Sứ mạng giải phóng con người
Năm 1921, tại thủ đô Paris (Pháp), Nguyễn Ái Quốc cùng các đồng chí của mình từ các nước thuộc địa của Pháp sáng lập Hội Liên hiệp các dân tộc thuộc địa. Mục đích của tổ chức này là nhằm tập hợp lực lượng, thống nhất hành động của nhân dân các nước thuộc địa chống chủ nghĩa đế quốc, giải phóng dân tộc.
Ngày 1-4-1922, Báo Le Paria, cơ quan ngôn luận của Hội Liên hiệp các dân tộc thuộc địa, xuất bản số đầu tiên với tôn chỉ: “Báo Le Paria là vũ khí chiến đấu với sứ mạng rõ ràng: Giải phóng con người”. Trong số đầu tiên này có lời chào mừng bạn đọc như sau: “Trong lịch sử của quần chúng bản xứ các thuộc địa của Pháp, chưa có một tờ báo nào lập ra để kêu to sự thống khổ và sự nghèo nàn chung của họ, không phân biệt xứ sở và chủng tộc. Báo Le Paria ra đời do sự thông cảm chung của các đồng chí ở Bắc Phi, Trung Phi và Tây Phi thuộc Pháp, ở Madagascar, Đông Dương, Antilles và Guyam”. Về tên gọi của báo, Nguyễn Ái Quốc giải thích: “Paria nguyên là tiếng Ấn Độ dùng để gọi những người đã mất hết mọi quyền lợi về tôn giáo và xã hội. Nghĩa rộng, người Pháp dùng để gọi những người cùng khổ”.
Báo Le Paria tồn tại trong 4 năm (4-1922 đến 4-1926) với 38 số. Tờ báo đã có ảnh hưởng lớn đối với công luận Pháp và phong trào yêu nước ở các thuộc địa. Từ số 1 đến số 14, Nguyễn Ái Quốc làm Chủ nhiệm kiêm Chủ bút, làm cả việc phát hành và đi bán báo. Người còn tham gia chuẩn bị cho các số 15, 16, 17 trước khi đi Liên Xô, rồi Trung Quốc. Trong thời gian ở hai nước này, Người vẫn gửi bài về đăng Báo Le Paria và gửi tiền ủng hộ báo.
Trên Báo Le Paria, Nguyễn Ái Quốc viết nhiều bài thuộc nhiều thể loại khác nhau như: Xã luận, bình luận, tin tức, dịch thuật, tiểu phẩm, truyện ký, tranh vẽ... Có số báo Người viết 2 bài, 3 bài, thậm chí 4 bài, cùng tranh vẽ. Dưới ngòi bút sắc bén của Người, bộ mặt giả nhân giả nghĩa của thực dân Pháp ở các thuộc địa bị vạch trần, cái mà chúng gọi là “khai hóa văn minh” thực chất là khai hóa giết người. Đồng thời, những bài báo của Người nung nấu lòng căm thù của nhân dân các nước thuộc địa đối với bọn đế quốc xâm lược, kêu gọi họ vùng lên đấu tranh tự giải phóng.
Đầu năm 1923, trong Truyền đơn cổ động mua Báo Le Paria, Nguyễn Ái Quốc đã viết: “Chỉ có chủ nghĩa cộng sản mới cứu nhân loại, đem lại cho mọi người không phân biệt chủng tộc và nguồn gốc sự tự do, bình đẳng, bác ái, đoàn kết, ấm no trên quả đất, việc làm cho mọi người và vì mọi người, niềm vui, hòa bình, hạnh phúc”.
Trên Báo Le Paria, số 14 (tháng 5-1923), Người đã viết trong bài “Kỷ niệm Báo Le Paria” rằng: “Một nǎm đã trôi qua kể từ khi Báo Le Paria ra đời. Các bạn quan tâm đến số phận của tờ báo ngay từ buổi đầu, nhân dịp kỷ niệm này, cảm ơn tất cả những ai đã can đảm với diễn đàn nhỏ bé này, bảo vệ nhân dân các thuộc địa”. Đối tượng hướng đến của Người trong bài viết là nhân dân Pháp, người dân thuộc địa cư trú trên đất Pháp và nhân dân bản xứ ở các thuộc địa.
