được sáng tác năm 2012, khi mắt ông sau một thời gian chữa trị hồi phục đã lại trở nên mờ lòa, chỉ còn thấy hai màu sáng, tối. Dịp ý nghĩa này, ông muốn trên chính mảnh đất thiêng liêng, trao bức tranh tặng Báo QĐND.

Giây phút đứng trên sân khấu phát biểu trao tặng bức tranh cho Thiếu tướng Đoàn Xuân Bộ, Bí thư Đảng ủy, Tổng biên tập Báo QĐND, Anh hùng Lê Duy Ứng hát vang bài hát cách mạng “Kèn xuất trận” mà ông từng hát cùng đồng đội những ngày theo đoàn quân vào chiến trường: “Ôi miền Nam yêu thương/ Vang tiếng kèn xuất trận/ Máu sôi lòng uất hận/ Thôi thúc ta lên đường...”. Dưới sân khấu, lẫn trong tiếng vỗ tay là những đôi mắt long lanh xúc động. Thật đúng như lời phát biểu trước đó của Thiếu tướng Đoàn Xuân Bộ “...về đây thăm lại dấu xưa gốc cũ, được gặp lại đồng bào, ai ai cũng phấn chấn như được tiếp thêm sức mạnh từ đất mẹ thiêng liêng”.

Tôi bỗng nhớ đến tâm trạng mà Đại tướng Võ Nguyên Giáp miêu tả vào thời khắc chiều 22-12-1944 khi 34 chiến sĩ đồng thanh hô vang những lời “Xin thề!” vang vọng núi rừng: “Tâm tư của chúng tôi trong những giờ phút thiêng liêng đó thực khó tả. Bao nhiêu chiến công oanh liệt của ông cha đời trước, của các chiến sĩ cách mạng, của nhân dân ta, phút chốc bỗng hiện ra rực rỡ trong ký ức”.

 Thực hiện chỉ đạo của thủ trưởng Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam, sáng 15-8, tại Khu di tích quốc gia đặc biệt rừng Trần Hưng Đạo (xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng), Báo QĐND chủ trì, phối hợp với Bộ CHQS tỉnh Cao Bằng, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Cao Bằng và huyện Nguyên Bình tổ chức chương trình gặp mặt, tọa đàm, tri ân các cựu chiến binh, tướng lĩnh, Anh hùng LLVT nhân dân với chủ đề “Về nơi khởi nguồn”. 

 Nhân dịp này, Báo QĐND với sự đồng hành của các nhà tài trợ đã trao quà tặng đối tượng chính sách, người có công, gia đình nghèo, các cháu học sinh học giỏi tại hai xã Tam Kim và Hoa Thám (huyện Nguyên Bình); trao nhà tình nghĩa, nhà đại đoàn kết, nhà đồng đội tặng đối tượng chính sách, hộ nghèo, quân nhân có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn hai huyện Nguyên Bình và Hòa An (tỉnh Cao Bằng) với tổng trị giá gần 1,5 tỷ đồng.

HOÀNG DƯƠNG