Tôi có thông gia ở Xuân Trường, Nam Định. Vì thế, mỗi lần về thăm thông gia, tôi đều tranh thủ qua TP Nam Định, dành thời gian trò chuyện với vợ chồng anh Phan Hải Hồ. Nhìn dáng đi khập khiễng của anh, tôi thường tự hỏi, sức mạnh nào đã giúp thương binh Phan Hải Hồ vào tận nghĩa trang Ngọc Hiển ở Cà Mau để tìm mộ đồng đội? Cũng từ những câu chuyện, tôi hiểu hơn ý chí, tinh thần lạc quan và rất nghĩa tình với đồng đội của thương binh Phan Hải Hồ.
Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, Phan Hải Hồ phục viên về quê với gia tài là ba lô con cóc và chiếc chân giả. Rồi anh lấy vợ, sinh con và an phận với cuộc đời của nông dân chính hiệu. Năm 2001, Nhà nước giải quyết chế độ cho những người tham gia kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, anh được khoảng 2 triệu đồng. Thấy anh cứ trăn trở, ậm ừ không nói gì đến chuyện sửa nhà cấp 4 dột nát bằng tiền đi kháng chiến, vợ đã động viên anh trở lại chiến trường tìm đồng đội.
|
|
Thương binh Phan Hải Hồ cùng các cựu chiến binh Đoàn tàu không số.
|
Đi tàu hỏa vào TP Hồ Chí Minh, đi xe đò đến Cà Mau, đi xuồng vào Rạch Gốc, anh tới kênh Xẻo Giá, nơi con tàu 69 thân yêu của anh đã yên nghỉ. Tại đó, anh chỉ nhìn thấy cần ăng-ten thò lên mặt nước khoảng một gang tay. Anh đốt hương buộc vào cần ăng-ten và lẩm nhẩm khấn vong linh đồng đội, vĩnh biệt con tàu. Anh nhờ người lái xuồng chở tới nơi các thủy thủ hy sinh. Anh được nghe kể về báo vụ Hoàng Thanh Loan. Bị địch bao vây, anh Loan đã chiến đấu tới viên đạn cuối cùng rồi bị bắt. Bọn địch tra tấn anh dã man. Chúng mổ bụng, moi ruột gan anh ra và đâm nhiều nhát vào người. Anh hy sinh. Hôm ấy, khi tìm thấy mộ đồng đội di chuyển từ Rạch Gốc về, anh đã ôm và khóc rưng rức.
Một hôm tôi đến chơi, vợ anh kể có đạo diễn Minh Chuyên cùng nhà văn Đình Kính đến phỏng vấn anh và quay phim. Các anh ấy khoe rằng nhân kỷ niệm 50 năm Ngày truyền thống Đoàn tàu không số, Hội truyền thống Đường Hồ Chí Minh trên biển toàn quốc tiến hành các thủ tục đề nghị phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân cho anh Phan Hải Hồ. Nhìn anh, tôi có chút lo lắng. Bởi tại thời điểm đó, anh Hồ bị tai biến nhẹ, đi lại khó khăn phải chống gậy, trông rất thương. Trong khi trò chuyện, anh nói câu được câu chăng. Thấy anh muốn nói điều gì với nhóm phóng viên, nên chị đỡ lời: "Vợ chồng tôi chẳng cần anh hùng, anh hiếc gì sất. Chỉ ước mong có cái xe lăn để đẩy anh ấy đi dạo cho đỡ vất vả, khỏi phải chống gậy, nhảy lò cò là được rồi".
Tôi đem câu chuyện về chiếc xe lăn và nguyện vọng giản dị của vợ chồng anh Hồ kể với đồng chí Chủ tịch Hội truyền thống Đường Hồ Chí Minh trên biển TP Hà Nội thời điểm đó là anh Lê Văn Nhược (còn tôi khi ấy là Phó chủ tịch Thường trực). Chúng tôi thống nhất sẽ vận động anh em hội viên ở Hà Nội đóng góp, mua tặng thương binh Phan Hải Hồ chiếc xe lăn loại tốt.
