Đầu năm 1972, đơn vị tôi-Đại đội Trinh sát 20, Trung đoàn 88, Sư đoàn 308 lần thứ ba có mặt trên đất Quảng Trị. Khi chúng tôi vào tới nơi thì Cam Lộ đã được giải phóng. Sau đó lần lượt tới Cồn Tiên, Dốc Miếu, Gio Linh, địch cũng không thể giữ được, phải rút chạy. Thời gian này, do có thành tích xuất sắc trong các trận đánh ở Ái Tử, Đông Hà, tôi được kết nạp Đảng và đề bạt giữ chức Trung đội trưởng Trung đội 2.

Một hôm, Đại đội tôi được lệnh của cấp trên: Địch mới cho một lực lượng từ phía Nam ra, chốt chặn quân ta theo đường số 1 tiến vào cầu bắc qua sông Mỹ Chánh. Đơn vị cử một tổ đến bám địch, điều tra nắm chắc số lượng, vũ khí, trang bị và hoạt động của chúng, báo cáo về sở chỉ huy để lãnh đạo có phương án đánh địch. Tổ công tác đặc biệt được thành lập gồm: Đồng chí Hoàng Văn Lượng (người dân tộc Tày, quê ở Lạng Sơn)-Đại đội phó-làm tổ trưởng; tôi-Trung đội trưởng-làm tổ phó; đồng chí Ênh (quê ở Thanh Hóa)-liên lạc Đại đội-tổ viên; hai đồng chí thông tin cùng một số anh em trinh sát. Chúng tôi chuẩn bị mọi vũ khí, đồ dùng cần thiết, lương thực đủ ăn 15 ngày, ngay sáng hôm sau lên đường.

leftcenterrightdel

Tác giả, cựu chiến binh Nguyễn Đức Xuyên. Ảnh: ĐỨC VŨ 

Buổi sáng hôm chúng tôi đi khá đẹp trời. Chúng tôi từng người vượt qua đường số 1 an toàn sang phía Đông, rồi vượt qua đầm lầy đến con sông nhỏ. Chúng tôi phát hiện, giữa đường số 1 và con sông này là một gò đất nổi, địch đã căng bạt làm lán chốt ở đó. Đêm ấy, chúng tôi đào hầm, ngụy trang cẩn thận và thống nhất công việc cho những ngày sau. Anh Lượng viết báo cáo, cho thông tin điện về đơn vị...

Đã hơn 10 ngày trôi qua, chúng tôi theo dõi hoạt động của địch và đều đặn báo cáo về Trung đoàn. Địch có khoảng một đại đội đóng quân cố định, ít di chuyển. Thỉnh thoảng thấy ô tô, thiết giáp từ đường số 1 vào rồi lại ra, mang theo cả hàng hóa, có khi chở người. Trung đoàn lệnh cho chúng tôi tiếp tục bám địch. Một tình huống bất ngờ xảy ra: Chiều ngày thứ 12, máy bộ đàm bị hỏng. Hai đồng chí thông tin sửa mãi không được. Chúng tôi lo âu, căng thẳng vì gạo đã sắp hết, địch vẫn còn đấy, mất liên lạc sẽ không biết xử lý thế nào. Ngày thứ 13, 14 rồi 15 qua đi, gạo không còn, cũng là lúc hoàn thành thời gian thực hiện nhiệm vụ theo kế hoạch trên giao nên anh Lượng quyết định thu quân về. 

Đêm đó, chúng tôi lặng lẽ theo hướng đã vào, trở ra đường số 1. Trời sáng hẳn thì chúng tôi tới những quả đồi gần nhất. Từ đây lại theo đường mòn nửa tháng trước đã đi, chúng tôi ngược trở về phía đơn vị. Tôi đi đầu, Ênh đi tiếp sau, đến anh Lượng, rồi thông tin, cuối cùng là những anh em trinh sát. Chúng tôi hành quân theo tư thế tự do, thoải mái. Súng thì người đeo, người vác. Tôi cũng vác khẩu AK đã gập báng lại.

Qua mấy quả đồi thấp, tới một yên ngựa men theo quanh quả đồi tiếp theo có rừng cây xanh tốt dưới chân, chúng tôi gặp một hậu cứ của quân ta. Bộ đội có dấu hiệu mới chuyển đi vì nhiều hầm chữ A còn màu đất mới đào. Chúng tôi háo hức đi lại lục lọi, tìm kiếm. Tôi lấy được 3 chiếc ăng-gô cho vào chiếc ba lô trống rỗng trên lưng. Anh Lượng tìm được một cái xẻng, Ênh nhặt chiếc bình tông còn mới... Sau đó, tôi theo đường mòn đi tiếp. Tôi đi theo con đường mòn tiến dần lên đỉnh đồi, càng lên cao, cây cối càng thưa và thấp. Tôi cứ thủng thẳng vác súng đi. Đỉnh đồi đã nằm gọn trong tầm mắt. Lạ chưa, giữa đỉnh đồi trọc không cây cối, 3 cái đầu đang chụm vào nhau nói chuyện rì rầm. Họ đang dùng thìa quấy vào đáy phụ bình tông phát ra tiếng kêu leng keng.

