Sau ngày giải phóng miền Nam, trong khoang hành khách trên chuyến bay Hà Nội-Sài Gòn, các cô tiếp viên hàng không chứng kiến một hiện tượng lạ: Có ông khách gần 70 tuổi kê mẩu gỗ ngồi xuống sàn, giương cặp kính cận dày cộp chăm chú đọc một cuốn sách tiếng Anh vừa dày vừa cũ. Hỏi ông, ông giải thích rằng ông phải “nhường ghế” cho cái chậu nhôm đựng hành lý của ông, vì trong đó có bộ ấm chén pha trà và đồ thủy tinh rất dễ vỡ...

Chiếc Boeing hôm đó cũng già nua, bay rất xóc, chẳng kém gì chậu hành lý đựng cốc chén của vị khách lạ. Tìm hiểu rồi hội ý một lát, cơ trưởng chuyến bay đi đến một quyết định ngoại lệ: Để nguyên cho ông khách ngồi sàn, đọc sách. Tất cả không quấy rầy ông, vì ông là GS Lê Đình Kỵ, sau 20 năm tập kết ra Bắc, nay mới được trở về quê hương miền Nam yêu dấu.

Ngay từ trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, chàng trai Lê Đình Kỵ đã nổi tiếng như một trai tài xứ Quảng. Ông đỗ điểm cao nhất lấy bằng tú tài 2 của trường Pétrus Ký, được nhận phần thưởng đặc biệt là một cuốn từ điển mà Nam Phương Hoàng hậu đã trìu mến trao tay. Chưa kịp nhập học đại học, ông bị cuốn vào cơn lốc của các phong trào đấu tranh yêu nước ở địa phương. Ông tham gia giành chính quyền trong những ngày Cách mạng Tháng Tám, ngay sau đó bước vào đội ngũ những người cầm súng kháng chiến. Khi đã kinh qua nhiều trận đánh, trở thành một sĩ quan chỉ huy với chức vụ phó tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn quân báo, ông không may bị thương, lại gặp tai nạn, không đủ sức khỏe phục vụ lâu dài trong Quân đội, ông buộc phải để vợ ở lại, đưa hai con ra Bắc trước, dự tính hai năm sau sẽ đưa con trở về đoàn tụ gia đình. Nhưng, cũng giống như những cán bộ, bộ đội miền Nam tập kết ra Bắc, ông không thể ngờ thời gian chờ đợi đoàn viên ấy lại kéo dài tới tận 20 năm đằng đẵng.

Trên đất Bắc, người chỉ huy quân báo tài năng buộc phải chuyển sang nghề dạy học. Ông có thể dạy tất cả các môn học, nhưng vì yêu thích văn chương, ông quyết định chọn công việc nghiên cứu và phê bình văn học làm nghề lập nghiệp cho mình. Năm 1958, sau hai năm thành lập, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội mời ông về giảng dạy và xây dựng bộ môn Lý luận văn học cho Khoa Ngữ văn. Bằng phương pháp tự học rất thông minh, thực tế, ông am hiểu và sử dụng thuần thục 4 ngoại ngữ chính: Anh, Pháp, Nga, Trung. Nhờ khả năng cập nhật nhanh chóng các thành quả nghiên cứu khoa học nước ngoài, ông trở thành tác giả của những cuốn giáo trình đại học hiện đại nhất, đồng thời cũng là một trong những nhà phê bình văn học tinh tế, đáng tin cậy nhất trong Hội Nhà văn Việt Nam. Mỗi bài báo, mỗi cuốn sách và các công trình nghiên cứu phê bình của ông đều để lại những dấu ấn đặc biệt, có những cuốn gây tranh luận trong giới khoa học.

leftcenterrightdel

 Giáo sư, Nhà giáo Nhân dân Lê Đình Kỵ (bên phải) và học trò.  Ảnh tư liệu 

     

