Sau chiến thắng Tây Nguyên và giải phóng các tỉnh miền Trung, tháng 4-1975, các binh đoàn chủ lực của ta tiến công Sài Gòn, dinh lũy cuối cùng của chế độ ngụy quyền. Để phối hợp với các chiến trường, ngày 5-4-1975, Bộ tư lệnh Miền và Quân khu 9 giao nhiệm vụ cho Sư đoàn 4: "Sư đoàn được tăng cường Trung đoàn 101 (Bộ tư lệnh Miền tăng cường cho Quân khu 9) kết hợp hai tiểu đoàn của tỉnh Cần Thơ (Tây Đô 1 và 2) tiến công chỉ huy sở, kết hợp với mũi nổi dậy của quần chúng, tiêu diệt mục tiêu trước tiên là sân bay Trà Nóc và kho bom Bình Thủy. Phát triển tiêu diệt sân bay Lộ Tẻ (Phi trường 31), sau đó diệt sở chỉ huy Quân đoàn 4-Vùng 4 chiến thuật của ngụy quyền".

Thiếu tướng, Anh hùng LLVT nhân dân Lê Xã Hội, nguyên Phó tư lệnh, Tham mưu trưởng Quân khu 9, thời điểm đó là Phó trưởng phòng Tác chiến, Bộ Tham mưu, Quân khu 9, nhớ lại: "Cần Thơ là trung tâm kinh tế, chính trị và quân sự vùng Tây Nam Bộ, địch bố trí Vùng 4 chiến thuật cùng các căn cứ quân sự, hậu cần, kỹ thuật, sân bay, bến cảng... bảo đảm chỉ huy và tăng cường toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long; đồng thời, có thể chi viện cho Sài Gòn hoặc co cụm cố thủ nếu Sài Gòn thất thủ. Vì vậy, chúng tập trung phòng thủ 4 tuyến: Tuyến 1 (nội ô) khoảng 3.000 tên gồm 15 đại đội chủ lực và bảo an bố trí 40 chốt, 2 chi đội xe thiết giáp bánh hơi liên tục tuần tra. Tuyến 2 (ven đô) khoảng 2.800 tên, có 1 giang đoàn tàu, 1 chi đoàn xe thiết giáp M113 và 12 đại đội bộ binh. Tuyến 3 (lộ Vòng Cung) khoảng 3.500 tên gồm 4 trung đoàn chủ lực, 3 tiểu đoàn bảo an, 2 chi đoàn xe M113, 2 giang đoàn tàu. Tuyến 4 (ngoài lộ Vòng Cung) khoảng 1.200 tên gồm 2 tiểu đoàn chủ lực, 2 chi đoàn xe M113. Như vậy, tổng quân số địch phòng thủ tại Cần Thơ khoảng 10.500 tên, khi cần có thể huy động tăng cường 2 trung đoàn chủ lực khoảng 3.500 tên".

leftcenterrightdel

 Các cựu chiến binh Sư đoàn 4 gặp mặt. 

Trong khi đó, Sư đoàn 4 có Trung đoàn 2, Trung đoàn 10 và Trung đoàn 20 đều đã lập được nhiều thành tích xuất sắc trong chiến đấu, trang bị chủ yếu súng bộ binh và hỏa lực trợ chiến, quân số hao hụt qua quá trình chiến đấu chưa kịp bổ sung nên mỗi tiểu đoàn chỉ tương đương 1 đại đội. Quán triệt tốt nhiệm vụ được giao, Sư đoàn hạ quyết tâm phối hợp chặt chẽ với đơn vị bạn, LLVT địa phương và sự nổi dậy của quần chúng theo phương châm tác chiến công kích là chủ yếu, kết hợp "3 mũi giáp công". Đồng thời, tổ chức lực lượng nhỏ tinh nhuệ thọc sâu, ém sẵn, đánh trước hoặc cùng lúc từ trong đánh ra, từ ngoài đánh vào, vừa đánh vừa tiến.

Bước vào thực hiện nhiệm vụ, Trung đoàn 101 đang hoạt động ở Kiên Lương và Hà Tiên không về kịp, Sư đoàn 4 giao nhiệm vụ: "Trung đoàn 20 thọc sâu làm mũi tiến công chủ yếu đánh sân bay Trà Nóc; Trung đoàn 10 là mũi thứ yếu đánh chiếm kho bom Bình Thủy, phát triển đánh chiếm sân bay Lộ Tẻ; Trung đoàn 2 là dự bị cho Sư đoàn".

