Lính út đa tài

Trong tiết trời se lạnh của ngày đầu xuân, tôi có cơ duyên được gặp, trò chuyện với cựu chiến binh (CCB) Đàm Duy Thiên, được ông kể cho nghe biết bao chuyện cũ về một thời chiến đấu oanh liệt của những người lính Cụ Hồ tài hoa, quả cảm. Trở về từ mưa bom bão đạn, cựu lính trinh sát năm nào vẫn tràn đầy nhiệt huyết khi trò chuyện với thế hệ trẻ về truyền thống lịch sử.

- Cháu có biết Chiến dịch Hồ Chí Minh mở màn ngày nào không?

- Dạ, ngày 26-4-1975 ạ.

- Chiến thắng nào được ví là mở “cánh cửa thép” để quân ta tiến vào Sài Gòn-Gia Định?

- Dạ, chiến thắng Xuân Lộc ạ.

- Vậy ai là người vẽ bản đồ tác chiến trận đánh Xuân Lộc?

- Dạ... dạ...

Thấy tôi ấp úng, gương mặt CCB Đàm Duy Thiên thoáng buồn. Nhưng ông vội động viên: "Cháu không phải ngại đâu. Bởi có nhiều người như cháu, không biết về chi tiết lịch sử này".

Tôi thực sự bất ngờ khi được biết người đang ngồi đối diện với mình là tác giả của tấm bản đồ tác chiến trong trận đánh Xuân Lộc. Điều đặc biệt, khi ấy, người lính Đàm Duy Thiên chưa đầy 19 tuổi.

Sinh ra tại mảnh đất xứ Nghệ, lớn lên ở Quảng Bình, từ nhỏ cậu bé Đàm Duy Thiên đã chứng kiến quê hương bị bom Mỹ tàn phá. Từ lòng căm thù giặc sục sôi, năm 1972, khi chưa đầy 16 tuổi, Thiên viết đơn xung phong nhập ngũ.

Kể về những ngày tháng chiến đấu gian khổ tại Trung đoàn 266, Sư đoàn 341, CCB Đàm Duy Thiên nhớ lại: “Lúc đó, tôi là người nhỏ tuổi nhất đơn vị, cũng là người nhẹ cân nhất khi chưa đầy 40kg. Thấy tôi nhỏ quá, nhiều đồng đội đã tình nguyện mang vác súng đạn cho tôi. Vì là em út trong đơn vị nên tôi được ưu ái mang bản đồ, lương khô cho đồng đội để kịp hành quân. Không những thế, tôi còn nhận nhiệm vụ liên lạc, nhiều khi phải bơi qua sông một mình. Vất vả là thế nhưng tôi thấy bản thân còn may mắn hơn nhiều đồng đội khác”.

Không mang vác được nặng, nhưng đổi lại, Đàm Duy Thiên khá nhanh nhẹn và hoạt bát. Anh trở thành cây văn nghệ của đơn vị và thường mang đến niềm vui khích lệ đồng đội qua những bài thơ do mình sưu tầm hoặc sáng tác. Tài hoa của người lính trẻ này còn được thể hiện trong từng nét bút, nét vẽ như in. Cũng bởi có đôi bàn tay tài hoa, anh được đơn vị giao nhiệm vụ vẽ bản đồ tác chiến của nhiều trận đánh dù chưa từng trải qua một trường lớp đào tạo bài bản nào. Nhớ về quá trình vẽ bản đồ tác chiến trận đánh Xuân Lộc, CCB Đàm Duy Thiên cho biết: “Sau khi nhận lệnh tiến công phòng tuyến Xuân Lộc, chỉ huy đơn vị đã nhanh chóng họp bàn phương án tác chiến. Khi ấy, chỉ huy nói đến đâu tôi phải ghi nhớ đến đó. Khi các đơn vị, bộ phận đi trinh sát báo về thì tôi phải nắm thông tin rồi thể hiện trên bản đồ làm sao cho chính xác nhất. Nếu vẽ sai thì rất nguy hiểm cho đường tấn công của quân ta”.

leftcenterrightdel

Cựu chiến binh Đàm Duy Thiên. 

Mặc dù đến địa bàn mới, không có nhiều thông tin về phía địch, nhưng Đàm Duy Thiên đã nhanh nhẹn thu thập thông tin để vẽ bản đồ tác chiến trận đánh Xuân Lộc. Chỉ trong hơn một tuần, người lính trinh sát chưa đầy 19 tuổi đã vẽ hoàn chỉnh tấm bản đồ, góp phần quan trọng để quân ta đập tan phòng tuyến của địch, thẳng tiến vào Sài Gòn-Gia Định, tạo nên một mùa xuân lịch sử. CCB Đàm Duy Thiên xúc động: “Tôi cảm thấy rất tự hào, phấn khởi khi tấm bản đồ trận đánh Xuân Lộc được vẽ đúng, không có sai sót gì, góp sức để quân ta giành chiến thắng”.

