Đồng chí Nguyễn Đức Quang sinh năm 1950, tại xã Đồng Tiến, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Bắc Thái (nay là xã Huống Thượng, TP Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên). Năm 1968, thanh niên Nguyễn Đức Quang tạm biệt gia đình, quê hương xung phong lên đường nhập ngũ, được biên chế vào Đại đội 3, Tiểu đoàn 4, Sư đoàn 305.
Đồng hành với người lính trên đường ra trận, cuốn sổ tay bé nhỏ trở thành một người bạn thân thiết để chiến sĩ Nguyễn Đức Quang trải lòng những ngày tháng đầu quân ngũ. Trang đầu, anh vẽ hình lá cờ của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam có hình ngôi sao vàng trên nền cờ đỏ và xanh dương. Với ý nghĩa: Nửa trên (màu đỏ) đại diện cho miền Bắc đã độc lập. Nửa dưới (màu xanh dương) tượng trưng cho miền Nam chưa được độc lập. Cùng với đó là dòng tựa đề khẳng định tinh thần, trách nhiệm, quyết tâm chiến đấu của người lính trẻ: “Nhiệm vụ là đánh giặc. Chức năng ở chiến trường. Trách nhiệm là đánh thắng”.
Sau thời gian huấn luyện, ngày 25-3-1970, Nguyễn Đức Quang cùng đơn vị hành quân vào Nam, chiến đấu trong đội hình Đại đội 6, Tiểu đoàn 5, Trung đoàn 44, Sư đoàn 1. Đây là sư đoàn chủ lực đầu tiên có mặt tại chiến trường Tây Nguyên, liên tục chiến đấu và giành được những chiến thắng giòn giã, tiêu diệt nhiều sinh lực địch, ghi vào lịch sử dân tộc với những chiến công lẫy lừng...
|
|
Cuốn nhật ký và các hiện vật của liệt sĩ Nguyễn Đức Quang được lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam. Ảnh do Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam cung cấp
|
Trên đường ra mặt trận, với lòng quyết tâm cao, sự can trường, dũng cảm nhưng tâm hồn người chiến sĩ Nguyễn Đức Quang vẫn vô cùng lãng mạn. Đúng như lời anh ghi trong nhật ký: “Con người tôi da thịt, nhưng tâm hồn tôi là thép. Tôi đã đi với lý tưởng cách mạng...". Anh ghi lại những trang viết đậm chất thơ: “Ta tự hào vì sao ta đã lớn/ Thành người chiến sĩ hôm nay/ Như mối tình hò hẹn nồng say/ Rời cây bút cuốc cày ta cầm súng/ Rời nhà máy thân yêu rộn ràng khói trắng/ Ta ra đi theo tiếng gọi Bác Hồ/ Hay vì tiếng lòng ta bay tới thủ đô”; “Ta vọt lớn như trai Phù Đổng/ Quân Giải phóng lòng ta rạo rực/ Như ước mơ hò hẹn sẽ làm/ Ta ra đi theo tiếng gọi miền Nam/ Tiếng dân tộc nhịp bước cùng thời đại/ Quá khứ trôi qua soi cho hiện đại/ Của hôm nay ta làm một mùa xuân” (trích nhật ký của Nguyễn Đức Quang).
Nguyễn Đức Quang tự học, rèn luyện ý chí, lập trường tư tưởng, bản lĩnh chính trị bằng cách chép lại 10 lời thề danh dự của quân nhân, 12 điều kỷ luật Quân đội, Lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh... Được cống hiến, góp sức mình vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, Nguyễn Đức Quang thể hiện nỗi niềm cảm xúc dâng trào, ý chí sắt đá của tuổi trẻ: “Thế là đời tôi bước vào thiên đường của thời đại lịch sử. Với lứa tuổi đầy nhựa sống, tôi nghĩ rằng phải được góp mình vào công cuộc kháng chiến”... Đó là mục tiêu, lý tưởng, cũng là lời thề quyết chiến, quyết thắng của Nguyễn Đức Quang được anh ghi lại trong cuốn nhật ký.
Giở từng trang viết trong cuốn nhật ký nhuốm màu thời gian, nét chữ đã bay màu mực ấy, những ký ức sống động của người lính về cuộc sống, chiến đấu với sự khốc liệt, gian khổ nơi chiến trường vẫn hiện hữu. Ở trong đó là nỗi nhớ thương người thân nơi quê nhà cùng mọi cung bậc cảm xúc của con người, nhưng trên hết là lòng yêu nước, tinh thần lạc quan, sẵn sàng hiến dâng cuộc đời cho lý tưởng cách mạng: “Cuộc hành trình rất gian truân, phải vượt biết bao dốc núi, lội biết bao suối sâu, bàn chân đã nhợt nhạt ra vì lội suối. Nhưng khó khăn nào cản được bước chân tôi. Con người tôi da thịt, nhưng tâm hồn tôi là thép. Tôi đã đi với lý tưởng cách mạng”.