Nguyễn Ái Quốc chỉ ra sự nghiệp mà Hội Liên hiệp các dân tộc thuộc địa theo đuổi như “giải phóng những người bị ngược đãi”, “giải phóng nhân dân bản xứ” và chống lại “bọn cá mập thực dân” đã gặp phải vô vàn khó khǎn. Đó là: Một mặt, đông đảo dư luận châu Âu chưa được chuẩn bị để theo dõi đầy đủ quan điểm của Hội Liên hiệp các dân tộc thuộc địa. Hai là, những người dân thuộc địa ở Pháp thường chưa quan tâm đến tình hình có quan hệ tới số phận đồng bào họ ở các thuộc địa. Cuối cùng, khoảng cách giữa Paris với châu Phi, châu Á, châu Mỹ rất xa nên những kẻ thống trị thuộc địa luôn cản trở sự đoàn kết của cuộc đấu tranh.
Theo Người, Báo Le Paria ra đời là đã thúc đẩy sự phát triển sự nghiệp của Hội Liên hiệp các dân tộc thuộc địa. Do đó, Người viết: “Sang nǎm thứ hai, chúng tôi muốn thực hiện những việc làm tốt đẹp hơn. Phải làm cho Le Paria xuất hiện trong một thời kỳ với những kết quả rực rỡ, có nhiều người tìm đến báo, với số lượng bản in tǎng hơn và số trang nhiều hơn trước... Chúng tôi cũng không ngần ngại nói ra việc quyên góp rất khiêm tốn cũng là một sự giúp đỡ rất quý báu đối với chúng tôi. Chúng tôi nói những điểm cuối cùng về các cộng tác viên. Le Paria là tiếng nói của quần chúng bị áp bức”.
Vì Báo Le Paria tuyên truyền cho Hội Liên hiệp các dân tộc thuộc địa nên cần được nhiều người dân ở nước Pháp và người dân ở các nước thuộc địa biết đến. Do đó, Nguyễn Ái Quốc nghĩ ra nhiều cách bán báo rất độc đáo. Đầu tiên, Người bán cho công nhân Việt Nam. Họ không biết chữ Pháp nhưng họ vẫn thích mua vì họ biết báo này lên án chế độ thực dân Pháp. Vì vậy, mua báo xong họ nhờ công nhân Pháp đọc cho họ nghe. Một cách khác là Người đem báo nhờ những chỗ bán báo lấy hoa hồng. Những chỗ này tương tự như các sạp bán báo ở nước ta ngày nay. Tuy nhiên, thấy tờ báo đấu tranh cho các thuộc địa nên các chỗ này không lấy hoa hồng và họ cũng bán hộ được khá nhiều tờ báo cho Người.
Trong những cuộc mít tinh, Nguyễn Ái Quốc cũng đưa báo ra phát rồi nói: “Báo này nói cho các đồng chí biết bọn thực dân áp bức chúng tôi như thế nào. Báo này để biếu thôi, nhưng đồng chí nào có lòng giúp cho báo thì chúng tôi cảm ơn”. Biết được tờ báo lên án chủ nghĩa thực dân và giúp đỡ các thuộc địa trong công cuộc giành lấy độc lập, các công nhân đều hưởng ứng và ủng hộ. Kết quả là, nếu Người đem bán thì 100 tờ báo được 5 phrăng nhưng nếu Người “biếu không” thì có khi được tới 10, 15 phrăng. Thế là Người có kinh phí để in tiếp các số của Báo Le Paria.
Sau này, Bộ Thuộc địa Pháp đánh hơi thấy nên các số Báo Le Paria vừa ra đều được mua gần hết. Còn báo gửi đi các thuộc địa thì mấy chuyến đều bị tịch thu và người đưa báo tại các thuộc địa thì bị bắt bỏ tù. Bởi vậy, Nguyễn Ái Quốc đã nhờ anh em thủy thủ Pháp bí mật chuyển hộ về nước.
Tháng 4-1926, Báo Le Paria ra số 38 đăng lời giới thiệu tác phẩm “Bản án chế độ thực dân Pháp” của Nguyễn Ái Quốc. Đây là số cuối cùng của báo. Tùy vào từng thời gian và khả năng tài chính mà số lượng in Báo Le Paria không cố định, dao động từ 1.000 đến 5.000 bản, cá biệt có những số in hơn 5.000 bản. Có 50% số lượng báo in ra được lan truyền qua các nước thuộc địa của Pháp.
|
|
Nguyễn Ái Quốc với Báo Le Paria. Ảnh tư liệu |
Sáng kiến táo bạo của Nguyễn Ái Quốc
Lúc sinh thời, trong buổi nói chuyện với các nhà báo tại Đại hội lần thứ II Hội Nhà báo Việt Nam (4-1959), Chủ tịch Hồ Chí Minh chia sẻ: “Về nội dung viết, mà các cô, các chú gọi là “đề tài”, thì tất cả những bài Bác viết chỉ có một “đề tài” là: Chống thực dân đế quốc, chống phong kiến địa chủ, tuyên truyền độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Duyên nợ của Bác đối với báo chí là như vậy đó”.
