Biết tin ông nhận huy hiệu cao quý của Đảng, tôi gọi điện chúc mừng. Trên điện thoại, ông nghẹn ngào, nói từng từ rất xúc động.

Tôi biết Đại tá Nguyễn Bá Bảo ở khu phố Trà Lâm, phường Trí Quả (Thuận Thành, Bắc Ninh) từ khi ông làm Chủ tịch Hội Cựu chiến binh huyện Thuận Thành cách đây hơn 10 năm. Kể từ ngày đó, mỗi lần tôi gặp ông Bảo, tôi lại được ông kể cho nghe biết bao nhiêu cầu chuyện

Năm 1962, lúc 18 tuổi, chàng thanh niên Nguyễn Bá Bảo nhập ngũ vào Đại đội 38, Trung đoàn Ra-đa 292, Bộ tư lệnh Phòng không. Ông kể, lúc ấy nhà nào có người đi bộ đội là hãnh diện lắm. Hai anh trai của ông tham gia cách mạng, một người là cán bộ tiền khởi nghĩa và một người là du kích địa phương. Cả hai đều bị quân Pháp bắt và thủ tiêu hết sức dã man. Lúc ấy, ông gần 10 tuổi đã kịp thấu hiểu nỗi đau của gia đình. Vì thế, khi lớn lên, ông xung phong nhập ngũ. Sau thời gian huấn luyện cơ bản, ông tiếp tục được đào tạo trở thành trắc thủ radar.

Thời điểm đó, ông và đồng đội làm nhiệm vụ tại một trạm radar đóng quân tại tỉnh Điện Biên. Sau gần hai năm phấn đấu, năm 1964, vào đúng ngày kỷ niệm chiến thắng phát xít (9-5), ông được chi bộ tổ chức kết nạp vào Đảng. Cùng năm đó, ông được điều sang Trung Quốc học kỹ thuật MiG-19. Về nước, ông làm nhiệm vụ bảo đảm kỹ thuật cho máy bay tại các đơn vị ở sân bay Kép và Yên Bái.

leftcenterrightdel

 Đại tá Nguyễn Bá Bảo nhận hoa chúc mừng nhân dịp nhận Huy hiệu 60 năm tuổi Đảng. Ảnh: VĂN ĐỨC

Trong câu chuyện ông kể thì những kỷ niệm 4 năm làm chuyên gia quân sự và hoạt động tại vùng Nam Lào ở Đoàn 565 thuộc Bộ tư lệnh Trường Sơn lại khiến tôi chú ý hơn cả.

Vào năm 1971, chuẩn bị tốt nghiệp Học viện Chính trị, ông viết đơn tình nguyện vào Nam chiến đấu và đạt nguyện vọng. Điều ấy chẳng có gì đáng kể nếu như ông không xuất thân và trưởng thành từ trắc thủ radar, từng sang Trung Quốc học 4 năm về bảo đảm kỹ thuật cho máy bay MiG-19 và được Quân chủng Phòng không-Không quân cử đi đào tạo nguồn cán bộ, phục vụ xây dựng quân chủng lâu dài.

Sau tốt nghiệp, ông hành quân vào Bộ tư lệnh Trường Sơn và được Đại tá Trần Quyết Thắng, Phó chính ủy thứ hai dẫn sang Khăm Muộn, giao nhiệm vụ làm Trợ lý Tuyên huấn của Đoàn chuyên gia quân sự 565. Ngày ấy, ngoài nhiệm vụ giúp bạn Lào về xây dựng lực lượng, tổ chức chiến đấu thì Đoàn 565 còn có nhiệm vụ hỗ trợ, phối hợp với bộ đội nước bạn bảo vệ sườn Tây Trường Sơn khu vực Hạ Lào, Bolaven, Savannakhet.

Lúc ấy, tình hình ở Lào khá căng thẳng. Bọn phỉ Vàng Pao, biệt kích Mỹ liên tục tổ chức các toán nhỏ lẻ phục kích bộ đội ta trên các tuyến đường. Chúng vào các bản cướp lương thực, thực phẩm, bắn giết nhân dân. Chúng đi thành những toán nhỏ, tổ chức bẫy mìn ở những đoạn đường mòn nghi ngờ có bộ đội ta đi qua.

leftcenterrightdel
 Đại tá Nguyễn Bá Bảo trong một lần về thăm đơn vị cũ. Ảnh: VĂN ĐỨC

Để bảo vệ hành lang được an toàn, các đơn vị của Đoàn 565 phải chia lực lượng chốt giữ ở các khu vực trọng yếu và tổ chức tuần tra, đẩy đuổi bọn biệt kích, phỉ. Thế nên, dù là trợ lý làm nhiệm vụ chuyên môn, nhưng ông Bảo vẫn thường xuyên cùng đồng đội đi tuần, đến các bản để nắm tình hình.

