Ngày ấy cả nước đang có chiến tranh. Miền Nam chiến trận diễn ra khắp nơi, miền Bắc cũng đang bị máy bay Mỹ ngày đêm ném bom tàn phá. Thanh niên cả nước hừng hực khí thế lên đường vào Nam chiến đấu. Từ các trường đại học, cao đẳng cho đến các trường cấp 3, thanh niên nô nức đi khám tuyển sức khỏe để được tòng quân. Sinh viên các trường ở khu vực Hà Nội đã ra trận trước, đang trong những ngày chiến đấu ác liệt ở Thành cổ Quảng Trị. Các trường đại học ở khu vực Bắc Thái (nay là tỉnh Thái Nguyên) cũng xếp bút nghiên lên đường. Gần 500 chàng trai là sinh viên, mấy chục thầy giáo của các trường đại học cơ điện, đại học y khoa, đại học sư phạm và cao đẳng cơ điện cùng một số ít là cán bộ, công nhân Khu gang thép Thái Nguyên, Nhà máy giấy Hoàng Văn Thụ... đã được biên chế trong Tiểu đoàn 76 (d76) huấn luyện thuộc Sư đoàn 304B, Quân khu 1.

Tiểu đoàn đóng quân ở huyện Phú Bình, tỉnh Bắc Thái (nay thuộc tỉnh Thái Nguyên). Sau 4 tháng huấn luyện kỹ thuật, chiến thuật chiến đấu bộ binh, rèn luyện sức khỏe, rèn khả năng mang vác nặng vượt núi đèo, sông suối cùng các kỹ năng hành quân, sinh tồn trong rừng nhiệt đới tại quân trường Phú Bình và được học tập chính trị hun đúc ý chí vượt Trường Sơn vào Nam đánh giặc, cả tiểu đoàn đã lên đường với phiên hiệu mới là Đoàn 3002. Đêm 15-1-1973, cả đoàn lên tàu ở ga Lương Sơn xuống đến ga Yên Viên thì hành quân bộ xuyên đêm, qua cầu Đuống rồi cầu phao vượt sông Hồng đến ga Hàng Cỏ. Lên tàu vào Thanh Hóa rồi cả đoàn lại chuyển sang đi ô tô đến Quảng Trạch, đi tiếp ca nô lúc nửa đêm vào Cự Nẫm (Quảng Bình).

Ngày 26 tháng Chạp năm 1973, đoàn bắt đầu hành trình đi bộ xẻ dọc Trường Sơn ngút ngàn mây gió và được nghỉ một ngày ăn Tết ở Binh trạm 5 trên đỉnh Trường Sơn, cái Tết đầu tiên xa miền Bắc. Đây là binh trạm lớn, cùng lúc có nhiều đoàn vào và có những tốp thương binh ra. Bộ đội tranh thủ tìm đồng hương, hỏi thăm tin tức, chúc nhau may mắn. Hiệp định Paris được ký kết, cả đoàn đang hành quân trên dãy Trường Sơn hùng vĩ và được nghe tin qua radio cùng những lời phổ biến của cán bộ. Đơn vị vẫn khí thế lên đường bên đất bạn phía Tây Trường Sơn. Gian khổ là thế mà các chàng lính sinh viên d76 vẫn lãng mạn, yêu đời. Cán bộ chính trị và chỉ huy các tiểu đoàn, đại đội ban đầu có ý ngại đám lính có chữ này, nhưng qua những ngày cùng hành quân, các bác đã tìm ra sự thú vị và phát huy khả năng riêng của họ. Các chi đoàn thanh niên phát động thi đua văn nghệ, làm báo tường, sáng tác “Thơ trên đường hành quân” mỗi khi được nghỉ ngơi. Có anh đã viết như sau: “Đã hai tháng núi với rừng/ Đã bao khe suối bao từng mây cao/ Mặt người in dấu gian lao/ Nụ cười đánh thức xôn xao rừng già/ Ngày leo dốc đêm thơ ca/ Lá thư bạn gái giở ra gấp vào”...

