Từ mốc lịch sử đổi mới năm 1986 cho đến nay, cái thời hôm nay vừa là sự tiếp nối vừa là sự chuyển đổi qua nhiều chặng, với những mục tiêu vừa nằm trong tầm đón, vừa không ít bất ngờ đặt ra qua nhiều thử thách, tôi nghĩ là không kém những thử thách đặt ra trong chiến tranh. Có nghĩa là: Nếu thử thách trong chiến tranh chúng ta đã vượt được thì thử thách hòa bình cũng không phải là dễ để vượt qua nếu ý thức về chủ quyền và quyền lợi quốc gia bị sao nhãng; nếu cộng đồng dân tộc (hoặc khối đoàn kết toàn dân) không đủ vững mạnh; nếu bản lĩnh và trí tuệ của dân tộc gắn với sự giữ gìn và phát huy bản sắc dân tộc không thường xuyên được trau dồi...
Cái hôm nay, kể từ nửa sau thập niên 1980 cho đến nay-2022, theo tôi hiểu là đi qua các mốc lịch sử như sau: Mốc 1990, khi Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa (XHCN) ở Đông Âu tan vỡ, xóa bỏ tình thế thế giới chia thành hai phe. Mốc 1995, khi Việt Nam dần dần thoát ra khỏi tình thế bị bao vây và cô lập, để tham gia, hội nhập vào khu vực và quốc tế. Mốc 2000, với cuộc toàn cầu hóa lần thứ ba, Việt Nam đã có thể tham gia trong tư thế chủ động và bình đẳng với cộng đồng nhân loại...
Qua các mốc lịch sử như trên, kể từ năm 1986, là sự đánh dấu từng bước chuyển động của đất nước về phía trước, trong mục tiêu trở thành người đồng hành với thế giới văn minh và nhân loại tiến bộ. Trên con đường đó, thay vì một mô hình sai lầm về chủ nghĩa xã hội, có quá trình theo đuổi từ sau 1954 trên miền Bắc, và sau 1975 trên cả nước, cho đến năm 1990, chúng ta đang chuyển sang một định hướng XHCN, với mục tiêu: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, trong các mối quan hệ quốc tế được mở rộng trên tinh thần hòa hợp, thân thiện và bình đẳng.
Thời đổi mới chuyển sang hội nhập, và sau hội nhập, như tôi quan niệm ở trên là đối tượng nhận thức, miêu tả và khám phá của 5-6 thế hệ viết, trong khoảng cách trên dưới 60 năm-nếu tính từ thế hệ "3X" cho đến "9X", tức là từ thế hệ viết thời cuối kháng chiến chống Pháp cho đến lớp người viết mới vào tuổi 20 thuộc thế hệ "9X" hôm nay. Tất cả, dù thâm niên nghề nghiệp dài hoặc ngắn, đều cùng đứng trước một hiện thực vừa mới mẻ vừa quen thuộc mà sự đón nhận là tùy thuộc vào quan niệm và trải nghiệm của mỗi thế hệ và mỗi người.
Hơn 35 năm trong sự nghiệp đổi mới, hơn 45 năm sau khi kết thúc chiến tranh-đó là một khoảng thời gian không ngắn nếu so với các chu kỳ biến động của đời sống và sinh hoạt văn học Việt Nam thế kỷ 20... 35 năm và 45 năm-đó là sự đồng hành của 4 hoặc 5 thế hệ viết; và thế hệ tiếp nối, thế hệ có trách nhiệm nhận sự chuyển giao, trong hai thập niên mở đầu thế kỷ 21 này, có khác với tất cả các thế hệ trước, gần như không phải chịu một sức ép nào của truyền thống, của lịch sử, mà chỉ chịu một sức ép lớn nhất và duy nhất là sức ép của thời đại, trong một cuộc hội nhập mà dân tộc gần như không thể tránh, nếu không nói là phải dũng cảm đón nhận trong tư thế chủ động, để khỏi bị đẩy ra khỏi “đường ray của con tàu phát triển”.
Cần một cách nhìn như thế để chúng ta có đòi hỏi cao đối với một thế hệ viết mới-thế hệ tuổi từ ngoài 20 đến trên dưới 40, tức là thế hệ sinh ra sau năm 1975; và để không ngạc nhiên trước những gì rồi sẽ diễn ra-tôi hy vọng thế, như đã diễn ra đầu thế kỷ 20, nếu lấy con mắt Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh mà nhìn Nguyễn Ái Quốc; nếu lấy con mắt Tú Xương, Nguyễn Khuyến mà nhìn Hồ Biểu Chánh, Tản Đà; nếu lấy con mắt Tản Đà và Hoàng Ngọc Phách mà nhìn Xuân Diệu, Hàn Mặc Tử, Nguyễn Tuân, Nam Cao...