Sau đó ít lâu, vào một ngày tháng 4-2011, tại nhà hàng số 54 Điện Biên Phủ (Hà Nội), anh Đào Hồng Tuyển, Chủ tịch Tập đoàn Tuần Châu mời bạn bè, đồng đội bữa cơm thân mật, trong đó có đồng chí Lê Phúc Nguyên, Tổng biên tập Báo Quân đội nhân dân (QĐND) và đồng chí Hữu Ước, Tổng biên tập Báo Công an nhân dân. Anh Đào Hồng Tuyển khi đó là Phó chủ tịch Thường trực Hội truyền thống Đường Hồ Chí Minh trên biển toàn quốc hỏi chúng tôi về hoạt động của Hội Hà Nội. Tôi nói luôn về việc Hội phát động hội viên góp tiền mua xe lăn tặng thương binh Phan Hải Hồ.
Anh Tuyển nghe xong, trầm ngâm một lát rồi quay sang kể vắn tắt cho hai vị khách về thương binh Phan Hải Hồ: "Tàu 69, Thuyền trưởng là Nguyễn Hữu Phước được lệnh chở 70 tấn vũ khí, đạn và thuốc men vào vùng biển Cà Mau, còn Phan Hải Hồ là thủy thủ trên tàu ấy. Tàu xuất phát tại bến K15 Đồ Sơn (nay là địa điểm tham quan du lịch của du khách khi tới Đồ Sơn, Hải Phòng). Gần sáng 29-4-1966, tàu vào một lạch trong rừng đước Cà Mau. Bốc hàng xong, tàu hoàn thành nhiệm vụ. Anh em phấn khởi quay tàu trở ra miền Bắc thì phát hiện hỏng chân vịt. Cán bộ, thủy thủ phải đẩy tàu trên lạch để vào nơi kín đáo và sửa chữa. Mãi đến ngày 1-1-1967, tàu mới khởi hành về Bắc. Ra khỏi rừng đước Cà Mau vài hải lý thì gặp bầy tàu chiến Mỹ. Chúng bao vây bắn xối xả vào Tàu 69. Tàu 69 đánh trả quyết liệt bằng B40, 12,7mm và DKZ. Một tàu địch bốc cháy. Thủy thủ Phan Hải Hồ bị trúng đạn, gãy xương gần tới mắt cá bàn chân phải, chỉ còn da dính bàn chân lủng lẳng. Anh lê chân gãy dọc boong tàu tìm vị trí để bắn vào tàu địch. Máu từ vết thương của chân bị gẫy phun phì phì, tạo thành vệt, vẽ ngoằn ngoèo trên mặt boong theo hướng di chuyển của anh. Mãi sau, khi thấy bàn chân vướng víu, cản trở chiến đấu, anh quyết định chặt đứt chỗ da thịt còn dính trên chân để dễ dàng cơ động chiến đấu. Trước tấm gương chiến đấu kiên cường, hành động dũng cảm của Phan Hải Hồ, Chính trị viên tàu tuyên bố: Đồng chí đảng viên dự bị Phan Hải Hồ trở thành đảng viên chính thức của Đảng ngay trong trận chiến đấu này".
Nghe câu chuyện, mọi người lặng đi, xúc động. Anh Đào Hồng Tuyển nói: "Hoan nghênh Hội Hà Nội đã có hành động nhân văn, đầy tình nghĩa đồng đội. Tôi xin đóng góp một nửa số tiền mua xe lăn".
Anh Tuyển vừa dứt lời, đồng chí Hữu Ước đứng dậy nói: "Tôi rất cảm động khi nghe câu chuyện về đồng chí Phan Hải Hồ. Báo Công an nhân dân xin mua tặng thương binh Phan Hải Hồ chiếc xe lăn này".
