Trên sông nước miền Tây

Sau hơn hai tháng huấn luyện chiến sĩ mới, chúng tôi được chuyển về Tiểu đoàn 770, Trung đoàn 15, Quân khu Hữu Ngạn để huấn luyện hoàn chỉnh kỹ thuật, chiến thuật bộ binh, sẵn sàng nhận nhiệm vụ chiến đấu. Khi miền Bắc đón Tết Nguyên đán Quý Sửu 1973, chúng tôi có lệnh lên đường vào chiến trường B. Trước khi đi, chúng tôi được cấp toàn bộ quân tư trang mới, trong đó, rất lạ là có hai bộ quần áo màu đen. Lúc đó, không ai biết để làm gì. Vào đến trạm Làng Ho (Quảng Bình), chúng tôi mới biết mình là đơn vị đặc biệt, là mũi thọc sâu tăng cường cho chiến trường miền Tây Nam Bộ nên quá trình chiến đấu sẽ phải dùng đến bộ đồ màu đen để ngụy trang.

Gác lại phía sau không khí sum họp, vui xuân, đón Tết, chúng tôi hành quân qua đường Tây Trường Sơn sang đất bạn Lào, rồi vượt sông Vàm Cỏ Tây sang tỉnh Svay Rieng (Campuchia) mượn đường qua nước bạn. Cứ ngày nghỉ, đêm đi, ròng rã 3 tháng trời, những chàng trai mười tám, đôi mươi lúc này chỉ thấy đôi mắt sáng và hàm răng trắng, còn nước da đã sạm màu nắng gió, mái tóc không có thời gian cắt tỉa đã bắt đầu tốt chờm gáy... Bấy giờ là tháng 4-1973, gần cuối mùa khô nhưng thời tiết cũng dễ chịu. Chúng tôi chuẩn bị vượt sang biên giới Việt Nam ở địa bàn xã Nam Thái Sơn (Kiên Giang) giáp ranh Hà Tiên-Châu Đốc (An Giang). Ở đây chủ yếu là rừng tràm. Mùa khô, cá, lươn và rau các loại mọc tự nhiên nhiều vô kể. Bộ đội ta cứ thế hái ăn, song không ít người bị tiêu chảy, nôn mật xanh mật vàng. Thật nhớ đời!

Tôi cùng 3 bạn đồng hương Hà Long được điều về cùng trung đội thuộc Đại đội 2, Tiểu đoàn 307, Trung đoàn U Minh (nay là Trung đoàn 1, Sư đoàn 330, Quân khu 9) đóng tại kênh Xẻo Môn Cụt (Phụng Hiệp, Cần Thơ). Chính thức ở miền Tây Nam Bộ, những chàng trai đất Bắc chúng tôi thấy mọi thứ đều mới lạ. Nơi miền sông nước, phương tiện đi lại chủ yếu là xuồng, ghe. Lúc nghỉ ngơi, xuồng là phương tiện giăng câu, thả lưới cải thiện bữa ăn, đi lấy lương thực, thực phẩm, vũ khí. Khi tác chiến, xuồng lại cùng chúng tôi tiếp cận đồn bốt, tải thương, vượt sông, vượt lộ...

Thấm thoắt đã gần một năm chiến đấu ở miền Tây, qua bao trận công đồn địch. Những cuộc hành quân đã khắc sâu trong ký ức của tôi, nay nghĩ lại vẫn xốn xang. Quên sao được một đêm tháng 11-1974, trên chiếc xuồng ba lá, tổ 3 người gồm tôi, Phấn, Duy vượt qua sông Hậu rộng hơn một cây số, trong khi địch tuần tiễu liên hồi, sóng nước đánh ầm ầm. Ấy vậy mà hai mái chèo vẫn lì lợm tách nước, len lỏi vượt dòng chảy xiết. Ngoài những vũ khí trang bị của người lính, hành trang của bộ đội còn có tình yêu thương của các má, các chị, các em... ở vùng đất Hậu Giang, nơi chúng tôi từng gắn bó, đồng cam cộng khổ để bám trụ, đánh địch. Tạm biệt đất Tây Đô, tạm biệt những bà má, những thôn ấp, dòng kênh... chúng tôi chuyển lên địa bàn Vĩnh-Trà (Vĩnh Long-Trà Vinh) đảm nhiệm lực lượng chủ yếu của Quân khu 9 ở trọng điểm một. Trên chiến trường mới, ngay trận đầu đánh đồn Hội Đồng (nay thuộc xã Tam Ngãi, huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh)-quê hương của nữ anh hùng liệt sĩ Nguyễn Thị Út (Út Tịch)-chúng tôi đã làm cho địch vô cùng bất ngờ. Chỉ trong vòng 30 phút, đơn vị đã làm chủ được căn cứ của địch. Đơn vị ít thương vong, địch bị tiêu diệt và bắt sống gần hết...

leftcenterrightdel

Tác giả (bên trái, hàng ngồi) cùng đồng đội tại Bình Minh, Vĩnh Long, năm 1975.
Ảnh do tác giả cung cấp 

Những mùa xuân đáng nhớ

Bước sang năm 1975, toàn bộ quân địch trên địa bàn Vĩnh-Trà bị động. Chúng luôn phải đối phó với các trận đánh của ta và đều thất bại. Trung đoàn U Minh chúng tôi tiếp tục phát triển xuống vùng Duyên Hải (thuộc Trà Vinh ngày nay). Tại đây, trong trận đánh đồn Long Vĩnh vào đúng mồng Một Tết Ất Mão 1975, tôi bị thương ở tay phải, buộc phải về trạm quân y dã chiến của Trung đoàn điều trị.

