Những ngày đầu gian khó

Những ngày đầu tháng 10, chúng tôi về vùng Tứ giác Long Xuyên-nơi trước đây được gọi là “vùng đất chết”. Đứng trên cầu T5, đầu tuyến kênh Võ Văn Kiệt ở cánh đồng Lạc Quới, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang, phóng tầm mắt về hướng biển Tây, chúng tôi cảm nhận được một sức sống mới đang vươn lên mạnh mẽ. Màu vàng úa của đồng phèn, màu xám xịt của cỏ lác, cỏ năn ở vùng hoang hóa thuở nào nay được thay bằng màu vàng ươm của cánh đồng lúa đang oằn hạt, dòng nước trong xanh hiền hòa.

Ông Nguyễn Minh Nhị, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh An Giang nói với chúng tôi, nếu không có quyết sách táo bạo của Thủ tướng Võ Văn Kiệt thì sẽ không có một vùng Tứ giác Long Xuyên màu mỡ, trù phú như hôm nay. Theo ông Nhị, hàng chục năm trước, vùng này chỉ là cánh đồng phèn trải dài bất tận. Mùa mưa chìm sâu trong lũ nhưng lại khô khốc trong mùa nắng. Những vùng có nước lại bị nhiễm phèn nặng. “Nước phèn đỏ quạch như màu nước mắm, tắm cũng không nổi chứ đừng nói uống được”, ông Nhị nhớ lại. Mùa khô năm 1996, khi Thủ tướng Võ Văn Kiệt cùng các nhà khoa học đến khảo sát toàn vùng Tứ giác Long Xuyên và các tuyến kênh, tìm cách đưa nước thoát lũ ra biển Tây, đón nước ngọt và rửa phèn cho Tứ giác Long Xuyên, người dân rất vui mừng. Sau khảo sát và lấy ý kiến các nhà khoa học, ngày 22-4-1997, Thủ tướng Võ Văn Kiệt quyết định cho khởi công đào kênh, huy động mọi lực lượng hối hả hoàn thành trước lũ. “Hôm khởi công, tôi mang xuống 4 con heo quay để “khao quân”. Nhìn người dân đổ ra xem, tôi nói với anh em thi công vui thì vui thiệt nhưng thử thách cũng nặng nề dữ lắm. Đừng làm không ra gì để dân quở trách”, ông Nhị cho biết.

Trực tiếp tham gia khai phá vùng Tứ giác Long Xuyên do Thủ tướng Võ Văn Kiệt khởi xướng, ông Nguyễn Hữu Khánh, nguyên Bí thư Tỉnh ủy An Giang nhớ lại: "Đào kênh T5 với mục đích dẫn thủy nhập điền, đưa nước ngọt vào sâu nội đồng, tháo chua rửa phèn, cải tạo đất nông nghiệp nhưng nhiều người vẫn chưa dám tin đây là giải pháp khả thi. Bởi hàng trăm năm qua, vùng đất này vẫn do thiên nhiên làm chủ, việc đào kênh là trực tiếp làm thay đổi hệ sinh thái, có thể tác động sâu đến túi phèn trong lòng đất dẫn đến kết quả ngược lại và không thể canh tác lúa".

Vượt lên sự phản biện bằng tầm nhìn xa, Thủ tướng Võ Văn Kiệt và các nhà khoa học đã đưa ra quy trình kiểm soát lũ khả thi. Hệ thống kiểm soát lũ dọc bờ kênh và hệ thống kênh T4, T5, T6 mở ra, thải dòng nước phèn và ít phù sa thoát nhanh ra biển Tây để giảm đến mức thấp nhất tình trạng ngập lũ đầu vụ. Đợi đến khi dòng nước xuất hiện thì cho tràn đồng tháo chua rửa phèn, vệ sinh đồng ruộng, kết hợp với ngăn mặn, giữ ngọt cải tạo đất phục vụ sản xuất. Lòng kênh thì thoát lũ, trên đôi bờ kênh thì xây dựng tuyến dân cư an toàn.

“Đây là một quyết định vô cùng thông tuệ của Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Khi kênh hoàn thành, nhìn dòng nước kênh Vĩnh Tế chảy băng băng vào kênh T5 rồi chảy qua tỉnh Kiên Giang đổ ra biển Tây, ai cũng vui mừng. Lúc đó, chúng tôi hình dung khu vực Tứ giác Long Xuyên sẽ thay đổi nhưng không ngờ lại thay đổi quá lớn lao như vậy”, ông Khánh chia sẻ.

Ngay từ khi mới thi công, kênh T5 đã được người dân gọi là "kênh ông Kiệt" như là lời cảm ơn về sự tâm huyết và quyết sách hợp lòng dân của vị Thủ tướng.

leftcenterrightdel
Kênh Võ Văn Kiệt đã giúp vùng Tứ giác Long Xuyên tháo chua rửa phèn, thoát lũ, tăng năng suất lúa. Ảnh: THÚY AN 

Tri ân cố Thủ tướng bằng “cây nhà lá vườn”

Cuối tháng 8-1997, sau 4 tháng thi công, tuyến kênh trải dài từ An Giang đến Kiên Giang được đào xong. Đây là đại công trình thủy lợi nhanh nhất trên vùng đất này tại thời điểm đó. Ngày mở đập tạm ngăn kênh Vĩnh Tế với kênh mới, mọi người vừa náo nức vừa hồi hộp. Khi dòng nước lũ đầu tiên từ Vĩnh Tế cuồn cuộn đổ vào kênh mới đào để chảy ra biển Tây, bà con không nén được xúc động, mừng vui. Nhìn những con cá linh lấp lánh quẫy mình trong nước lũ để vào dòng kênh mới, họ hiểu rằng bưng biền hoang nghèo đã được đánh thức để sức sống bừng lên trên mảnh đất này.