"Bộ binh mình lên chốt ở đây bao giờ thế nhỉ? Hôm đi đã có ai đâu?", vừa đắn đo tôi vừa căng mắt nhìn kỹ hơn và tóc gáy như dựng lên. Ba bộ rằn ri để tôi hiểu rằng chúng là địch chứ không phải bộ đội ta. Và cái nắp đáy bình tông màu trắng muốt kia là của Mỹ trang bị cho ngụy quân chứ đâu phải cái màu xanh đen bình tông nhôm mà quân ta vẫn dùng!

leftcenterrightdel

Cựu chiến binh Nguyễn Đức Xuyên (ngoài cùng, bên trái) và đồng đội từng công tác tại Đại đội Trinh sát 20, Trung đoàn 88, Sư đoàn 308. Ảnh chụp lại    

Tôi cúi người xuống rồi khẽ lùi mấy bước, nhằm hướng Tây Bắc, chếch hướng anh em đang ở phía sau, tôi chạy chéo xuống chân đồi. 3 chiếc ăng-gô vô tình như 3 cái kẻng phát ra tiếng lọc cọc báo động cho lũ lính ngụy kia. Tôi nghe tiếng chúng quát: "Việt Cộng!", rồi tiếp sau là những tràng AR15 và cối cá nhân nổ giòn giã.

Bản năng sinh tồn khiến tôi chạy thật nhanh, ngoằn ngoèo lao xuống chân đồi. Thật may, càng xuống thấp, cây càng rậm rạp và cao đã che chắn cho tôi, để chúng không bắn trúng được. Khi đã chạy khá xa, sang hẳn vệ đồi bên kia, tôi gặp ngay một căn hầm chữ A chắc chắn, rúc luôn vào đấy, ngồi tựa vào vách, thở lấy sức. Cũng lúc ấy pháo địch bắn tới, chúng đã hợp đồng trước với nhau nên gọi nhanh và câu pháo đến cũng thật nhanh. Song, chúng lại bắn vào đường mòn đoạn chúng tôi đã đi qua, thành ra cách căn hầm tôi ngồi khá xa.

Mấy phút sau tiếng pháo dừng. Ngồi thêm 10 phút nữa, biết chắc địch không còn bắn, tôi chui ra khỏi hầm, lấy la bàn, bản đồ tìm tọa độ hậu cứ, cắt góc phương vị, qua đồi, qua suối, băng rừng lần về đơn vị. Từ đêm qua chưa có gì vào bụng, lại trèo đèo, lội suối, cắt rừng khiến tôi càng đi càng rã rời, bải hoải. Cũng chẳng còn cách nào khác ngoài ý chí mình phải tự cứu mình.

Vất vả, chậm chạp tưởng kiệt sức, cuối cùng chiều hôm ấy, tôi cũng về tới Đại đội. Không thể diễn tả hết cảm xúc của tôi khi nhận ra hậu cứ của đơn vị mình đã hiện ra trước mắt sau mấy tiếng đồng hồ một mình với rừng xanh. Đơn vị bây giờ, đồng đội bây giờ sao thân thương, sao mà máu thịt đến thế!

Người nhìn thấy tôi đầu tiên là Ênh. Cậu sững sờ, rồi chạy bổ lại ôm chầm lấy tôi, kêu to: "Ối anh Xuyên! Chúng em tưởng anh đã hy sinh vì thấy tiếng súng địch bắn trên đỉnh đồi. Anh Lượng ơi, anh Xuyên về đây này!"...

Anh Lượng đang nằm trên võng vội nhảy xuống, lao ra chỗ tôi, nhìn chằm chằm vào tôi một lúc lâu. Sau phút ngỡ ngàng, anh cười giòn: "Cậu còn sống à? Cậu đã cứu chúng tớ đấy. Khi nghe tiếng súng, tớ bảo anh em không khéo Xuyên gặp địch rồi. Thế là bọn tớ tìm hướng khác để đi, cứ cắt góc phương vị mà đi trong rừng".

Lúc này, một số anh em ở gần, thấy tôi về đều chạy lại, nhìn tôi như nhìn một người xa lạ từ cõi khác trở về. Ênh sốt sắng chạy vào chỗ đầu võng của mình bê ra một đĩa đầy thịt rang, soong cơm, canh là phần anh em để dành, chờ tôi về. Tôi vô cùng xúc động, ngồi ăn giữa những con mắt trìu mến, thân thương của đồng chí, đồng đội...

Tháng 8-1972, do bị sốt rét nặng, tôi được chuyển ra hậu cứ trước khi có lệnh rút quân khỏi Thành cổ Quảng Trị. Tôi sốt mê man, hoàn toàn không biết mình được chuyển ra như thế nào. Vậy mà từ đó đến nay, 52 năm đã trôi qua... Anh Lượng ơi, Ênh ơi, hai người còn giữ những chiếc ăng-gô mình tặng nhau trong lần thoát chết ấy không? Nếu còn, chắc hẳn mọi người sẽ còn nhớ đến Xuyên, nhớ tới một kỷ niệm không thể nào quên!

NGUYỄN ĐỨC XUYÊN