Trong các cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc, người Việt Nam đã thể hiện rõ nét nhất phẩm chất tốt đẹp hiếm thấy của con người theo lẽ sinh tồn với ý nghĩa viết hoa của PHẨM GIÁ CON NGƯỜI.
Thời ấy, Ta vì ta ba chục triệu người/ Cũng vì ba ngàn triệu trên đời. Thời ấy, kết tinh từ nghìn năm lịch sử hào hùng của một dân tộc phá Tống, bình Nguyên, đuổi Minh, đạp Thanh. Thời ấy, triệu người Việt Nam như một, “thành làn sóng vô cùng mạnh mẽ nhấn chìm mọi kẻ thù xâm lược” dù chúng có mạnh hơn rất nhiều lần. Thời ấy... lịch sử có thể ghi nhận hàng nghìn con người và sự kiện thần kỳ được cả thế giới loài người khâm phục. Thậm chí, có những sự kiện chính các nhà sử học Việt Nam đến nay cũng chưa có lời giải đáp cho thấu đáo. Đó là cuộc hành quân thần tốc của Hoàng đế Quang Trung từ Phú Xuân (Huế) ra Bắc đập tan 29 vạn quân Thanh xâm lược. Đó là cô gái mảnh mai 42kg Ngô Thị Tuyển có thể vác hai thùng đạn pháo nặng hơn hai lần trọng lượng cơ thể mình! Anh hùng LLVT nhân dân Ngô Thị Tuyển, con người bằng xương bằng thịt ấy đã làm nên chuyện thần kỳ của người Việt Nam. Và biết bao, biết bao câu chuyện có thật mà như huyền thoại vậy. Và chỉ có thể giải thích như một lẽ tự nhiên rằng: “Đằng Giang tự cổ huyết do hồng”!
![left](/image/images/left.png) ![center](/image/images/center.png) ![right](/image/images/right.png) ![del](/images/red-error_16px.gif) |
![](https://file.qdnd.vn/data/images/14/2020/08/12/maihuong/128ct5.jpg?dpi=150&quality=100&w=575) |
Đoàn cán bộ y tế TP Hải Phòng vào tiếp sức TP Đà Nẵng chống dịch Covid-19. Ảnh: danang.gov.vn |
Phải chăng, trải qua thăng trầm lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước, từ thế hệ này đến thế hệ khác đã kết tinh nhiều phẩm chất tốt đẹp mà thành những giá trị cốt lõi của con người Việt Nam. Thứ nhất, yêu nước, có ý chí độc lập, tự cường; thứ hai, nhân ái, khoan dung, trọng nghĩa tình, trọng đạo lý; thứ ba, đoàn kết; thứ tư, cần cù, sáng tạo.
Chúng tôi chọn 4 giá trị cốt lõi này bởi trong tiến trình lịch sử Việt Nam, đặc biệt trong đấu tranh giữ nước, những giá trị này là nền tảng bảo đảm sự trường tồn dân tộc, là gốc rễ của mọi chiến thắng. Những giá trị này biểu hiện rõ nét, không chỉ chúng ta nhận thấy mà cộng đồng thế giới, kể cả kẻ thù cũng phải thừa nhận. Giá trị thứ nhất chắc không cần phải luận giải nhiều, bởi nó được minh chứng qua hàng nghìn năm lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta và cũng là ý kiến khá thống nhất của nhiều học giả, được thể hiện nhiều lần trong các văn kiện của Đảng. Giá trị thứ hai là giá trị được nhiều học giả nêu dưới các ngôn từ khác nhau, nhưng bản chất là thống nhất nhận định giá trị nhân ái, khoan dung, trọng nghĩa tình, trọng đạo lý. Học giả Đào Duy Anh nhận định: “Biết hy sinh vì đại nghĩa”; Giáo sư (GS) Trần Văn Giàu: “Thương người, vì nghĩa”; GS Nguyễn Hồng Phong: “Nhân đạo”. Giá trị thứ ba là đoàn kết, được khẳng định ở cả hai nghị quyết chuyên đề của Đảng về văn hóa. Điều đặc biệt, tinh thần đoàn kết đã được kiểm chứng qua các cuộc chiến tranh giữ nước, “triệu người như một” với tinh thần “Sát Thát” kết lại thành làn sóng cuốn phăng mọi kẻ thù xâm lược. Không đoàn kết như vậy chắc chắn chúng ta khó có thể chiến thắng kẻ thù thường mạnh hơn chúng ta nhiều lần! Giá trị thứ tư, về cần cù có lẽ không có nhận định nào xác đáng hơn nhận định của học giả Nguyễn Văn Huyên: “Chẳng thấy nơi nào trên thế giới một dân tộc cần cù đến như vậy”, còn về sáng tạo, có thể có đôi chút khác nhau trong nhận định của các học giả. Học giả Đào Duy Anh cho rằng, người Việt Nam “ít sáng tạo”; GS Trần Đình Hượu thì cho rằng: “(người Việt Nam) không có khát vọng để hướng đến sáng tạo lớn”; học giả Nguyễn Văn Huyên lại nhận định: “Người Việt có chất nghệ sĩ nhiều hơn khoa học”... Xét các công trình khoa học, các nhân tài từ cổ chí kim, người Việt Nam chưa có mấy người nổi tiếng thế giới!
