Cuối tháng 10-2023, Cao Bằng đón tôi bằng cái tiết se lạnh vào buổi sáng và rực rỡ nắng vàng vào trưa. Vẫn cảnh núi non hùng vĩ, vẫn những con người gần gũi thân thương, nhưng dường như cảnh vật nơi đây hữu tình hơn bởi những cung đường mượt mà uốn lượn lên hang Pắc Pó, lên động Ngườm Ngao và thác Bản Giốc.

Một trong những điều ấn tượng hơn cả là tôi được ngắm trăng ở nơi biên cương trùng điệp. Cứ tưởng tượng khi ánh trăng vằng vặc lấp lánh trên dòng suối Lênin, hay huyền ảo ẩn hiện ở thác Bản Giốc; rồi tiếng đàn tính và lời then xoắn quyện vào nhau, sẽ thấy Cao Bằng càng bao la hùng vĩ và thiêng liêng biết nhường nào. Từng thước đất, từng ngọn núi, con sông, con suối nơi biên thùy đều ngấm vào tâm hồn con người một tình yêu rạo rực. Và khi ấy, từ tiếng suối reo, tiếng rừng cây rì rào, tiếng vọng của núi, hay tiếng đàn tính, lời then đều như là lời của Tổ quốc, cần phải bảo vệ, giữ gìn trong bất cứ điều kiện, hoàn cảnh nào.

Tôi quen cô gái Nông Thị Nhung từ tháng 10-2018. Với đôi mắt bồ câu long lanh, cái miệng xinh như miệng con chim vành khuyên đang hót, làn da mịn hồng, đôi chân chắc săn, Nhung làm cho bất kỳ ai gặp cô cũng phải trầm trồ vì vẻ đẹp sơn nữ nơi biên ải. Thời gian ấy, tôi được Nhung đưa đi thăm động Ngườm Ngao trong một buổi sáng đầy nắng tơ tằm.

Từ bãi để xe, chúng tôi phải đi bộ gần 2km mới đến được cửa động. Trên đường đi, Nhung kể rằng: Hơn 20 năm trước, muốn đến động Ngườm Ngao người dân phải vượt qua bao con suối, bao cái đèo, có khi mất cả ngày đường. Động Ngườm Ngao hay còn có tên gọi khác là động Ngao được phát hiện năm 1921 và khai thác du lịch năm 1996. Đây là một hang động có vẻ đẹp kỳ thú, uốn mình trong một ngọn núi hùng vĩ ở xã Đàm Thủy, huyện Trùng Khánh và vẫn giữ nguyên vẹn vẻ đẹp hoang sơ, độc đáo của mình. Ngườm Ngao theo tiếng Tày có nghĩa là hang hổ. Người già ở đây nói rằng, hang này hồi xa xưa là nơi sinh sống, trú ngụ của các loài hổ dữ. Nhưng cũng có người kể rằng: Bên trong lòng động có nước chảy va vào các vòm đá tạo ra âm thanh giống như tiếng hổ gầm, nên đây còn được gọi là động hổ gầm.

Khám phá hơn một ki-lô-mét cho phép tham quan của động Ngườm Ngao, tôi như lạc một chốn thiên cung. Nông Thị Nhung chỉ vào những thảm thạch nhũ có đủ loại hình thù, từ đài hoa sen, núi non, sông nước, tóc mây... nói với tôi: “Đây là kết quả biến đổi khoảng 300 triệu năm của tự nhiên đấy anh”. Lời của Nhung khiến tôi nhớ đến câu hát trong bài then “Ánh trăng Bản Giốc”: “Động tạo hóa thành tiên nữ xa, nhũ đá tạc thiên nhiên hữu tình, để bao đời cháu con được thấy, quê hương mình Trùng Khánh thương yêu”.