Nói cụ thể hơn một chút: Phan Bội Châu sống đến năm 1940 nhưng cụ đã sớm chấm dứt vai trò lịch sử và cả vai trò văn chương “dậy sóng” của mình ngót cả 10 năm trước 1925 (là năm cụ bị bắt giải về nước), ở tuổi 58, khi chuyển sang thân phận “Ông già Bến Ngự”. Hoàng Ngọc Phách, người viết "Tố Tâm" chấn động một thời, nhưng chỉ 5 năm sau đã phải nhường vị trí cho những tác giả khác “mới” hơn. Dẫu đã nhận vinh dự khai mạc nền tiểu thuyết mới và đặt nền móng cho nền văn xuôi lãng mạn, tự bản thân ông cũng đã cảm nhận rõ sự lạc lõng và đuối sức của mình nên đã dứt khoát ngừng ngay việc sáng tác văn chương ở tuổi ngoài 30, ngót 40. Nhóm Tự lực Văn Đoàn danh đang nổi như cồn vào nửa đầu thập niên 1930 bỗng phải nhường vị trí cho các gương mặt tiêu biểu của văn học hiện thực như: Vũ Trọng Phụng, Nguyên Hồng, Nam Cao... và Nguyễn Tuân, Nguyễn Huy Tưởng từ nửa sau thập niên 1930, đầu thập niên 1940. Xuân Diệu đang là người “mới” nhất, dồi dào sinh lực nhất trong một phong trào thơ có tuổi thọ hơn 10 năm bỗng dưng không còn mới nữa, và trở thành “quen”, thành “cũ” bên Nguyễn Bính “quê mùa”, Chế Lan Viên “kinh dị”, Hàn Mặc Tử, Bích Khê siêu thực, mong manh mà xiết bao ám ảnh. Vân vân...
|
|
Các nhà văn tham dự Đại hội Hội Nhà văn Việt Nam lần thứ X. Ảnh: TTXVN |
Ba mươi năm, hoặc rộng hơn, nửa đầu thế kỷ 20 là thế. Cái hiện tượng mà xét theo các nguyên nhân xã hội và xu thế thời đại, tôi hy vọng, hơn thế-còn là kỳ vọng rồi sẽ diễn ra vào nửa đầu thế kỷ 21 (đã đi hết hai thập niên mở đầu rồi), tất nhiên là không lặp lại mô hình cũ, và không đột ngột. Bởi nếu soi xét kỹ thì cũng đã thấy có ít nhiều chuẩn bị tiềm tàng, cho ta hy vọng; nói tiềm tàng để có dư vị lạc quan; nhưng sự thật thì có lẽ còn cần nhiều hơn thế và rõ nét hơn thế...
Trở lại với niềm băn khoăn lớn như được trình bày ở trên, đó là sức vóc, bản lĩnh, tài năng của một thế hệ mới từ tuổi ngoài 20 đến trên dưới 40-tất cả đều được sinh ra sau năm 1975, là lứa tuổi từng làm nên những chuyển động quyết định trong đời sống văn học Việt Nam thế kỷ 20. Một thế hệ không những là tiếp tục mà còn là phải vượt lên để thay thế-do thời đại đòi hỏi thế, để đón được những chuyển động khó mà hình dung hết được trước kỷ nguyên thông tin và hội nhập quốc tế. Theo Friedman trong sách "Thế giới phẳng", khi B.Clinton vào Nhà Trắng năm 1992 thì hầu như chưa ai ngoài chính phủ và giới học giả có địa chỉ email, và đến năm 1998 thì internet và thương mại điện tử mới cất cánh...
Nhìn vào cuộc chạy đuổi này ở Việt Nam ta, sau hơn 40 năm chiến tranh và sau cái đói của thời bao cấp trĩu nặng những năm 80 và đầu những năm 90 của thế kỷ trước, trong tương ứng với các thời điểm trên của nhân loại thì mới thấy bước đi của lịch sử ở ta là kỳ diệu và thần tốc đến thế nào! Nếu đời sống là thế thì văn chương, nghệ thuật, học thuật cũng không thể khác. Phải một thế hệ trẻ, hoặc rất trẻ, vừa là sản phẩm của hoàn cảnh, lại vừa là chủ thể của hoàn cảnh, với bản lĩnh cá nhân và sức mạnh của đội ngũ, mới mong đưa đời sống văn học vào một bước ngoặt mang tính cách mạng, như đã từng diễn ra ở nửa đầu thế kỷ 20 và đang tiếp tục được đón đợi, với quy mô và tầm vóc chắc chắn là còn lớn hơn gấp nhiều lần vào nửa đầu thế kỷ 21...
Tháng 4-2022
PGS, TS TRẦN THANH VÂN