Tuy nhiên, chúng tôi vẫn giữ giá trị này trong bảng hệ giá trị vì trên thực tế, chúng ta phải nhìn nhận sự bộc lộ phẩm chất sáng tạo có phần hơi đặc trưng của người Việt Nam, đó là “trong cái khó mới ló cái khôn” (cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng). Sự sáng tạo thường bộc lộ trong hoàn cảnh hết sức khó khăn, có khi trong thế bị dồn vào chân tường. Nếu nhìn nhận từ góc độ đó, chúng ta mới đồng thuận với nhận định của GS Trần Văn Giàu là người Việt Nam sáng tạo. Thực tế, nếu không sáng tạo sao có thể chiến thắng pháo đài bay B-52 với các vũ khí về lý thuyết là không thể đánh thắng được! Nếu không sáng tạo trong chiến lược, chiến thuật quân sự, làm sao có thể 3 lần chiến thắng quân Nguyên Mông, đội quân chinh phục cả châu Âu và một vùng rộng lớn Tây Á?! Có thể vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau, chúng tôi xin nhấn mạnh rằng, giá trị cốt lõi thường biểu hiện rõ nhất trong chiến tranh giữ nước, nếu áp vào chuẩn mực thường nhật đôi khi cảm thấy “vênh”. Hơn nữa, giá trị cốt lõi là giá trị đặc trưng cho đại đa số người Việt Nam, thể hiện phẩm chất mang tính bản chất chứ không phải những hiện tượng lẻ tẻ của một số ít người. Chúng tôi quan niệm giá trị con người Việt Nam không phải thứ “nhất thành bất biến”, nó chịu sự tác động của hoàn cảnh mà có những biểu hiện khác nhau trong những hoàn cảnh khác nhau.
Con người vốn “nhân vô thập toàn”, có nghĩa là có cả tính tích cực và cả những hạn chế mang tính chủng người và hoàn cảnh lịch sử, tự nhiên, xã hội tạo nên. Phải chăng, con người Việt Nam với vóc dáng nhỏ, thấp nên sức mạnh cơ bắp vốn không phải là thế mạnh, bởi thế, trí thông minh được đề cao. Truyện kể về trí thông minh của người mạnh hơn hổ thể hiện rõ tinh thần này!
Con người trải nghiệm trong nhiều cuộc đấu tranh giữ nước trước những kẻ thù mạnh hơn nên tinh thần dũng cảm, đoàn kết muôn người như một là phương thức tồn tại và trở thành phẩm chất tuyệt vời của người Việt Nam. Là người chiến thắng trong các cuộc chiến tranh, nhưng cũng trải nghiệm mất mát to lớn bởi chiến tranh nên hơn ai hết, người Việt Nam yêu hòa bình, khoan dung, độ lượng với kẻ thù, mong sao chiến tranh không xảy ra, thù oán được khép lại. Là cư dân nông nghiệp, con người Việt Nam có triết lý sống hài hòa với thiên nhiên nhưng cũng có hạn chế là thụ động, trông chờ... và những tính toán thực dụng, thường thiên về lợi ích nhỏ trước mắt dễ đạt được hơn là những lợi ích lớn có tính chiến lược, lâu dài. Phải chăng, hạn chế ấy là nguyên nhân của việc phá vỡ hợp đồng một cách dễ dàng của người nông dân với các doanh nghiệp. Người dân dễ bị lôi kéo vào những việc như “bán lá khô”, “đỉa khô”, chân, sừng trâu... khi thấy lợi trước mắt!
