Phép biện chứng của cuộc sống cho ta hiểu “con người khó có thể tắm hai lần trên một dòng sông”. Bởi nó không phải là chính nó mà là nó với một diện mạo, nội dung khác rồi!

Con người vốn có khả năng thích nghi đặc biệt trong quá trình sinh tồn và phát triển của mình. Văn hóa phương Đông có câu “đáo giang tùy khúc, nhập gia tùy tục” nói về sự cần thiết phải linh hoạt, thích nghi trong những hoàn cảnh cụ thể để có thể tồn tại và phát triển. Đổi mới tư duy, kiên quyết từ bỏ kinh tế tập trung, bao cấp là sự thay đổi lớn mang tầm vóc thời đại, đã chấm dứt đói nghèo hàng nghìn năm đè nặng người Việt Nam. Sự thay đổi lớn lao ấy có tính cách mạng đối với người Việt Nam hiện đại. Sự nghiệp đổi mới và quá trình mở cửa, hội nhập ngày càng sâu rộng của đất nước đòi hỏi mỗi người Việt Nam phải thay đổi để thích ứng với yêu cầu mới, hoàn cảnh mới. Sự thay đổi ấy đặt ra yêu cầu phải xây dựng những phẩm chất mới của người Việt Nam.

leftcenterrightdel
(Ảnh minh họa: thanhnien.vn)

Trong nhịp sống hối hả thường nhật hôm nay, có vẻ như người ta “ít dùng”, “ít thể hiện” những phẩm chất vốn có của người Việt Nam. Những chuẩn mực “đói cho sạch, rách cho thơm”, “hàng xóm tối lửa tắt đèn có nhau”, “một con ngựa đau, cả tàu bỏ cỏ”... có vẻ như bị lu mờ. Thay vào đó là triết lý “cái gì không mua được bằng tiền thì mua được bằng rất nhiều tiền”; ăn bẩn, ăn tạp đến mức “cái gì cũng ăn được”! Bất chấp đạo lý làm người để có tiền, có quyền, để giàu sang bằng mọi giá, để làm những điều đồi bại với người thân, với đồng đội, thậm chí sẵn sàng giết người một cách tàn bạo, vô nhân tính... Rõ ràng là những giá trị bền vững được trải nghiệm, thử thách và kiểm chứng qua hàng nghìn năm lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc đang có nguy cơ bị lu mờ, mai một.

Thực tế đó làm cho người ta hoài nghi rằng: Chuẩn mực phẩm giá con người Việt Nam truyền thống có vẻ không còn phù hợp với điều kiện của đời sống hiện đại! Mặt khác, các phẩm chất tốt đẹp vốn có của người Việt Nam thường khó định lượng, khó “cân, đong, đo, đếm” trong cuộc sống thường nhật, và vì thế không làm “thước” cho người đời “đo” một cách cụ thể, nhằm điều chỉnh lối sống, hành vi ứng xử và kỹ năng xử lý các tình huống trong đời thường của mỗi cá nhân và cả cộng đồng. Yêu cầu hình thành và phát triển những phẩm chất mới của con người Việt Nam hiện đại thực sự là yêu cầu thực tế khách quan.

Và như vậy, những phẩm chất mới phải là những phẩm chất cần có của người Việt Nam trong điều kiện hiện nay. Giữ gìn bản sắc người Việt Nam, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại là hai mặt không thể tách rời của phẩm chất người Việt Nam thời hiện đại. Bản sắc người Việt Nam với những phẩm chất tốt đẹp không chỉ cần giữ gìn mà còn cần phát huy, bổ sung, hoàn thiện nó trong điều kiện mới. Những phẩm chất mới không từ trên trời rơi xuống mà nó có cội rễ từ phẩm chất vốn có để hình thành và phát triển. Quá trình hình thành và phát triển ấy đã và đang diễn ra không âm thầm nhưng cũng không quá ồn ào để dễ nhận biết. Hơn nữa, trong quá trình hình thành những phẩm chất mới, có thể phát sinh hiện tượng lệch chuẩn văn hóa truyền thống, lại cộng hưởng thêm tác động tiêu cực của các yếu tố ngoại sinh mà xuất hiện những dạng thái kỳ quái, phản văn hóa. Điều đó khiến cả xã hội bức xúc, khó chấp nhận. Tuy nhiên, nếu xét quy luật phát triển thì đó là cái khó tránh trong quá trình thích nghi của người Việt Nam. Trong tự nhiên cũng như trong lịch sử phát triển nhân loại, không phải tất cả mọi cá thể đều có thể thích nghi tốt với hoàn cảnh mới. Những cá thể không thích nghi được sớm muộn sẽ bị đào thải.