Có kinh nghiệm tổ chức tòa soạn báo từ thời làm Báo Le Paria, Nguyễn Ái Quốc và các đồng chí của mình đã tiếp tục cho ra đời nhiều tờ báo khác sau này như: Quốc tế Nông dân (1924), Thanh niên (1925), Công nông (1925), Lính Kách mệnh (1927), Việt Nam tiền phong (1927), Thân ái (1928), Đỏ (1929), Việt Nam độc lập (1941), Cứu quốc (1942)... Những tờ báo này có tác động to lớn trong việc kêu gọi nhân dân Việt Nam hăng hái tham gia cách mạng, góp phần đưa đến sự kiện Cách mạng Tháng Tám thành công và nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời năm 1945.
Ông Max Clainvill Bloncourt, từng là Ủy viên Ban Chấp hành Hội Liên hiệp các dân tộc thuộc địa, là người hoạt động cách mạng với Nguyễn Ái Quốc nên rất cảm phục Người. Hồi ức về tờ báo Le Paria, ông viết: “Một hôm chúng tôi, trong đó có anh Nguyễn Ái Quốc, nảy ra ý kiến nên ra một tờ báo của hội. Một sáng kiến táo bạo nhưng cũng đẻ ra nhiều vấn đề khó khăn cần giải quyết. Sau đó chúng tôi quyết định cứ ra báo. Chúng tôi thảo luận, đặt cho báo một cái tên: "Người cùng khổ". Đây là bước phát triển mới của Hội Liên hiệp các dân tộc thuộc địa...
Tờ báo khổ to, tên báo bằng chữ Pháp đặt ở giữa, tên báo bằng chữ Arab đặt bên trái và bên phải là tên báo bằng chữ Hán do anh Nguyễn Ái Quốc viết... Nhiều lần, anh Nguyễn Ái Quốc được cử phụ trách chữa bài vở và xuất bản nhiều số báo. Anh tốt và có tinh thần tương trợ, cho nên có những lần đến lượt chúng tôi phải đi trông nom việc ra báo, nhưng thấy chúng tôi bận việc hoặc mắc chuyện gia đình, anh Nguyễn đã xung phong đi làm thay cho chúng tôi... Anh Nguyễn Ái Quốc đã đóng góp rất nhiều cho tờ báo... Toàn bộ những bài báo của anh là bản án chủ nghĩa thực dân Pháp và là nguyện vọng giành độc lập, tự do cho nhân dân Việt Nam và nhân dân các nước thuộc địa. Lời văn của anh sắc bén, tư tưởng rõ ràng và mạnh mẽ: Đấu tranh đến cùng chống chủ nghĩa thực dân Pháp. Ở nhiều số, không những anh viết bài mà còn vẽ tranh châm biếm nữa để đả kích chế độ thực dân. Tất cả những bài và tranh ký tên anh Nguyễn Ái Quốc trên Báo Người cùng khổ mang một màu sắc đặc biệt: Đó là tinh thần đấu tranh cách mạng triệt để và quyết tâm chống chủ nghĩa thực dân. Xem và đọc những bài và tranh đó người ta thấy rõ tác giả có một tinh thần tiến công rất chủ động và rất thông minh”.
Năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh sang Pháp để đàm phán với Chính phủ Pháp. Ông Max Clainvill Bloncourt đã rất xúc động khi gặp lại Người: “Tôi sung sướng vì thấy Chủ tịch Hồ Chí Minh là người sáng tạo ra nền độc lập của nhân dân Việt Nam, là người đã đưa cách mạng Việt Nam đến thành công hết sức vẻ vang. Tôi sung sướng vì thấy Chủ tịch Hồ Chủ tịch đã dẫn đầu trong số những nước thuộc địa châu Á, châu Phi và châu Mỹ Latin giành lại chính quyền cho nhân dân mình".
NGUYỄN VĂN TOÀN (tổng hợp)