Đánh cắp bí mật bom nguyên tử

Đệ nhị thế chiến bùng nổ đã khiến số phận các điệp viên Liên Xô tại Anh trong Bộ Ngũ có những thay đổi đột biến, đồng thời các hoạt động thu thập tin tình báo được đẩy mạnh với công suất tối đa.

A.Blunt, sau khi thực hiện thành công việc xâm nhập vào cơ quan phản gián Anh MI5 vào mùa hè năm 1940, tiếp tục cung cấp hàng loạt tài liệu mật của MI5 cho Trung tâm Moscow. Trong số đó, đặc biệt quan trọng là các phương pháp theo dõi của phản gián Anh đối với các điệp viên nước ngoài cũng như danh sách các điệp viên Anh ở hải ngoại. Đồng thời, A.Blunt còn tham gia điều khiển rất thành công một điệp viên vốn là bạn học cũ ở Cambridge, Leo Long-mật danh Elli-người mà A.Blunt đã tuyển mộ nhiều năm trước đó. Leo Long hoạt động trong lĩnh vực tình báo quân sự của Anh, có thể tiếp cận những tài liệu được giải mật vô cùng quan trọng.

J.Cairncross, sau một thời gian bị điều chuyển sang Bộ Tài chính, cuối cùng đã chiếm được vị trí cực kỳ quan trọng trong giới chính trị tinh hoa của nước Anh khi tháng 9-1940 trở thành thư ký riêng của Huân tước Hankey, một Bộ trưởng trong chính quyền của Thủ tướng W.Churchill. Mặc dù không phải là thành viên trong Nội các chiến tranh của Thủ tướng W.Churchill vốn chỉ gồm có 5 Bộ trưởng quan trọng, thế nhưng vị trí của Huân tước Hankey đủ cao để nhận được hầu như tất cả các tài liệu mật của Nội các chiến tranh, các cơ quan bí mật, Bộ Ngoại giao, báo cáo của MI6, những đánh giá tình hình của Bộ Tổng tham mưu quân đội Anh…

Chỉ riêng trong năm 1941, Trạm London đã gửi về Trung tâm Moscow tất cả 7.867 tài liệu chính trị và ngoại giao mật, 715 tài liệu liên quan đến các vấn đề quân sự, 127 tài liệu về kinh tế và 51 tài liệu về các cơ quan tình báo Anh quốc. Phần lớn trong số đó là do các thành viên trong Bộ Ngũ thu thập được và có tầm quan trọng mang tính sống còn đối với Liên Xô.

leftcenterrightdel
 Arnold Deutsch - người đã tuyển mộ và xây dưng nhóm điệp viên Bộ Ngũ.
leftcenterrightdel
Theo chiều kim đồng hồ: Anthony  Blunt, Donald Maclean, Kim Philby, Guy Burgess. Ảnh: The Telegraph 
Sự nghiệp của Kim Philby trong cơ quan tình báo Anh tiếp tục thăng tiến một cách thuận lợi. Tháng 9-1941, Kim Philby được nhận vào làm việc ở Phòng 5 của SOE, chuyên về công tác phản gián. 

Ở vị trí làm việc mới tại Phòng 5, Kim Philby thường xuyên có mặt ở trụ sở của phòng này trên phố St.Albans thay vì Tổng hành dinh của MI6 trong tòa nhà Broadway và có điều kiện thường xuyên tiếp xúc với kho tài liệu mật của MI6.

Trong năm đầu tiên phát xít Đức tiến công Liên Xô, những thông tin tình báo quan trọng bậc nhất mà thành viên Bộ Ngũ gửi về Moscow thuộc về J.Cairncross, với tư cách là thư ký của Huân tước Hankey, thành viên nội các của Thủ tướng W.Churchill, đồng thời là Chủ tịch Ủy ban cố vấn khoa học của Chính phủ Anh. Đặc biệt, đã xuất hiện các tài liệu tối mật đánh cắp được, lần đầu tiên báo động cho Moscow về tham vọng chế tạo bom nguyên tử của Anh. Ngày 25-9-1941, A.Gorsky đã gửi một bức điện về Moscow, trong đó chỉ rõ quyết định tuyệt mật do Ủy ban cố vấn khoa học gửi lên Nội các chiến tranh Anh thông qua tại phiên họp diễn ra ngày hôm trước, 24-9-1941, trong đó đề xuất việc sử dụng năng lượng của nguyên tử uranium để chế tạo ra một loại vũ khí hủy diệt.

Mặc dù những tài liệu tuyệt mật về chương trình vũ khí nguyên tử của Anh do J.Cairncross thu thập được và gửi về có tầm quan trọng mang tính sống còn, nhưng ở vào thời điểm cuối năm 1941, đầu năm 1942, rõ ràng chúng không được J.Stalin để ý tới, do khi ấy Liên Xô đang phải gồng mình chống đỡ những đợt tiến công dữ dội của quân đội Đức Quốc xã. Yêu cầu thiết yếu lúc đó phải là sống sót và trước hết đẩy lùi quân Đức ra xa khỏi thủ đô Moscow.