Là một cựu chiến binh đang phải sống với nỗi đau chờ đợi, từng ngày mong ngóng tin tức người vợ ở quê và các trận đánh nơi tiền tuyến, ông lặng lẽ bắt tay vào nghiên cứu các công trình. Và không phụ sự khiêm nhường, cẩn trọng khoa học của ông, những vấn đề khoa học mà ông đưa ra “gây chiến”, sau một thời gian đã trở thành những phát hiện có tính đi trước, đón đầu thời đại, giúp giới nghiên cứu và kể cả các nhà văn-giới sáng tác, rút ngắn lối đi vòng. Những vấn đề về tính giai cấp, về bản chất nhân văn của nghệ thuật (qua giáo trình “Các phương pháp nghệ thuật” (1962), về chủ nghĩa hiện thực trong "Truyện Kiều" của Nguyễn Du và văn học trung đại Việt Nam (trong công trình “Truyện Kiều và chủ nghĩa hiện thực của Nguyễn Du” (in lần thứ nhất năm 1970) bước qua thời văn học kháng chiến chống Mỹ, đã được minh bạch hóa, có ý nghĩa như những khám phá lý thuyết và thực tiễn lịch sử văn học của GS Lê Đình Kỵ.

Cuối thập niên 1960, sức khỏe GS Lê Đình Kỵ đột nhiên suy sụp. Truy hỏi mãi, ông mới tiết lộ: Người vợ yêu thương của ông ở quê không còn nữa. Tham gia hoạt động như một nữ chiến sĩ quân báo, bà bị bắt và hy sinh trong tù. Trước nỗi đau mất mát, ông vẫn cố gượng dậy, lao vào nghiên cứu, giải thoát mình bằng những niềm vui trong giảng dạy và nghiên cứu. Bước vào tuổi 50, trong hoàn cảnh "gà trống nuôi con", ông cũng không chống lại được mệnh trời đã định: Một cô học trò nhỏ đã “đem lòng thương thầy”. Chị là Ngô Kim Long-một học sinh đất mũi Cà Mau, năm 1955 cũng được tập kết ra Bắc, là sinh viên lớp thầy Kỵ chủ nhiệm, kém thầy chủ nhiệm gần 30 tuổi. Mặc dù ông đã nhiều lần chạy trốn, thậm chí cảnh báo: “Chắc chắn rồi anh sẽ chết trước em. Em không thể hình dung được nỗi khổ của người phụ nữ trẻ góa chồng, rồi nuôi con nhỏ. Mà nếu em đi bước nữa, anh lo, chắc gì em đã tìm được một người yêu như ông chồng quá cố đã yêu em!”. Song, những lời can ngăn của ông lại có tác dụng ngược, như “lửa được đổ thêm dầu”. Ngày 4-2-1972, người con gái đất mũi kéo ông thầy xứ Quảng ra ủy ban ký giấy đăng ký kết hôn. Sau một tiệc trà có đủ bánh kẹo, thầy trò tập kết đã nên vợ nên chồng.

GS Lê Đình Kỵ có tố chất của nhà khoa học nhiều hơn nhà sư phạm. Là một nhà nghiên cứu và phê bình văn học rất uyên bác, tinh tế, nhưng trong sinh hoạt đời thường, ông nổi tiếng là người giản dị, thậm chí luộm thuộm. Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội đến nay vẫn còn hàng kho chuyện giai thoại về thầy Kỵ: Thầy đi Đức công tác, lúc về va ly chỉ có mấy chục quyển sách và 10 chiếc nan hoa. Căn phòng của thầy đã trở thành chỗ ngủ lại của những nam sinh viên yêu thơ và được thầy quý mến ngày xưa. Tất nhiên, ngủ một đêm trong phòng thầy cũng là một thử thách lớn về khả năng chịu đựng vì sách vở, tài liệu của thầy nhiều quá, phải chất đống lên giường, ngủ không duỗi được chân...

Các công trình nghiên cứu của thầy Kỵ hấp dẫn, làm say người đọc bao nhiêu thì những giờ giảng của thầy dường như “tẻ nhạt” bấy nhiêu. Nhiều học trò đã bình luận như thế. Tuy vậy, chỉ đến khi nghe thầy giảng một, hai tiết, những sinh viên giỏi mới hiểu quan niệm lên lớp của thầy. “Tôi chỉ nói những điều chưa kịp viết hoặc đang nghĩ sắp ra. Tôi đã viết ra rồi thì không nói nữa, các anh chị phải vào thư viện mà mượn đọc. Học lên đại học rồi mà chỉ thích ngồi nghe bình văn, thưởng thức là lối học thụ động, lười nhác. Tôi giảng theo lối nêu luận điểm, nêu vấn đề, các anh chị phải tư duy, nghĩ tiếp cùng tôi chứ”.