Trong kháng chiến bảo vệ Tổ quốc, trước các kẻ thù mạnh hơn cần huy động sức mạnh toàn dân, cần một không khí hào hùng, nâng cao chí khí quyết tâm thắng giặc nên cần phát động nhiều phong trào và kết quả là các chiến công thần thánh trong chiến tranh của người Việt Nam khiến cả thế giới nghiêng mình thán phục. Nhưng phải chăng, cái tinh thần “phong trào” ấy vẫn còn duy trì trong phát triển kinh tế-xã hội hôm nay, như có lần ông Võ Hồng Phúc, nguyên Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư phải thốt lên trước Quốc hội khóa XI rằng: “Đầu tư cũng theo phong trào”! Thực tế cũng có vẻ như thế: Thấy nơi này làm xi măng lò đứng thì địa phương kia cũng làm, nơi này mía đường thì nơi khác cũng mía đường, rồi cảng nước sâu, rồi cây này, con kia cũng vậy! Một đoàn người Việt Nam ra nước ngoài, hễ có một người mua thứ gì đó là lập tức có nhiều người mua theo ngay, có khi chưa biết mình mua làm gì và vì sao lại mua nó!... Cái tinh thần “phong trào” ấy liệu có phải là hạn chế đặc trưng của người Việt Nam không? Nhà nghiên cứu gọi nó là tâm lý đám đông! Tâm lý đám đông cộng với tính hiếu kỳ đôi khi làm tắc đường chỉ vì một vụ va chạm nhỏ trên phố. Lúc ấy, sự khoan dung, độ lượng vốn là phẩm chất tốt đẹp của người Việt Nam dường như bị rơi rụng đi đâu. Tinh thần “thương người như thể thương thân” có vẻ cũng không được phát huy. Người đứng xem người bị ngã xe nhiều hơn là người có ý định vào cứu người bị nạn!...
Căn cứ vào những biểu hiện thường nhật của người Việt Nam hiện nay, một số người cho rằng phẩm chất tốt đẹp của người Việt Nam dường như đã mai một đến mức báo động; và rằng, nó đang bị thói tham lam, ích kỷ, ngông cuồng, giả dối, háo danh, tàn bạo lấn át, bóp nghẹt đến không thể lộ diện! Nhiều người ngán ngẩm mơ ước “bao giờ cho đến ngày xưa”. Vấn đề có thực đến mức như vậy không? Chúng tôi cho rằng: Không! Trong cuộc chiến chống dịch Covid-19, những phẩm chất tốt đẹp nhất của người Việt Nam lại được tỏa sáng đúng lúc và hết sức diệu kỳ. Cả thế giới lại một lần nữa nhắc đến Việt Nam với sự khâm phục và tin cậy. Cụ bà tuổi cao, sức yếu cần được chăm sóc lại sẵn sàng góp tiền, góp sức chống dịch, sinh viên sáng tạo robot, cây vệ sinh, “cây gạo” tình nghĩa... những chiến sĩ quân đội, công an, các bác sĩ, y tá, điều dưỡng viên và cả những cán bộ cao cấp ngày đêm không nghỉ, lăn lộn “chống dịch như chống giặc”. Phẩm chất “thương người như thể thương thân”... được thể hiện hết sức rõ nét và sinh động. Người Việt Nam ở trong nước cũng như ở ngoài nước đều hành xử hết sức nhân văn, chung tay chống dịch, chia sẻ khó khăn cùng cộng đồng một cách tự nguyện và hiệu quả. Nhiều chính khách nước ngoài nhận định: Trong gian nguy mới rõ ai là bạn để đánh giá về người Việt Nam.
Rõ ràng trong hoàn cảnh đặc biệt, những phẩm chất tốt đẹp của người Việt Nam lại tỏa sáng. Điều đó chứng thực rằng, phẩm chất tốt đẹp của người Việt Nam luôn được tàng trữ trong mỗi con người, vấn đề đặt ra là nó cần được khơi dậy trong mọi hoàn cảnh chứ không chỉ trong những hoàn cảnh đặc biệt. Bởi thế, xây dựng con người Việt Nam hiện đại có năng lực thích ứng với điều kiện mở cửa, hội nhập ngày càng sâu rộng của đất nước, phát huy phẩm chất tốt đẹp nhất của người Việt Nam là nhiệm vụ chiến lược của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta để tiếp tục lập nên những kỳ tích mới, xây dựng nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, sánh bước cùng các quốc gia trong khu vực và trên thế giới.
(còn nữa)
TS NGUYỄN VIẾT CHỨC