Giờ đây, tôi lại được anh Hoàng Văn Hòa, nguyên Phó cục trưởng Cục Hải quan tỉnh Cao Bằng đưa đi thăm lại thác Bản Giốc. Không còn những đoạn đường đất đá lổm khổm nữa, mà thay vào đó là những con đường được trải nhựa phẳng phiu, uốn lượn qua những sườn núi, sườn đồi để đưa du khách tới nơi được mệnh danh là “Đệ nhất danh thác Việt Nam”.

leftcenterrightdel

Du khách tham quan thác Bản Giốc. Ảnh: NGUYỄN NAM 

Vừa mới bước qua cổng để vào khu vực ngắm thác, tôi đã thấy rạo rực khi nghe được tiếng đàn tính và lời then từ phía trước vọng lại. Những âm thanh thánh thót, trầm bổng như nâng bước chân người, như mời chào du khách. Cảm giác như không gian và thời gian cứ trào dâng, thênh thang, rào rạt như các tầng thác đổ xuống dòng Quây Sơn. Cô gái Hoàng Thị Tươi, một trong những giọng ca phục vụ du khách ở thác Bản Giốc mời tôi: “Anh có muốn cùng em hát một bài then không?”.

Được sự khích lệ, tôi mạnh dạn cùng Tươi hát bài “Ánh trăng Bản Giốc”. Khi tiếng đàn tính vang lên, tiếng xắc quyện vào đẩy âm thanh của đàn tính rộn rã hơn, cũng là lúc câu then hòa theo: “Trăm dòng suối suối chảy đến sông, rừng thông reo theo gió rì rào, mẹ dắt con qua bao con suối. Non xa xa đắm đuối Ngườm Ngao... Bản Giốc, thác bạc tám tầng mây, đàn én bay bay ngang lưng trời, Bản Giốc đó là lời Tổ quốc, còn mãi đây từng thước đất biên thùy...”

Hàng trăm năm nay, hát then đã trở thành sinh hoạt văn hóa tâm linh của đồng bào các dân tộc Tày, Nùng, Thái ở vùng núi phía Bắc nước ta, cũng như ở Cao Bằng. Then còn là chiếc cầu nối giữa con người với thế giới thần linh và đất trời. Theo truyền thuyết, trong số quan lại của thời nhà Mạc có hai vị tên là Đế Phụng và Đế Đáng rất yêu âm nhạc và thích ca hát. Họ đã chế tạo ra tính tẩu và lập ra hai tốp hát để phục vụ cung đình. Sau này dân chúng thấy hay nên bắt chước và được lưu truyền trong dân gian cho đến ngày nay.

Ở khu vực thác Bản Giốc, người ta hay truyền tai nhau một câu chuyện về những cô gái Tày xinh đẹp thời xa xưa khiến bao đời vua chúa si mê. Một lần, vua tuyển vợ cho hoàng tử độc tôn. Khi đến vùng Trùng Khánh này, hoàng tử ngỡ ngàng và đem lòng si mê cô gái đẹp nhất của Bản Giốc khi ấy. Nhưng cô sơn nữ lại bất ngờ từ chối tình yêu của hoàng tử vì đã trót thề nguyền với người con trai bản bên. Hoàng tử vô cùng tức giận và bắt cô gái mang về cung giam giữ. Cô gái đã tìm cách chạy trốn nhưng không được. Trong khi đó, chàng trai bản bên cũng bất chấp mọi hiểm nguy, tìm cách cướp lại cô từ tay hoàng tử. Lừa lúc toán lính gác ngủ say, chàng trai đã cứu được cô gái và chạy về thác Bản Giốc lúc trời vừa tối. Nhưng vì quá kiệt sức, cả hai đã chìm vào trong giấc ngủ ngàn thu khi trời đổ mưa tầm tã. Mưa nhiều ngày sau đến nỗi nước ngập các khe suối. Nhưng lạ thay khi mưa tạnh, người ta thấy có hai ngọn thác lớn nhiều tầng đổ nước trắng xóa phía bên cạnh bản. Dưới chân thác, mặt nước lại trong xanh hiền hòa.