Nhớ về chiến công của lính út Đàm Duy Thiên, Đại tá, CCB Lê Tiến Hạt, nguyên Phó trung đoàn trưởng Trung đoàn 266 kể: “Ngày đó vào chiến trường, Thiên nhỏ tuổi nhất đơn vị. Nhưng đổi lại, cậu ấy nhanh nhẹn, hoạt bát, miệng hay cười. Dù nhỏ tuổi, nhỏ người nhưng Thiên sớm bộc lộ bản lĩnh, tính cách của một quân nhân không ngại khó. Thiên không những vẽ đẹp mà còn vẽ giỏi, đặc biệt là tính chính xác rất cao trên từng tấm bản đồ phục vụ thiết thực cho nhiều trận đánh”. Đại úy, CCB Nguyễn Công Đĩnh, nguyên Trưởng tiểu ban Quân lực Trung đoàn 266 cho biết: “Thiên là người có trình độ, năng lực. Khi được điều về Ban Tác chiến, cậu ấy không ngừng học hỏi để vẽ được nhiều bản đồ tác chiến, trong đó có trận đánh Xuân Lộc. Cậu ấy cũng được nhiều đồng đội yêu mến nhờ có tài vẽ đẹp, đọc thơ hay và luôn yêu thương mọi người”.

Nặng lòng với đồng đội

Trong những ngày tháng sinh-tử gần kề của chiến tranh, điều mà người lính Đàm Duy Thiên nhớ nhất là tình cảm đồng đội. Ông từng bị sốt xuất huyết, cơ thể mệt mỏi đến kiệt quệ, đồng đội, đơn vị đã luôn động viên, khích lệ và ưu tiên ông. Có một sự kiện đã ám ảnh người lính trẻ Đàm Duy Thiên từ ngày ấy đến sau này. Đó là khi ở hậu cứ, ông hỗ trợ đội ngũ quân y bằng việc chăm sóc một chiến sĩ đang bị thương nặng. Mặc dù được tận tình chăm sóc nhưng người lính ấy đã ra đi ngay trên vai ông. Từ đó, Đàm Duy Thiên quyết tâm theo học ngành y với tâm niệm cứu người và hỗ trợ đồng đội chữa lành vết thương chiến tranh.

Sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Đàm Duy Thiên được cử đi học tại Trường Văn hóa Bộ Quốc phòng, rồi thi đỗ vào Đại học Quân y năm 1978 (từ năm 1981 là Học viện Quân y). Tốt nghiệp, ông được Học viện giữ lại làm bác sĩ điều trị, phẫu thuật sọ não và cột sống kiêm giảng viên hướng dẫn thực hành cho học viên tại Viện Quân y 103 (nay là Bệnh viện Quân y 103, Học viện Quân y). Nhờ đôi tay khéo léo, ông đã thực hiện thành công nhiều ca mổ cho các bệnh nhân. Với ý thức không ngừng học hỏi, trau dồi kiến thức, ông đi học thạc sĩ, rồi nghiên cứu sinh và bảo vệ thành công luận án tiến sĩ với đề tài liên quan đến căn bệnh tai biến mạch máu não. Sau này, ông Thiên là Ủy viên chuyên trách tại Ban Bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ Trung ương, rồi chuyển sang công tác tại Ban Tổ chức Trung ương.

leftcenterrightdel

Cựu chiến binh Đàm Duy Thiên (thứ ba, từ trái sang) hội ngộ cùng đồng đội. Ảnh do nhân vật cung cấp 

Chiến tranh đã lùi xa, nhưng tình cảm dành cho đồng đội của CCB Đàm Duy Thiên vẫn vẹn nguyên. Ông trân trọng tình bạn, tình đồng chí thiêng liêng mà ông và các đồng đội đã nuôi dưỡng qua những năm tháng chiến tranh gian khổ. Bởi vậy, ông thường xuyên tổ chức đi thăm, tặng quà những đồng đội có hoàn cảnh khó khăn; hỗ trợ điều trị đối với thương binh, bệnh binh. Những năm qua, ông cùng với bạn bè nhiều lần hỗ trợ xây nhà tình nghĩa tặng thương binh, gia đình liệt sĩ có hoàn cảnh khó khăn. Khi được hỏi về đồng đội cũ, Đại tá, CCB Bùi Quang Minh, nguyên Trưởng phòng Doanh trại (Binh chủng Thông tin liên lạc) chia sẻ: “Anh Đàm Duy Thiên sống rất sâu sắc, tình cảm. Hằng năm, đến ngày gặp mặt đồng đội cũ anh ấy luôn tham gia nhiệt tình, trách nhiệm và tâm huyết. Dù đã trải qua nhiều vị trí quan trọng trong công việc, có nhiều đóng góp cho ngành y và xã hội nhưng anh Thiên vẫn rất giản dị, cầu thị, ham học hỏi"...

Trước khi chia tay, CCB Đàm Duy Thiên đọc tặng tôi bài thơ, đây cũng chính là bài mà ông đã đọc nhằm khích lệ tinh thần đồng đội trước trận đánh Xuân Lộc: “Em gái giao liên sao không biết làm thơ/ Nhưng em nói những lời rất đẹp/ Đất thì đỏ còn chân em thì trắng/ Hoa dấu chân để lại trên đường/ Năm cánh xòe về một hướng tiền phương”.

THIÊN ĐIỂU