Sự sáng tạo độc đáo của lính sinh viên d76 cũng đã cho ra đời tờ báo "xoay". Vì có ít giấy mang theo tính để dành nên bộ đội ta dùng cây lồ ô cắt thành từng đoạn, bóc cật còn lại lớp ruột màng trắng như giấy. Thế là lính ta viết thơ, bích họa lên giấy lồ ô. Khổ nỗi, khi viết hay vẽ thì tác giả cứ phải xoay quanh tờ giấy dạng ống. Đặc biệt, anh em còn ghi dấu ấn và nhớ mãi “cây đại học” ở Trường Sơn. Chẳng là trên đường hành quân, gần chỗ nghỉ chân, thấy một cây cổ thụ có dòng chữ ai đó đã khắc trên thân cây: “Nguyễn Văn T, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội”. Thế là mấy chàng lính sinh viên d76 không chịu lép vế, hứng chí công kênh nhau lên dùng dao găm khắc tiếp: “Đỗ Trọng H, năm 3 đại học cơ điện T.N; Trần Đình X, năm 4 đại học y khoa T.N”... Không biết “Cây đại học” này còn được ghi bao nhiêu tên những chiến sĩ vượt Trường Sơn qua đây và có còn đến bây giờ?

leftcenterrightdel

Các cựu lính sinh viên d76 thăm lại nơi đóng quân huấn luyện ở Thái Nguyên trước khi vào chiến trường nhân kỷ niệm 50 năm ngày nhập ngũ (1972-2022).  Ảnh: NGUYỄN NHÂN 

Hơn 3 tháng ròng rã lội suối trèo non với bao kỷ niệm đáng nhớ, có cả vui buồn và xương máu đồng đội để lại, rồi đơn vị cũng vào tới ngã ba Đông Dương. Đoàn 3002 được bàn giao cho Sư đoàn 320A chủ lực ở Tây Nguyên. Nhưng mấy tháng đầu chủ yếu đứng chân trên đất bạn ở tỉnh Stung Treng (Campuchia) với nhiệm vụ đào mót sắn, thái sắn chuyển về cho các đơn vị đang chiến đấu ở Kon Tum, Gia Lai. Nửa cuối năm 1973, cả đoàn cũng toại nguyện được về bổ sung cho hai trung đoàn 48 và 64 trong đội hình Sư đoàn 320A tham gia chiến đấu bám dân giữ đất sau Hiệp định Paris.

Hồi đó, cả Mặt trận B3 khó khăn, thiếu đói và bị sốt rét rừng hành hạ; khẩu phần ăn xuống 3 lạng rồi còn 1 lạng gạo/ngày. Bộ đội chủ yếu ăn sắn và tự tìm măng, môn thục, kim cang để sống và chiến đấu. Cũng trong bối cảnh ấy đã nảy sinh bao câu chuyện không thể nào quên. Nhưng chuyện vui nhất, ngộ nghĩnh nhất và cũng thể hiện sáng kiến vĩ đại của lính sinh viên phải là chuyện đổi gà nấu cháo. Chịu đói triền miên, sốt rét hành hạ, nhiều người đuối sức lịm đi, có người tỉnh dậy phều phào chỉ thèm bát cháo gà để có chết không phải làm ma đói. Mấy anh đã nghĩ ra cách làm xu-chiêng đổi thực phẩm của dân để mong cứu bạn. Chị em dân tộc ở Tây Nguyên có tập quán hàng nghìn năm thả ngực trần nay cũng thích làm đẹp, che chắn cho tân kỳ. Nhưng nguyên liệu vải may không dễ kiếm. Thế là túi mìn Claymore cùng với diềm màn, quai mũ cũ được huy động. Bàn tay con trai chưa quen cầm kim chỉ thế mà loay hoay rồi cũng tạo ra sản phẩm độc, đẹp nhất vùng. Ngay sau đó là khâu tiếp thị. Các anh tìm vào với bà con vốn yêu quý Bộ đội Cụ Hồ, họ thật thà hồn nhiên: “Cái này to tao đổi con gà hết lớn; cái kia nhỏ tao chỉ đổi gà bé bằng con quạ thôi... Mấy chàng mừng quýnh, cầm gà chạy xuyên rừng về nấu cháo cứu đói, mừng sáng kiến thành công.

