Những ai từng sống và chiến đấu ở Hà Nội trong những năm tháng chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ không quên ngày đó, 18-12-1972. Hôm đó, Hà Nội rét đậm và mưa phùn. Bầu trời Hà Nội phủ lớp mây mù màu chì đặc quánh, kéo bóng đêm xuống nhanh. Gió mùa Đông Bắc thổi nhẹ. Đêm xuống, Hà Nội tĩnh lặng. Một sự im lặng kéo dài báo hiệu một sự kiện lớn sắp diễn ra. Trời rét, nhưng các chiến sĩ ta trên các trận địa, người nóng ran trong tư thế vào trận.

Lúc 19 giờ 10 phút, Đại đội Ra-đa 16 và tiếp đó, 19 giờ 15 phút, Đại đội Ra-đa 45 phát hiện máy bay B-52 bay dọc sông Mê Công lên hướng Tây Bắc nên đã kịp thời báo về sở chỉ huy. 19 giờ 40 phút, những tốp máy bay B-52 đầu tiên bắt đầu đánh phá sân bay Hòa Lạc, sân bay Nội Bài. Bầu trời Hà Nội trắng xóa bởi toàn bộ hệ thống nhiễu của các loại máy bay Mỹ mở hết công suất nhằm gây khó khăn cho các chiến sĩ radar, tên lửa đang căng mắt theo dõi chúng.

Bằng trí thông minh, sáng tạo và lòng dũng cảm, các chiến sĩ của ta bình tĩnh phân biệt nhiễu của máy bay B-52 với các loại máy bay khác, báo cáo về sở chỉ huy. Lệnh phóng đạn đã truyền đi, đó là lúc 19 giờ 44 phút ngày 18-12-1972, quả tên lửa đầu tiên của bộ đội phòng không Hà Nội lao vút về mục tiêu B-52. Tiếp đó, "rồng lửa Thăng Long" của các đơn vị tên lửa phòng không nối nhau vút lên bầu trời khiến "pháo đài bay" B-52 bốc cháy. Bầu trời Hà Nội rực sáng. Quân và dân Hà Nội bất chấp hiểm nguy ra khỏi hầm trú ẩn, reo hò, hô vang: “Máy bay B-52 của Mỹ cháy rồi!”.

Giữa cảnh huyên náo, sôi động, ngổn ngang của chiến trận và không khí náo nhiệt mừng niềm vui chiến thắng, Đại tướng-Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp nhận được tin: Máy bay B-52 của không quân Mỹ bị bộ đội tên lửa Hà Nội bắn cháy, rơi tại chỗ! Với tính mẫn cảm, cẩn thận và chính xác của vị Tổng Tư lệnh dày dạn kinh nghiệm chỉ huy chiến trường và cũng như để khẳng định suy nghĩ của mình, Đại tướng Võ Nguyên Giáp cầm ngay điện thoại hỏi Bộ tư lệnh Phòng không Hà Nội. Đầu máy bên kia, đồng chí Trần Văn Giang, Chính ủy Bộ tư lệnh trả lời ngắn gọn và khúc chiết: Báo cáo Đại tướng-Tổng Tư lệnh, tấm nhãn hiệu chiếc B-52G, do đồng chí Trung đoàn trưởng Trung đoàn 261 đưa lên đang nằm trên tay của Trung đoàn trưởng đây.

Máy bay B-52 của không lực Hoa Kỳ đã bị bộ đội tên lửa của ta bắn rơi tại chỗ, quá đỗi vui mừng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đặt máy điện thoại xuống bàn rồi báo cáo tin vui đó cho đồng chí Lê Duẩn, Trường Chinh và các đồng chí Bộ Chính trị đang họp, mà không kịp cảm ơn đồng chí Trần Văn Giang. Không khí cuộc họp Bộ Chính trị vui hẳn lên, nét mặt ai nấy đều hân hoan.

leftcenterrightdel
Một cảnh trong bộ phim truyện "Hà Nội 12 ngày đêm" 

Cuộc đối thoại ngắn ngủi giữa lòng Thủ đô Hà Nội làm cho chúng ta nhớ đến cuộc đối thoại cách thời điểm ấy 18 năm giữa Sở chỉ huy Mường Phăng của Mặt trận Điện Biên Phủ với một cán bộ chỉ huy cấp đại đoàn tại hầm chỉ huy của tướng De Castries tại Mường Thanh.

Đó là chiều 7-5-1954, sau những loạt pháo của ta cấp tập bắn vào các vị trí đồn trú còn lại của cứ điểm Điện Biên Phủ, quân ta từ các hướng nhanh chóng vượt qua chướng ngại vật tiến về trung tâm Mường Thanh-khu chỉ huy của địch. Lá cờ "Quyết chiến Quyết thắng" của Quân đội ta phấp phới trên nóc hầm chỉ huy của tướng De Castries. Cả lòng chảo Điện Biên phất phơ cờ trắng đầu hàng. Đường sá xa, thông tin liên lạc không thuận tiện, Đại tướng Võ Nguyên Giáp từng giây, từng phút chờ tin thắng trận từ mặt trận báo về. Bỗng máy điện thoại reo lên, Đại tướng nhanh chóng cầm lấy và nghe. Một giọng quen thuộc bên kia máy-mà Đại tướng đã nhận ra-đó là Đại đoàn trưởng Đại đoàn 312 Lê Trọng Tấn báo cáo rành rọt rằng bộ đội ta đã bắt sống tướng De Castries rồi.

Nhớ lời dặn của Bác Hồ trước khi đi chiến dịch lịch sử này: Chắc thắng mới đánh, không chắc thắng không đánh! Đại tướng Võ Nguyên Giáp chậm rãi hỏi lại có đúng là De Castries không. Đại đoàn trưởng Lê Trọng Tấn trả lời một cách rõ ràng rằng tướng De Castries đang ở trước mặt. Nghe xong, niềm vui chiến thắng của cán bộ, chiến sĩ đang ở mặt trận như lan truyền khắp cơ thể vị Đại tướng. Mặt Đại tướng tươi lên, như trút đi những lo toan, gian khổ, ác liệt, hy sinh của những ngày tháng chỉ huy chiến dịch. Ông thở ra một hơi khoan khoái rồi nằm xuống chiếc giường tre một cách thoải mái mà mấy tháng qua ông vẫn nằm trong tiếng đạn pháo nổ, bom rơi.

Câu hỏi lặp lại của Đại tướng-Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp trong hai chiến dịch cách nhau 18 năm, khẳng định sự thắng lợi của hai chiến dịch đó, có ý nghĩa quyết định mở ra bước ngoặt của cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, nay vẫn còn vang vọng. Câu hỏi lặp lại đanh thép, thật thú vị và hiếm có.

PHONG HẢI (sưu tầm và biên tập)