Đến cuối năm 1942 thì J.Stalin đi đến quyết định phải xây dựng kế hoạch chế tạo bom nguyên tử của Liên Xô. Như vậy là ngay ở thời điểm đang diễn ra Chiến dịch Stalingrad, bước ngoặt quyết định của cuộc Chiến tranh Vệ quốc ở Liên Xô, J.Stalin đã nghĩ đến một tương lai sau khi chiến tranh kết thúc, khi mà Mỹ và Anh có bom nguyên tử thì Liên Xô cũng phải có!

Chính quyết định của J.Stalin đã dẫn tới việc tình báo Liên Xô tổ chức chiến dịch đánh cắp nguyên tử thành công mỹ mãn cả ở Anh và Mỹ, tìm kiếm thông tin mật về đề án vũ khí nguyên tử của Anh-Mỹ để hỗ trợ cho các nhà khoa học Liên Xô rút ngắn thời gian chế tạo bom. Khởi đầu của chiến dịch này chính là nhờ những thông tin tình báo do Bộ Ngũ gửi về từ London.   

Người quyết định chiến thắng Vòng cung Kursk

Trong suốt thời gian diễn ra Đệ nhị thế chiến, các thành viên của Bộ Ngũ tiếp tục hoạt động với một hiệu suất đáng kinh ngạc. Là nhân viên của Sở Phản gián Anh MI5, A.Blunt chuyển về Moscow các thông tin thu thập được khi hoạt động tại cơ quan này. Các tài liệu mật của Bộ Ngoại giao Anh được thu thập thông qua kênh của D.Maclean. Trong năm 1942, chỉ riêng số tài liệu của một mình D.Maclean gửi về đã đủ đóng thành 45 tập dày ở tủ lưu trữ tuyệt mật tại Trung tâm Tình báo Moscow.

Quan trọng bậc nhất vẫn là những thông tin do J.Cairncross thu thập được. Cuối năm 1942, từ vai trò thư ký của Huân tước Hankey, J.Cairncross chuyển sang Trung tâm Mã thám của Anh tại Bletchley Park với tư cách chuyên gia phân tích mật mã. Ở vị trí này, J.Cairncross đã thu thập được những thông tin tối quan trọng liên quan tới độ dày vỏ thép của xe tăng Con cọp, niềm tự hào của Đức Quốc xã. Việc nắm bắt được số liệu về độ dày của vỏ thép xe tăng đã giúp các nhà sản xuất vũ khí của Liên Xô nhanh chóng nghiên cứu chế tạo ra loại đạn có đủ khả năng xuyên thủng vỏ thép của những chiếc xe tăng lợi hại này.

Rồi đến mùa hè năm 1943, J.Cairncross đóng một vai trò mang tính then chốt trong trận chiến Kursk khi kịp thông báo về việc di chuyển hàng trăm máy bay của không quân Đức Quốc xã trước khi diễn ra trận đấu tăng vĩ đại ở Vòng cung Kursk. Chính những thông tin này đã giúp cho các lực lượng không quân và pháo binh của Liên Xô mở đòn tiến công phủ đầu vào hàng loạt sân bay của Đức Quốc xã chỉ ít ngày trước khi diễn ra cuộc đấu tăng ở Kursk, tiêu diệt tới khoảng 500 máy bay của không quân Đức Quốc xã.

Việc đánh quỵ xương sống của không quân Đức Quốc xã ngay trước khi trận đánh bắt đầu đã đóng một vai trò sinh tử trong chiến thắng của Hồng quân ở Kursk, và có thể nói không ngoa rằng, một mình J.Cairncross đã đóng góp phần lớn vào chiến thắng đó, mở ra một bước ngoặt then chốt trong tiến trình cuộc Chiến tranh Vệ quốc của Hồng quân Liên Xô.

Leo cao ở MI6

Trong khi ấy, vào đầu năm 1944, trong nội bộ Cục Tình báo Anh MI6 đã tiến hành cải tổ, thành lập một bộ phận mới gọi là Ban 9, chính là bộ phận phản gián chuyên trách chống cộng sản của MI6. Kể từ khi gia nhập MI6 vào tháng 2-1941, Kim Philby đảm nhiệm công tác phản gián, thực hiện các chiến dịch chống lại hoạt động gián điệp của Đức Quốc xã ở địa bàn Tây Ban Nha và trên toàn bộ bán đảo Iberia. Lãnh đạo MI6 đặc biệt ấn tượng với những kết quả công tác của Kim Philby, đã thu thập được những thông tin tình báo quý giá từ các nhà ngoại giao Đức Quốc xã ở Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha, cũng như lật tẩy được các thủ đoạn và điệp viên nhị trùng của tình báo Đức Quốc xã. Thế nên khi MI6 thành lập ra Ban 9 thì với những thành tích phản gián của mình, đến cuối năm 1944, Kim Philby trở thành người đứng đầu Ban 9!