Sau nhiều trận đánh liên miên ở những địa danh đáng nhớ như: Làng Dịt, làng Siêu, đồn Tầm hay Chư Nghé, Chư Bồ, Đức Cơ..., đến đầu năm 1975, lính sinh viên d76 bấy giờ thuộc Sư đoàn 320 được tham gia chiến dịch lớn giải phóng Tây Nguyên. Ban đầu là nhiệm vụ nghi binh chiến lược, cứ theo mệnh lệnh cấp trên: Hành quân chiếm lĩnh, đi không dấu, nấu không khói, tuyệt đối giữ bí mật, thấy địch không được đánh... Nhưng vinh dự cho anh em là được đánh Cẩm Ga, Thuần Mẫn... cắt Đường 14 mở đầu chiến dịch, phối hợp ghìm chân những đơn vị chủ lực Quân đoàn 2 địch ở Bắc Tây Nguyên, tạo điều kiện cho đơn vị bạn tấn công đột phá, giải phóng Buôn Ma Thuột. Ngay sau đó là những ngày truy kích, đánh chặn địch tháo chạy khỏi Tây Nguyên trên Đường 7, Cheo Reo, Củng Sơn rồi tiến xuống giải phóng Phú Yên. Không chỉ đánh địch giỏi mà bộ đội ta đã làm nhiều việc nghĩa như nhường suất ăn, nước uống cho dân, băng bó cứu người bị thương, chăm nuôi trẻ em thất lạc gia đình. Hơn thế nữa, mấy anh còn làm bà đỡ bất đắc dĩ cho những sản phụ trở dạ trong cơn hoảng loạn, giúp họ "mẹ tròn con vuông".

“Thần tốc, thần tốc”... những chàng lính sinh viên vinh dự được trong đội hình Quân đoàn 3 là cánh quân từ hướng Tây Bắc vào giải phóng Sài Gòn. Từ núi rừng tiến nhanh về thành phố với bao sự ngỡ ngàng thơ ngây, có nhiều chuyện cười ra nước mắt. Nhưng không thể nào quên những trận đánh sáng 29-4-1975 trước cửa ngõ Sài Gòn. Trung đoàn 48 là mũi chủ công đập tan căn cứ Đồng Dù, Trung đoàn 64 tiến đánh Cầu Bông, Cầu Sáng... Trưa 30-4, một mũi thọc sâu đã vào phía Tây gần dinh Độc Lập, vừa lúc nghe Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng. Lướt qua cứ như phim hành động chỉ có hào quang của chiến công. Nhưng cũng có nhiều đồng đội của d76 năm xưa đã không may ngã xuống, nằm lại nơi rừng sâu hay dọc đường truy kích địch. Có bạn sắp vào đến nội thành mà hy sinh ngay Củ Chi, Ấp Chợ... Đau xót lắm chứ, bởi các anh đều mong ngày giải phóng để về đi học tiếp. Tháng 8-1975, nhiều lính sinh viên của Sư đoàn 320 được ra Bắc học tiếp ở các trường rồi thành kỹ sư, bác sĩ hay thầy giáo góp sức vào quá trình dựng xây đất nước. Cũng có người tiếp đường quân ngũ, tham gia hàng chục trận đánh trong cuộc chiến bảo vệ biên giới Tây Nam, làm nhiệm vụ quốc tế ở Campuchia rồi ra chiến tuyến phía Bắc. Số phận mỗi người rất khác nhau, nhưng điểm chung ở các anh là nghĩa tình sâu sắc và có chút lãng mạn hào hoa của thời trai trẻ. Khi nghỉ chân trên đỉnh Trường Sơn, chàng sinh viên đại học cơ điện Thái Nguyên Nguyễn Trọng Luân đã cảm tác: “Đỉnh đèo trời hóa mông mênh/ Chùm phong lan hóa hương lành trong mây/ Hành quân chiến dịch qua đây/ Giải lao mươi phút cũng say thuốc lào/ Thấy rừng cây đổ lao đao/ Chuỗi cười đồng đội bay vào trời xanh”...

Mùa thu này, Ban liên lạc chủ trì tổ chức gặp mặt đồng đội d76 sau 50 năm nhập ngũ tại Thái Nguyên. Số người dự ít dần, mái đầu bạc nhiều hơn, nhưng họ vẫn gọi mày-tao hay nhắc tới thằng này, thằng nọ và có những người bạn đã mãi mãi không còn về gặp mặt... Mỗi câu chuyện, hồi ức người lính sinh viên luôn sâu đậm nghĩa tình. Họ lại bàn chuyện đi thắp hương đồng đội, vào Tây Nguyên, Củ Chi khám, chữa bệnh tri ân đồng bào, nếu có điều kiện sang nước bạn thăm lại Phum Sâm hay bến vượt sông Mê Công sang Công Pông Chàm...

NGUYỄN NHÂN TỎ