Đại tá Bùi Lưu, nguyên Tham mưu phó Sư đoàn 4 kể: "Từ ngày 8 đến 12-4, Đoàn 6 Pháo binh Quân khu 9 liên tục bắn phá uy hiếp sân bay Trà Nóc và sân bay Lộ Tẻ, tạo điều kiện cho các đơn vị của ta đột phá tuyến lộ Vòng Cung. Ngày 9-4, các đơn vị thuộc Sư đoàn 4 hành quân chiếm lĩnh vị trí được giao. Đêm 10-4, Trung đoàn 20 mở tung đoạn lộ Vòng Cung từ Đôi Ngãi đến Ba Xe, đẩy Trung đoàn 33 (Sư đoàn 21 ngụy) co cụm về bắc Ba Xe; Trung đoàn 10 mở đoạn lộ Rạch Nóp đẩy Tiểu đoàn 3 (Trung đoàn 32 ngụy) lùi về phía bắc lộ Vòng Cung; Trung đoàn 2 chiếm lĩnh từ Rạch Nóp đến Ba Xe. Để ngăn chặn hướng tiến công của ta, địch tổ chức lực lượng phản kích quyết liệt vào các trận địa của Sư đoàn 4 dọc tuyến lộ Vòng Cung".

leftcenterrightdel
 
Trung đoàn 10 đánh chiếm, làm chủ sân bay Lộ Tẻ, ngày 30-4-1975.  

Ngày 11-4, Bộ tư lệnh Miền chỉ đạo Bộ tư lệnh Quân khu 9 chờ phối hợp với các chiến trường, Sư đoàn 4 được lệnh tạm lui về phía sau củng cố, sẵn sàng tiến công khi có lệnh. Một tuần sau, Trung đoàn 101 hành quân về phối thuộc trong đội hình chiến đấu của Sư đoàn 4. Ngày 18-4, Bộ tư lệnh Miền gửi điện cho Bộ tư lệnh Quân khu 9 lệnh cho Sư đoàn 4 tiếp tục chuẩn bị tiến công giải phóng Cần Thơ. Đại tá Đặng Hữu Lộc, nguyên Chính trị viên Đại đội 10, Tiểu đoàn 6, Trung đoàn 20, cho biết: "Ngày 20-4, Sư đoàn giao nhiệm vụ cho các đơn vị có 5 ngày chuẩn bị chiến đấu giữa lúc gặp nhiều khó khăn do tổn thất lực lượng khi tiến vào lộ Vòng Cung và rút ra dưới sự đánh phá ác liệt của địch. Nhưng với ý chí quyết tâm trước trận đánh lịch sử; xác định tốt trách nhiệm của từng đơn vị, cá nhân; phát huy vai trò gương mẫu của cán bộ, đảng viên, tạo động lực để toàn Sư đoàn thực hiện nhiệm vụ giải phóng Cần Thơ".

Ngày 26-4, phối hợp với Chiến dịch Hồ Chí Minh, quân và dân ta đồng loạt tiến công địch ở Cần Thơ. Lúc này, trên tuyến lộ Vòng Cung, địch tăng cường bố trí 4 trung đoàn chủ lực, 1 trung đoàn bảo an và 2 thiết đoàn xe M113. Lực lượng địch đông nhưng tinh thần chiến đấu sa sút nghiêm trọng, tuy vậy, bọn chỉ huy vẫn hy vọng dựa vào ưu thế vũ khí, trang bị hòng tử thủ. Ban ngày, chúng dùng máy bay L19 trinh sát chỉ điểm cho máy bay phản lực ném bom, trực thăng phóng rốc-két kết hợp pháo binh bắn phá các vị trí nghi có lực lượng ta. Ban đêm, địch dùng máy bay C130 ở tầm cao bắn đạn 20mm, bên dưới trực thăng bay thấp rọi đèn pha phóng rốc-két, đại liên kết hợp pháo binh bắn các kênh, rạch hướng vào lộ Vòng Cung hòng ngăn chặn các mũi tiến công của bộ đội ta.