Người dân nơi đây cũng đồn rằng, ánh trăng ở khu vực thác Bản Giốc bao giờ cũng trong trẻo, sáng soi nhất. Thời xa xưa, vào đêm rằm tháng 8 và tháng 9 âm lịch, ánh trăng vằng vặc chiếu xuống dòng Quây Sơn, tạo thành một dải sông bạc. Khi ấy có một đôi trai gái yêu nhau đem đàn tính ra bờ sông hát then để ca ngợi tình yêu đẹp của đôi bạn trẻ năm xưa. Tiếng đàn, lời ca hay đến nỗi chị Hằng Nga trên cung trăng và các tiên nữ phải bay xuống tận nơi để nghe. Thấy dòng sông đẹp, hiền hòa như chốn thiên cung, họ xuống tắm mình và nô đùa trong dòng nước trong xanh. Vì thế, có người đã gọi sông Quây Sơn là sông tiên tắm. Chưa biết những câu chuyện trên thực hư như thế nào, nhưng đứng bên dòng Quây Sơn trước thác Bản Giốc, ai cũng cảm thấy như mình đang ở chốn bồng lai, cảnh vật cứ lung linh, huyền ảo đến mê mẩn.

leftcenterrightdel

 Hát then tại Cao Bằng. Ảnh: NGUYỄN NAM

Lễ hội thác Bản Giốc hằng năm được tổ chức vào khoảng tháng 10, khỏi phải nói người dân cùng du khách vui và háo hức đến mức nào. Lễ hội đã giới thiệu, quảng bá hình ảnh quê hương, vùng đất, con người Cao Bằng nói chung và danh thắng quốc gia thác Bản Giốc nói riêng đến với bạn bè trong nước cũng như quốc tế. Những ngày diễn ra lễ hội, người dân cùng du khách thỏa sức tham quan, trải nghiệm nhiều hoạt động biểu diễn nghệ thuật, các trò chơi dân gian, đua thuyền... Đặc biệt, mùa lễ hội năm 2023, chương trình biểu diễn "hát then, đàn tính" lớn nhất Việt Nam với 1.000 nghệ nhân diễn ra vô cùng đặc sắc và hấp dẫn. Đây chính là điểm nhấn của lễ hội, thúc đẩy mạnh mẽ hơn việc phát triển du lịch ở địa phương, phát huy giá trị Công viên địa chất Non nước Cao Bằng nói chung và huyện Trùng Khánh nói riêng.

Giờ đây, tour tham quan thác Bản Giốc còn có nội dung đi qua địa phận Trung Quốc ngắm thác. Đây là thỏa thuận đạt được giữa Việt Nam và Trung Quốc để thí điểm khai thác du lịch: Bản Giốc (Việt Nam)-Đức Thiên (Trung Quốc) trong một năm. Theo anh Hoàng Biên Cương, cán bộ hải quan thác Bản Giốc (Cục Hải quan tỉnh Cao Bằng), trong thời gian trên, du khách hai nước phải đăng ký trước nếu muốn tham quan, mỗi đoàn không quá 20 người. Công dân Việt Nam và Trung Quốc không cần xin visa, nhưng cần hộ chiếu, giấy thông hành để làm thủ tục xuất, nhập cảnh.

Rời thác Bản Giốc, tôi ngẩn ngơ, vương vấn như phải xa người mình đã yêu say đắm. Những cung đường quanh co, uốn lượn lên lưng chừng núi, rồi lại cuồn cuộn xuống thung lũng như xoáy vào lòng người nỗi nhớ thương da diết. Buổi tối, vào dịp rằm nên ánh trăng càng vằng vặc, trong trẻo hơn. Tôi ước mong sau này Cao Bằng có sân bay, sẽ được đón hàng triệu du khách đến. Khi ấy, ánh trăng ở Bản Giốc, ánh trăng ở suối Lênin hay bất cứ nơi đâu, sẽ đi vào tâm hồn và tiềm thức con người như một báu vật của non nước Cao Bằng. Nó cũng là nỗi nhớ, niềm thương của chúng ta đối với vùng đất giàu truyền thống cách mạng, một vùng đất thiêng liêng nơi biên cương Tổ quốc.

Bút ký của LÊ PHI HÙNG