Để giảm thiểu số lượng cá thể bị đào thải, đồng thời tăng tốc quá trình hình thành các phẩm chất mới, chúng tôi xin nêu khái quát những phẩm chất cần có của người Việt Nam hiện đại, trên cơ sở kế thừa những phẩm chất tốt đẹp vốn có của người Việt Nam. Những phẩm chất đó là: 1. Yêu nước với tinh thần tự tôn dân tộc, ý chí vươn lên hòa nhịp phát triển cùng các nước trong khu vực và thế giới; 2. Khỏe về thể chất, lành mạnh về tinh thần, có năng lực thích ứng với cuộc sống hiện đại; 3. Có tinh thần và năng lực hợp tác trong học tập, lao động, vì sự phát triển đất nước; 4. Thượng tôn pháp luật, tự trọng, trung thực.

Yêu nước với tinh thần tự tôn dân tộc là nền tảng vững chắc cho ý chí vươn lên hòa nhịp phát triển cùng các nước trong khu vực và thế giới. Ý chí vươn lên, không thỏa mãn, không bằng lòng với nghèo nàn, lạc hậu, tụt hậu so với các nước khác, ý chí ấy hun đúc bản lĩnh con người Việt Nam hiện đại phải cố gắng trong học tập, lao động sáng tạo, phải cần, kiệm, liêm, chính... đặt lợi ích dân tộc lên trên lợi ích cá nhân, hoặc chí ít cũng biết hài hòa lợi ích cá nhân với cộng đồng, với quốc gia, dân tộc. Điều quan trọng là biết hổ thẹn khi dân tộc, quốc gia tụt hậu và vì thế không vun vén cá nhân, “lo cho con, cho cháu hơn là linh hồn mình” (GS Trần Đình Hượu), “sa vào thói chơi ngông” (học giả Nguyễn Văn Huyên). Yêu nước đối với mỗi người còn là sự giác ngộ một cách sâu sắc trách nhiệm công dân, nhận thức đúng đắn về danh phận, danh dự, hạnh phúc của bản thân, gia đình không thể tách rời hạnh phúc cộng đồng, độc lập, phồn vinh của quốc gia, dân tộc. Không có hạnh phúc trên đau khổ của người khác. Giàu có bất minh khi đất nước không phát triển là sự sỉ nhục và mất tự do. Thậm chí, bằng giả, bằng thật học giả, không có đóng góp trí tuệ cho đất nước cũng là thiếu tinh thần tự tôn dân tộc, không những thế còn là sự vô trách nhiệm với danh dự bản thân, thiếu tự trọng cá nhân, đồng thời là tác nhân tụt hậu của đất nước. Yêu nước phải là niềm khát khao đưa đất nước phát triển cùng khu vực và thế giới, không để “lỗi nhịp”, “lạc điệu”, tụt hậu trong tiến trình phát triển trên con đường đã chọn.

Muốn có khát khao cháy bỏng ấy, trước tiên con người phải khỏe về thể chất. Khỏe mới có thể ước mơ đến và làm được nhiều điều tốt đẹp. Thực tế cho thấy, khỏe về thể chất là điều cần làm và có thể làm. Điều này đã có kết quả và đang có xu hướng tích cực đối với việc cải thiện chiều cao nói riêng và sức khỏe nói chung của người Việt Nam hiện đại. Khỏe là phẩm chất cần có của người Việt Nam hiện đại, đáp ứng yêu cầu đẩy nhanh tốc độ phát triển của đất nước và nâng cao chất lượng sống của toàn dân. Tuy nhiên, khỏe về thể chất phải đi đôi với lành mạnh về tinh thần. Trạng thái tinh thần lành mạnh là trạng thái tinh thần tích cực, biết chia sẻ tình cảm với cộng đồng, buồn-vui đúng lúc, có bản lĩnh “thắng không kiêu, bại không nản”, luôn hướng tới những giá trị tốt đẹp, cân bằng trong mọi hoàn cảnh của cuộc sống, không phấn khích lạc quan tếu, cũng không buồn bã bi quan.