Thực hiện phương châm "vừa đánh vừa tiến", đêm 28-4, các đơn vị Sư đoàn 4 vừa đánh địch vừa bí mật tiếp cận, chiếm lĩnh phía nam lộ Vòng Cung. Hôm sau chúng lại tập trung các loại bom, pháo và xe M113 điên cuồng đánh phá các trận địa của ta hòng đánh bật lực lượng ra ngoài. Đại tá Nguyễn Hồng Thuấn, nguyên Trưởng phòng Tổ chức, Cục Chính trị, Quân khu 9 hồi tưởng: "Lúc bấy giờ tôi là chiến sĩ Tiểu đoàn 4, Trung đoàn 20. Phải nói là chiến đấu quyết liệt trên tuyến lộ này, có đại đội hy sinh và bị thương hai phần ba quân số nhưng cán bộ, chiến sĩ không nao núng, kiên cường giữ vững trận địa, tạo bàn đạp tiếp tục tiến công. Đêm 29-4, đơn vị tôi đột phá qua lộ Vòng Cung chiếm lĩnh hai bên ngọn kênh Trà Nóc, áp sát sân bay Trà Nóc".

Ngày 30-4-1975, các binh đoàn chủ lực đồng loạt tiến công giải phóng Sài Gòn và Chiến dịch Hồ Chí Minh kết thúc toàn thắng. Chia sẻ niềm vui ngày chiến thắng 48 năm về trước, Thiếu tá Ngô Trọng Luật, nguyên Chính trị viên Đại đội 3, Tiểu đoàn 5, Trung đoàn 20, hào hứng: "Chớp thời cơ, LLVT tại Cần Thơ kết hợp quần chúng nổi dậy kêu gọi địch đầu hàng. Sư đoàn 4 nhanh chóng đánh chiếm các mục tiêu được giao. 14 giờ, Trung đoàn 20 đánh chiếm làm chủ sân bay Trà Nóc, tiếp nhận đầu hàng của Trung đoàn 33 ngụy trên lộ Vòng Cung; Trung đoàn 10 tiếp nhận đầu hàng của 4 tiểu đoàn ngụy, sau đó phát triển dọc lộ Sống Lươn đánh chiếm kho bom Bình Thủy và sân bay Lộ Tẻ. Đồng thời, một bộ phận của Trung đoàn 20 và Trung đoàn 10 tiến vào nội ô phối hợp với LLVT Cần Thơ chiếm đài phát thanh, dinh tỉnh trưởng, Bộ tư lệnh Quân đoàn 4-Vùng 4 chiến thuật. Trung đoàn 101 đánh chiếm khu vực Cầu Nhiếm, phối hợp với LLVT địa phương giải phóng huyện Châu Thành lúc 17 giờ. Trung đoàn 2 phối hợp với LLVT địa phương giải phóng huyện Ô Môn lúc 21 giờ-đây là điểm cuối cùng của TP Cần Thơ giải phóng ngày 30-4-1975".

leftcenterrightdel
 Anh hùng LLVT nhân dân Lê Xã Hội.

Tham gia tiến công giải phóng Cần Thơ, Sư đoàn 4 đánh chiếm 35 mục tiêu quan trọng gồm: Sân bay, bến cảng, kho tàng, căn cứ chỉ huy Sư đoàn 21, Bộ tư lệnh Vùng 4 chiến thuật; buộc 4 trung đoàn bộ binh, 3 chi đoàn xe đầu hàng; diệt, làm bị thương và rã ngũ hơn 10.000 tên địch; thu 20.000 súng các loại (có 20 pháo 105mm và 155mm), 40 xe tăng, xe bọc thép, hơn 1.000 xe vận tải, 5 tàu tuần tra, 157 máy bay các loại... "Kết quả đó góp phần to lớn đập tan lực lượng địch tại Vùng 4 chiến thuật, phá tan âm mưu co cụm chiến lược của địch ở miền Tây và không cho chúng đưa lực lượng lên ứng cứu Sài Gòn, góp phần giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước", Thiếu tướng, Anh hùng Lê Xã Hội khẳng định.

48 năm trôi qua nhưng trận đánh lịch sử năm xưa vẫn in đậm trong lòng cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 4 tham gia chiến đấu, cũng như mãi không quên biết bao đồng đội hy sinh nằm lại trên đường vào thành phố, ghi nhớ tình cảm, sự giúp đỡ của cấp ủy, chính quyền, LLVT và nhân dân Cần Thơ. Các thế hệ cựu chiến binh Sư đoàn 4 hôm nay càng trân trọng quá khứ hào hùng càng đoàn kết, gắn bó, giữ gìn và phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, xứng đáng với truyền thống Anh hùng LLVT nhân dân.

Bài và ảnh: TRUNG KIÊN - XUÂN CHIẾN