Thôi, thế là "ăn Tết" với thuốc kháng sinh và băng gạc rồi! Suốt 10 ngày Tết, tôi nằm trên giường bệnh. Những ngày này, có một kỷ niệm khiến tôi nhớ mãi là việc được truyền dịch bằng nước dừa. Tôi nghĩ, chiến tranh có rất nhiều điều để kể và chỉ những người từng đi qua chiến tranh mới hiểu hết được. Bởi câu chuyện dưới đây, nhiều người nghe sẽ cho rằng chúng tôi đang “bốc phét”. Ngày ấy, do vật chất, thuốc men rất khan hiếm, đến băng gạc cũng phải giặt đi, hấp lại để dùng. Thương binh sốt cao, cần bù nước điện giải nhưng trong kho không còn. Các đồng chí quân y đã hái dừa vào buổi sáng sớm, dùng dây đưa xuống từng quả, sau đó gọt cuống, cắm dây truyền dịch và truyền cho thương binh. Chuyện gần như không tưởng ấy, chính tôi và nhiều đồng đội đã được trải nghiệm!

Được một thời gian, vết thương chưa lành hẳn nhưng tôi vẫn xin trở về đơn vị tiếp tục tham gia chiến đấu. Rồi ngày 30-4-1975 cũng đến. Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 đã toàn thắng. Hòa chung niềm vui của cả nước, chúng tôi-những chiến sĩ Giải phóng quân nơi miệt vườn Nam Bộ-mình trần chân đất ôm lấy nhau và hô vang: Giải phóng, thống nhất đất nước rồi, sắp được trở về quê hương rồi!

Thế nhưng, niềm vui và ước nguyện chưa trọn vẹn thì ở biên giới Tây Nam, tập đoàn phản động Pol Pot-Ieng Sary tăng cường các hoạt động gây hấn. Đi đến đâu là chúng giết dân, đốt nhà, bắt bớ đến đó. Lúc này, tôi đã là cán bộ trung đội, động viên đồng đội sẵn sàng bước vào cuộc chiến đấu mới. Chúng tôi nhận lệnh nằm trong đội hình cơ động của Trung đoàn 1-U Minh (Sư đoàn 330, Quân khu 9), lúc thì có mặt ở Tân Châu, Khánh An, Khánh Bình, khi thì đến Cầu Sắt, núi Sam, thị trấn Nhà Bàng (Tịnh Biên, An Giang)... Ở đâu có quân địch lấn chiếm là chúng tôi có mặt.

Cuối năm 1978, tôi được bổ nhiệm làm Đại đội trưởng Đại đội 2, có nhiệm vụ đóng chắn ở cửa 13 phía Tây Bắc, từ thị trấn Nhà Bàng ra cửa khẩu Tịnh Biên (An Giang). Ngày 7-1-1979, ta chọc thẳng tuyến phòng thủ của địch, giải phóng đất nước Campuchia thoát khỏi họa diệt chủng. Nước bạn được giải phóng nhưng âm mưu, thủ đoạn của địch còn nham hiểm. Ngoài những tình huống chiến đấu địch-ta rõ ràng, chúng tôi còn phải đối diện với thủ đoạn chính quyền “hai mặt” của địch. Ban ngày, chúng ngụy trang là những người dân lương thiện, cùng với bộ đội ta xây dựng chính quyền nhưng đêm đến, chúng lại tổ chức móc nối, tấn công ta rồi rút chạy, hôm sau lại mang “bộ mặt nhân dân” khiến một số đội công tác của ta bị thương vong.

Cuộc chiến đấu đầy cam go, vất vả, sinh hoạt thiếu thốn. Đơn vị lại thực hiện 9 điều quy định đối với bạn, ngay cả ngọn rau, quả bí cũng không được hái của dân. Năm mới đến, cán bộ, chiến sĩ ai cũng nhìn nhau, cùng chung tâm trạng nhớ quê nhà. Lúc này đây, chúng tôi đang phải gồng mình chốt chặn địch trên các hướng. Ban chỉ huy Đại đội hội ý nhanh, bàn biện pháp động viên cán bộ, chiến sĩ Đại đội hiểu rõ hoàn cảnh, nhiệm vụ của mình. Toàn đơn vị thống nhất quan điểm, tổ chức cải thiện cho cán bộ, chiến sĩ: Thuốc lá hai người một điếu, tổ chức gói bánh tét chay... Mùa Xuân Kỷ Mùi (tháng 2-1979), Đại đội tôi cơ động lên trung tâm huyện Krakor (Pursat, Campuchia). Trên đường hành quân, tôi một lần nữa bị thương, phải lùi về đội phẫu và bàn giao lại đội hình cho đồng chí Thường, Đại đội phó tiếp tục chỉ huy đánh chiếm mục tiêu.

Năm 1984, tôi trở lại chiến trường Campuchia đảm nhiệm chức vụ Trợ lý Tác chiến Trung đoàn 1. Tháng 12-1987, do sức khỏe giảm sút, tôi được cấp trên giải quyết về nghỉ chế độ thương, bệnh binh. Về với đời thường, tôi và đồng đội mỗi dịp gặp mặt vẫn luôn nhắc nhớ những kỷ niệm của một thời chưa xa để con cháu được biết, trân trọng và noi theo.

TRỊNH XUÂN NẠI