Những lúc chiến trường ngưng tiếng súng, Nguyễn Đức Quang lại sáng tác thơ trong giờ nghỉ ngơi. Lời thơ mộc mạc, giản dị nhưng toát lên tinh thần lạc quan, yêu đời, ý chí quyết tâm sẵn sàng ra trận chiến đấu giải phóng quê hương. “Có lúc nào xao xuyến lòng ta/ Bằng lúc chia tay lên đường đánh Mỹ/ Có gì vui hơn lúc này bạn nhỉ/ Bằng hôm nay (7/8) ta ra trận một mùa xuân...” (bài thơ “Sẵn sàng” của Nguyễn Đức Quang sáng tác ngày 21-3-1970).
Niềm tin sắt son vào Đảng được anh thể hiện qua bài thơ “Theo Đảng tiến bước” sáng tác ngày 21-3-1970, trong đó có đoạn: “Hôm nay ta nghe lòng xao xuyến/ Anh sung sướng xông ra trận tuyến/ Cùng non sông đứng dậy diệt thù/ Hòa chiến công lừng lẫy chiến khu/ Ta ra đi để giết giặc thù/ Giành lấy tương lai lấy trời thu/ Cho quê hương ta hết sạch bóng thù/ Cho núi rừng ta đẹp đẽ chiến khu”.
Đi giữa chiến trường khói lửa, mất mát, hy sinh có thể đến bất cứ lúc nào, Nguyễn Đức Quang ghi những dòng nhật ký ngày 25-3-1970 như dự báo về sự hy sinh của mình: “Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta còn phải kinh qua nhiều gian khổ, đời chiến binh của tôi còn phải kinh qua gian khổ hy sinh hơn nữa. Đó là điều chắc chắn. Không còn bao lâu nữa thì tôi xa miền Bắc xã hội chủ nghĩa vào Nam chiến đấu. Trước khi xa miền Bắc xã hội chủ nghĩa, tôi để sẵn mấy lời này phòng khi tôi đi gặp anh Trỗi, anh Bé, gia đình, bạn bè thân thuộc khỏi cảm thấy đột ngột...”.
Những dòng chữ khiến không ít người đọc ngày nay thấy nghẹn ngào xúc động, nhưng với Nguyễn Đức Quang khi ấy lại xem như một sự tự nhiên, một điều sẽ xảy ra vì tương lai đất nước và cho một Việt Nam hòa bình, độc lập như hôm nay. Người lính trẻ năm ấy không tiếc máu xương của mình để đổi lấy điều quý giá hơn cho người khác, dù biết mình sẽ hy sinh nhưng vẫn xông pha tiến vào trận chiến với một tâm thế nhẹ nhàng, thanh thản như vậy. Quả là một trái tim dũng cảm, kiên cường, bất khuất vì quê hương, đất nước Việt Nam.
Và rồi, anh đã mãi xa miền Bắc xã hội chủ nghĩa không trở về. Theo lời kể của ông Nguyễn Văn Chung (em trai liệt sĩ Nguyễn Đức Quang), trong cuộc chiến đấu ác liệt tại núi Dài Lớn thuộc xã Lương Phi, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang (tháng 2-1973), anh Quang bị thương vào cổ. Anh được đồng đội đưa vào Bệnh viện Trung đoàn K52 điều trị. Nhưng do vết thương quá nặng, anh Quang đã hy sinh ngày 1-3-1973.
Sau ngày đất nước thống nhất, đồng đội mang cuốn sổ nhật ký của Nguyễn Đức Quang về cho gia đình lưu giữ. Cuốn sổ được gia đình cất giữ suốt hơn 50 năm qua. Qua tìm hiểu các hoạt động vận động hiến tặng hiện vật lịch sử của cựu chiến binh Sư đoàn 1 cho Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam, ông Nguyễn Văn Chung đã gửi hội cựu chiến binh Sư đoàn 1 trao tặng cuốn sổ cho Bảo tàng làm hiện vật. Lễ tiếp nhận được tổ chức trang trọng tại Hà Nội, cùng nhiều hiện vật, kỷ vật tiêu biểu của các chiến sĩ Sư đoàn 1 Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam anh hùng.
Nhật ký thời chiến là những trang viết phản ánh trung thực, chính xác về cuộc chiến tranh đã qua. Bởi chủ nhân của những trang nhật ký viết ngay tại chiến trường, viết những gì họ muốn nói nhất. Những trang nhật ký đã minh chứng cho tình yêu đất nước, yêu độc lập, tự do, không hề khiếp sợ và sự dâng hiến trọn vẹn tuổi xuân của thế hệ cha anh cho đất nước có được hòa bình.
Trưng bày hiện vật thư, nhật ký, hồi ký thời chiến là một nội dung được giới thiệu tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam từ khi triển khai xây dựng ở vị trí mới. Chính vì vậy, hiện vật cuốn nhật ký của liệt sĩ Nguyễn Đức Quang và các cuốn nhật ký thời chiến khác sẽ góp phần làm phong phú thêm nội dung trưng bày tại Bảo tàng, truyền tải thông điệp về hòa bình, khát vọng và truyền thống yêu nước tới thế hệ hôm nay và mai sau.
LÊ HÒA