Con người khỏe về thể chất, lành mạnh về tinh thần vẫn chưa đủ mà còn phải có năng lực thích ứng với cuộc sống hiện đại. Con người có năng lực thích ứng là con người có đạo đức, tri thức, bản lĩnh, kỹ năng sống trong xã hội hiện đại. Điều kiện về vật chất, tinh thần, môi trường học tập, lao động... và môi trường sống nói chung trong xã hội hiện đại có nhiều thay đổi, có nhiều cơ hội nhưng cũng nhiều thách thức, không có khả năng thích ứng sẽ làm người ta thụ động, không những không góp gì cho tiến bộ xã hội mà còn có thể trở thành gánh nặng của xã hội. Phẩm chất thích ứng là yêu cầu cần có của con người trong xã hội hiện đại. Muốn có nó, con người phải học tập, rèn luyện toàn diện: Đức, trí, thể, mỹ và đặc biệt phải nuôi dưỡng tinh thần hòa nhập cộng đồng. Chúng tôi không nhấn mạnh trình độ học vấn cao, tài năng xuất chúng, chúng tôi đề cao sự thích ứng, “sự biết mình, biết người”, linh hoạt, không cố chấp, biết nhận định thời thế để ứng xử theo hướng tích cực. Có như vậy mới thể hiện được tinh thần và năng lực hợp tác trong học tập và lao động vì sự phát triển đất nước.

Chúng tôi không nói đoàn kết, vì có tinh thần và năng lực hợp tác trong học tập và lao động vì sự phát triển của đất nước chính là đoàn kết vậy! Tinh thần và năng lực làm việc nhóm, năng lực hợp tác là phẩm chất hết sức cần có của người Việt Nam hiện nay. Tinh thần và kiểu cách manh mún, đơn lẻ, mạnh ai nấy làm có khi còn gây tổn hại cho cái chung lớn hơn cái thu được nhỏ lẻ. Thương hiệu có thể dễ đổ bể chỉ vì một ai đó thiếu tinh thần hợp tác, phá vỡ hợp đồng một cách vô nguyên tắc. Gần đây, tình trạng này dần được cải thiện. Việt Nam đang trở thành đối tác đáng tin cậy của cộng đồng thế giới. Tuy nhiên, muốn vươn ra biển lớn, mỗi người Việt Nam cần thượng tôn pháp luật, tự trọng, trung thực. Điều này hết sức cần thiết trong điều kiện Việt Nam xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Không thượng tôn pháp luật, không có kỷ cương phép nước sẽ ngập tràn tham nhũng, lãng phí, xã hội bất an, không thể phát triển bền vững. Mặt khác, có tinh thần thượng tôn pháp luật, người Việt Nam sẽ tự tin hơn khi mở cửa, hội nhập và đỡ thua thiệt khi tham gia vào thị trường quốc tế. Với cá nhân, tự trọng là phẩm chất tốt đẹp. Trong xã hội hiện đại, cá nhân tiếp xúc với cộng đồng nhiều hơn, trong nhiều tình huống và hoàn cảnh khác nhau, chỉ có tự trọng bản thân mới có được sự tôn trọng của người khác và cộng đồng. Tự trọng còn là nền tảng để cá nhân hòa hợp với cộng đồng trên cơ sở tôn trọng người khác, tôn trọng cộng đồng. Tham ô, lãng phí, chơi ngông, buông thả, sa đọa, cờ bạc... là không tự trọng, là coi thường pháp luật, coi thường người khác và cộng đồng.

Tự trọng là phẩm chất hết sức cần có của con người Việt Nam hiện đại. Tự trọng thực ra đã bao hàm trung thực. Tuy nhiên, trong xã hội hiện nay, khi thói giả dối đã trở thành căn bệnh khá phổ biến, làm suy vi đạo đức, lối sống “bộ phận không nhỏ” của cả xã hội thì trung thực như là một phẩm chất cần đánh thức trong mỗi con người, mỗi cơ quan, tổ chức từ Trung ương đến địa phương. Thói giả dối đã đến mức báo động vì nó tràn lan ở mọi lĩnh vực, mọi cấp, mọi ngành và phương hại trầm trọng đến chính trị, kinh tế-xã hội, làm suy giảm nghiêm trọng niềm tin vốn có của nhân dân với Đảng, làm méo mó bản chất nhà nước của dân, do dân và vì dân của chúng ta. Chỉ có thượng tôn pháp luật, tự trọng, trung thực, người Việt Nam mới đủ bản lĩnh trước những thử thách của điều kiện mới.

TS NGUYỄN VIẾT CHỨC