Từ chỗ sản xuất không đủ ăn, nay vùng Tứ giác Long Xuyên trở thành một trong hai vựa lúa gạo xuất khẩu quan trọng của vùng Đồng bằng sông Cửu Long với diện tích khoảng 353.000ha. Hằng năm, tổng sản lượng lúa đạt gần 5 triệu tấn. Trên đồng lúa vùng Tứ giác Long Xuyên hôm nay, nông dân không chỉ giỏi việc đồng áng mà còn nhạy bén nắm bắt thị trường. Bà con bắt đầu nghĩ nhiều hơn về quy trình sản xuất nâng cao chất lượng lúa sau thu hoạch, chọn cho mình hướng canh tác bền vững, góp phần nâng tầm thương hiệu hạt gạo Việt Nam.

Anh Nguyễn Phước Nam, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An (Kiên Giang) cho biết: "Với diện tích cánh đồng lớn 250ha, công ty dành ra 100ha để sản xuất theo hướng hữu cơ, đáp ứng xu hướng phát triển của thị trường khó tính. Trước đây, khi chưa có kênh ông Kiệt, người dân chỉ làm được một vụ lúa, giờ thì làm được hai vụ, đường giao thông thuận tiện, thu hoạch xong có thể vận chuyển xuống ghe hoặc lên xe đi thẳng vào nhà máy. Nhờ dòng nước kênh ông Kiệt tháo chua rửa phèn mà năng suất lúa cao hơn trước rất nhiều”.

Không chỉ sản xuất lúa, nhiều nông dân còn năng động chuyển đổi cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao. Cuối dòng kênh T5, nơi dòng mặn, ngọt giao hòa, nông dân xã Bình Giang, huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang còn lựa chọn sinh kế phù hợp với điều kiện tự nhiên. Chẳng hạn như vợ chồng ông Trần Nhẫn, ở miệt vườn Vĩnh Thuận, từ khi có kênh T5, thiên nhiên hào phóng đã quyết định chọn Hòn Đất làm nơi gắn bó lâu dài. Hầu hết nông dân chủ động nguồn nước để sản xuất. Mô hình con tôm ôm cây lúa ra đời từ đó. Qua từng mùa vụ, cuộc sống nông dân ở đây ngày càng được ổn định. Theo ông Nhẫn, ở vùng này có hai mùa nước lợ và ngọt. Mùa nước ngọt bà con sạ lúa, đến khi thu hoạch xong thì bơm nước mặn vào nuôi tôm. Cây lúa trở thành thức ăn cho tôm, còn chất thải của tôm là dinh dưỡng cho lúa phát triển, cứ thế tôm, lúa đi cùng nhau từng ngày, mang lại cuộc sống ấm êm cho người dân và trở thành thương hiệu của vùng đất Bình Giang, Hòn Đất.

Dòng chảy kênh T5 hơn 20 năm qua là minh chứng xác thực cho quyết định mang tính chiến lược của Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Xuôi dòng kênh T5 chạy dài ra hướng biển, nước ngọt mang phù sa đi tới đâu ruộng đồng đổi thay đến đó. Để tri ân công lao to lớn của Thủ tướng Võ Văn Kiệt, HĐND tỉnh An Giang khóa VII (nhiệm kỳ 2004-2011) đã quyết nghị đặt tên công trình kênh T5 thành kênh Võ Văn Kiệt. Đồng thời, xây dựng bia tri ân Thủ tướng Võ Văn Kiệt tại công viên văn hóa cạnh dòng kênh. Hằng năm, vào ngày 11-6 (ngày mất của Thủ tướng Võ Văn Kiệt), ở một góc nhỏ của làng quê An Giang, gia đình ông Nguyễn Hữu Khánh, nguyên Bí thư Tỉnh ủy An Giang đều tổ chức lễ giỗ.

leftcenterrightdel

Bia tri ân Thủ tướng Võ Văn Kiệt tại xã Lạc Quới, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang. Ảnh: THÚY AN 

Tương tự như phong tục lễ giỗ ở làng quê Nam Bộ, mọi người đến đây đều mang các phẩm vật cúng giỗ là những sản phẩm “cây nhà lá vườn”. Đến dự lễ giỗ, bên cạnh các vị đã nghỉ hưu còn có nhiều cán bộ, viên chức ở An Giang và người dân địa phương. Mọi người đến đây một cách tự nguyện, quây quần bên nhau chuyện trò và cùng ôn lại những kỷ niệm khó quên về chú Sáu Dân...

Kênh Võ Văn Kiệt nối tiếp kênh Thoại Hà và kênh Vĩnh Tế, lịch sử gần 200 năm liên tục một dòng chảy, cuộn tràn sức sống ở vùng đất phương Nam. Thế hệ hôm nay nương dòng chảy ấy hiên ngang ra biển lớn với tất cả niềm tự hào và lòng biết ơn sâu sắc.

THÚY AN