Cũng vẫn trong quan niệm giảng dạy đó, thầy Kỵ còn có một kiểu ra đề thi và chấm bài độc đáo. Độc đáo ở chỗ, đề thi rất khó, như một thứ bẫy học thuật, đòi hỏi sinh viên phải giải mã và phải viết ngắn gọn theo yêu cầu như quân lệnh của thầy: “Bài viết quá 3 trang, không chấm!”. Theo thầy, bài thi là một hình thức thử thách trí tuệ, xác định trí thông minh. Bài thi như một bài toán giải phương trình, quan trọng là đáp số, là những khái quát hóa lý thuyết, nên chỉ viết 3 trang là đủ, không để thầy và trò mất thời gian vì phải đọc, viết những điều văn vẻ, dông dài. Từ triết lý giảng dạy đó, GS Lê Đình Kỵ đã góp phần đào tạo một thế hệ cán bộ khoa học và giảng viên đại học tài năng cho nhiều trường đại học, viện nghiên cứu văn hóa khắp mọi miền đất nước.

leftcenterrightdel

Bìa cuốn sách "Truyện Kiều và chủ nghĩa hiện thực của Nguyễn Du" của Giáo sư, Nhà giáo Nhân dân Lê Đình Kỵ.

 

Là một người nghiêm khắc trong nghiên cứu, giảng dạy nhưng thầy Kỵ cũng là một người vị tha, nhân hậu. Cô “học trò nhỏ” sau khi thành vợ thầy đã thừa nhận rằng, từ sau ngày cưới, chị trở thành người biết sống và làm việc tốt dần lên vì được “ông chồng thầy” tiếp tục giáo dục. Thầy luôn nhắc nhở vợ không nên nghĩ và tìm cái xấu, cái dở trong mỗi con người. Nếu nghĩ tốt về người khác, cuộc sống của mình sẽ thảnh thơi và đẹp đẽ hơn...

Sau ngày đất nước thống nhất, được Trường Đại học Tổng hợp TP Hồ Chí Minh và Trường Đại học Cần Thơ mời về giảng dạy, vợ chồng nhà giáo Lê Đình Kỵ-Ngô Kim Long đã coi đó như một cơ hội cho mình trả món nợ lòng với miền Nam quê mẹ. Một trong những tâm huyết nhất của vợ chồng thầy những năm mới trở về miền Nam là phải sống sao cho thật gương mẫu, như những tấm gương của người trí thức cách mạng miền Nam trưởng thành trên đất Bắc. Trước những khó khăn, phức tạp của đời sống xã hội miền Nam sau giải phóng, GS Lê Đình Kỵ luôn đi đầu trong các hoạt động văn hóa, khoa học nhằm ngăn chặn xu hướng bỏ học và di tản của sinh viên. Vì thế, nhiều giảng viên đại học lưu dung từ chế độ Việt Nam cộng hòa đã không di tản mà hòa nhập với chế độ mới bởi được trực tiếp nghe giảng và tiếp xúc với các công trình nghiên cứu của ông “giáo sư cộng sản” tập kết về quê.

GS Lê Đình Kỵ là một trong số ít nhà giáo được tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật đợt 1, năm 2001. Năm 2009, thầy thanh thản ra đi sau khi đã cống hiến trọn vẹn cuộc đời mình cho khoa học, cho các thế hệ học trò... Thầy đã để lại cho đời 20 cuốn giáo trình cùng các công trình nghiên cứu và hàng trăm bài báo khoa học giá trị.

Hiện nay, tại Thành phố Đà Nẵng có con phố mang tên ông. Có thể người dân địa phương không phải ai cũng biết người lưu danh cho con phố đó, nhưng đời sống văn hóa và giáo dục Việt Nam sẽ mãi mãi vang danh GS, NGND Lê Đình Kỵ. 

PGS, TS PHẠM THÀNH HƯNG