Một giọng nói khác vang lên: "Không! Đồng chí Phan Hải Hồ từng là quân nhân. Báo QĐND phải lo việc này" - đó là tiếng nói của đồng chí Tổng biên tập Báo QĐND Lê Phúc Nguyên.
Chúng tôi vỗ tay rầm rầm. Đồng chí Tuyển vui vẻ: "Cảm ơn bạn Hữu Ước! Theo tôi, để Báo QĐND làm việc này thì phù hợp hơn!".
Đồng chí Tổng biên tập Báo QĐND tiếp luôn: "Việc này phải làm ngay". Rồi đồng chí quay sang người sĩ quan ngồi bên và nói: "Tôi giao cho Phòng Bạn đọc và Cộng tác viên thực hiện nhiệm vụ này ngay trong tuần tới. Đồng chí lấy số điện thoại của Phó chủ tịch Thường trực Hội truyền thống Đường Hồ Chí Minh trên biển Hà Nội để phối hợp thực hiện".
Anh Đào Hồng Tuyển cũng quyết luôn: "Giao cho Hội Hà Nội, cụ thể là đồng chí Quân tổ chức thực hiện việc này".
Dứt lời, một tràng pháo tay to hơn lúc trước vang cả căn phòng.
Hôm sau, đồng chí Đoàn Việt Phương, khi đó là Trưởng phòng Bạn đọc và Cộng tác viên của Báo QĐND gọi điện cho tôi bàn phương án. Chúng tôi thống nhất ngày trao xe lăn cho thương binh Phan Hải Hồ là chủ nhật, ngày 24-4-2011.
Ngay lập tức, tôi gọi điện thông báo với gia đình anh Hồ, thông báo với các cựu chiến binh Tàu không số TP Nam Định, nhờ in giấy mời gửi chính quyền, đoàn thể địa phương nơi gia đình anh sinh sống.
Đúng 9 giờ 30 phút ngày 24-4-2011, buổi trao quà của Báo QĐND tặng thương binh Phan Hải Hồ bắt đầu. Sau lời giới thiệu của đại diện Hội truyền thống Đường Hồ Chí Minh trên biển Nam Định, đồng chí Lê Phúc Nguyên phát biểu và trao chiếc xe lăn cùng 2,5 triệu đồng tặng thương binh Phan Hải Hồ. Chúng tôi đỡ anh ngồi lên xe lăn. Khuôn mặt người thương binh dũng cảm rạng ngời. Vợ, con cháu và những người tham dự vỗ tay, nhiều người quệt nhanh những giọt nước mắt trào ra trên má. Đại diện chính quyền, đoàn thể địa phương và đại diện các Hội truyền thống Đường Hồ Chí Minh trên biển trên toàn quốc, Hội truyền thống Đường Hồ Chí Minh trên biển TP Hà Nội và Nam Định đều lần lượt phát biểu và trao quà tặng anh... Buổi gặp mặt trao chiếc xe lăn và tặng quà thương binh Phan Hải Hồ diễn ra ấm cúng, xúc động như thế.
Từ khi có chiếc xe lăn của Báo QĐND tặng, anh Hồ được ra ngoài ngắm cảnh, trò chuyện nhiều hơn với bà con láng giềng, bè bạn, trông anh có vẻ khỏe hơn. Ngày 10-8-2015, anh vinh dự được nhận danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân. Không lâu sau đó, anh bị tai biến lần thứ hai. Rồi đi khám, bệnh viện kết luận anh bị ung thư dạ dày giai đoạn cuối. Ngày 3-5-2016, anh trút hơi thở cuối cùng về cõi vĩnh hằng, về với đồng đội.
Đến nay, sự kiện trao tặng món quà này đã qua hơn 10 năm nhưng với chúng tôi nó như vừa mới diễn ra ngày hôm qua vậy.
Bài và ảnh: TỐNG HỒNG QUÂN