Trong những đợt hành quân tuần tra và truy quét, có lúc đồng đội của ông bị vấp mìn vướng nổ do bọn phỉ và biệt kích bẫy. Mìn nhảy lên khỏi mặt đất cao gần 1m rồi nổ tung khiến những ai nằm trong bán kính sát thương khó thoát khỏi lưỡi hái tử thần. Nhiều đồng đội của ông hy sinh nằm lại chiến trường. Ký ức những lần an táng đồng đội trong rừng vẫn ám ảnh ông không nguôi.

Mùa khô năm 1973, có lần ông nhận lệnh một mình băng rừng đến bản người Lào cách nơi trú quân hơn 10km để giúp bộ đội địa phương tổ chức chặn bọn phỉ. Ông không đi đường mòn mà phải cắt góc phương vị. Đi đến đâu dùng dao quắm phát mở đường đến đó. Ở chiến trường Lào đêm và ngày thường ít có sự chênh lệch vì đi trên đường mòn chạy trong rừng, dưới những cây khộp, săng lẻ cao vút, lá to, che kín ánh sáng mặt trời.

Tờ mờ sáng thì ông đến nơi. Sau khi nắm tình hình, ông tổ chức hướng dẫn bộ đội địa phương xây dựng hàng rào, tổ chức tuần tra, canh gác và báo động, đề phòng bọn phỉ đến thì chiến đấu. Dân bản mang cơm nếp, gà tặng bộ đội Việt Nam. Đây là bữa ăn ngon nhất từ ngày ông vào chiến trường bởi thời điểm đó, dù là chuyên gia nhưng ngoài lương khô, rau rừng, tự bắt cua, cá cải thiện thì ông và đồng đội chẳng có gì.

Ở chiến trường Lào sợ nhất là sốt rét mùa mưa. Có ngày mưa như trút nước, như thác đổ, kéo dài liên miên từ ngày này sang ngày khác. Quần áo lúc nào cũng ướt sũng. Nước ở khe cạn dâng nhanh trong tích tắc, cuốn phăng cả những cây to vừa bật gốc. Mưa kèm theo muỗi vắt sinh sôi nảy nở như nấm. Muỗi kêu như sáo diều, nhiều đến mức xòe tay quờ một cái đã đầy một nắm. Đàn vắt hua hua vòi tìm hơi người như vũ điệu. Sốt rét đến với người lính tự nhiên như một bữa ăn. Sáng đang cười nói huyên thuyên thì đến trưa đã thấy ngoài cơ thể nóng như lửa, nhưng rét từ trong ruột rét ra. Người run cầm cập, đắp mấy chăn chiên vẫn thấy rét. Ông từng chứng kiến đồng đội bị sốt rét rồi hy sinh trên cánh võng vì không kịp cấp cứu.

Năm 1976, ông được giao trở lại chiến trường để quy tập hài cốt liệt sĩ. Cũng phải mất rất nhiều thời gian và vượt qua nhiều khó khăn ông mới hoàn thành được tâm nguyện của đồng đội trước lúc hy sinh.

Sau ngày đất nước thống nhất, ông thi đỗ vào Trường Đại học Giao thông (nay là Trường Đại học Giao thông vận tải), học chuyên ngành cầu cống. Tốt nghiệp, ông được điều trở lại Quân chủng Phòng không-Không quân, trải qua các cương vị: Chủ nhiệm chính trị Trung đoàn 916, Sư đoàn 371; Trung đoàn phó chính trị, Bí thư Đảng ủy; Trưởng phòng Chính sách-Dân vận, Cục Chính trị; Lữ đoàn phó chính trị Lữ đoàn 918 của Quân chủng Phòng không-Không quân.

Nhận quyết định nghỉ hưu vào năm 2002. Vừa chân ướt chân ráo về nghỉ, ông tham gia hội cựu chiến binh, sau đó làm Chủ tịch Hội Cựu chiến binh huyện Thuận Thành tới 3 khóa. Ông bảo tôi, làm trai thì phải biết lấy cống hiến cho nước, cho dân làm đầu. Ở đâu cũng được nhưng đừng quên nhiệm vụ đó. Khi đó sẽ thấy mình lớn lên cùng quê hương, đất nước.

Suy nghĩ đau đáu và những cống hiến không ngừng của Đại tá Nguyễn Bá Bảo khiến tôi cảm phục, kính trọng.

VĂN THUẦN