Như vậy là với vị trí công tác mới của mình, Kim Philby có khả năng cung cấp cho Moscow hầu như tất cả những thông tin mật liên quan đến hoạt động phản gián chống cộng sản của Anh thời kỳ sau chiến tranh. Trong lịch sử điệp báo thế giới, ít có trường hợp nào thành công một cách đáng sửng sốt như vậy!     

Mùa xuân năm 1944, Bộ Ngoại giao Anh điều D.Maclean sang Đại sứ quán Anh tại Washington và ngay lập tức bổ nhiệm vào vị trí Bí thứ thứ nhất ở sứ quán. Ở vị trí này, D.Maclean nhanh chóng tiếp cận được với các tài liệu mật, đặc biệt quan trọng là những thông tin liên quan đến quá trình hợp tác Anh-Mỹ để chế tạo bom nguyên tử, diễn ra vào đầu năm 1945.

Ngay sau khi D.Maclean được bổ nhiệm sang sứ quán Anh ở Washington thì G.Burgess thay thế vị trí của D.Maclean cung cấp những thông tin mật của Bộ Ngoại giao Anh cho tình báo Liên Xô. Chỉ trong 6 tháng đầu năm 1945, trong số tài liệu của Bộ Ngoại giao Anh mà G.Burgess gửi về cho tình báo Liên Xô, có 389 tài liệu được xếp vào diện “Tuyệt mật”.

Công việc của A.Blunt cũng hiệu quả không kém. Ngoài việc tiếp tục đánh cắp các tài liệu mật của phản gián Anh MI5, A.Blunt tiếp tục chỉ huy thành công điệp viên Leo Long, người đang làm việc trong cơ quan tình báo quân sự Anh.

Hội nghị Yalta bàn về cục diện sau chiến tranh diễn ra đầu tháng 2-1945 với sự tham gia của các nhà lãnh đạo ba cường quốc là J.Stalin, F.Roosevelt và W.Churchill, cũng đánh dấu một trong những thành công chói lọi của Bộ Ngũ trong việc cung cấp các tài liệu mật mang tầm chiến lược. Trong suốt quá trình trước và trong hội nghị, các thành viên của Bộ Ngũ đã gửi cả "núi" tài liệu về Trung tâm Moscow mà không ai trong số họ nghĩ rằng chúng sẽ được chuyển trực tiếp tới J.Stalin.

Nắm được các con bài tẩy trong tay, nhà lãnh đạo Liên Xô dường như luôn đi trước hai nhà lãnh đạo Đồng minh một nước và chính những ưu thế trên bàn hội nghị Yalta đã được chuyển hóa thành những ưu thế về địa chính trị của Liên Xô ở Đông Âu, đặc biệt là tại Ba Lan, sau chiến tranh.

Sau chiến tranh, một thành viên kiệt xuất trong Bộ Ngũ là A.Blunt quyết định rời khỏi cơ quan phản gián MI5 để quay về với công việc yêu thích là một chuyên viên về nghệ thuật. Các thành viên khác trong Bộ Ngũ vẫn tiếp tục hoạt động hết công suất, với bầu nhiệt huyết dường như không bao giờ cạn khi bước vào một trò chơi sinh tử mới-cuộc Chiến tranh Lạnh. D.Mclean tiếp tục xây dựng uy tín của một nhà ngoại giao trẻ đầy tài năng trong sứ quán Anh tại Washington, nơi người điệp viên Xô viết tiếp tục làm việc cho tới năm 1947. G.Burgess, người vào làm ở Bộ Ngoại giao Anh từ năm 1944, trở thành thư ký riêng của ngài Hector McNeil, vị Bộ trưởng ngoại giao thứ hai trong chính phủ Công đảng thành lập sau chiến tranh. J.Cairncross quay lại làm việc tại Bộ Tài chính, công việc của J.Cairncross liên quan đến lĩnh vực chi tiêu cho nghiên cứu quốc phòng, cụ thể là các loại vũ khí. Thông tin tình báo của J.Cairncross vượt quá mong đợi của Trung tâm Tình báo Moscow. Riêng Kim Philby ở cương vị người đứng đầu Ban 9 trong MI6 chuyên về các hoạt động phản gián chống cộng sản cho đến năm 1947 thì được bổ nhiệm làm người đứng đầu Trạm MI6 ở Thổ Nhĩ Kỳ.

YÊN BA (tổng hợp)