Tỷ lệ nhỏ, uy tín cao

Cán bộ, sĩ quan quân đội tham gia Quốc hội thể hiện tính đại diện cho đông đảo cử tri quân nhân và cũng đại diện cho nhân dân ở các vùng miền trong cả nước; đồng thời chủ động tích cực đóng góp xây dựng những chủ trương, chính sách liên quan đến lĩnh vực quốc phòng và an ninh (QPAN).
Từ khóa đầu tiên đến nay, thường có khoảng 6-10% đại biểu quân đội trong Quốc hội. Đó là các đồng chí lãnh đạo Bộ Quốc phòng, Bộ Tổng Tham mưu, Tổng cục Chính trị, đại diện lãnh đạo các tổng cục, quân chủng, quân khu và một số chỉ huy cơ quan quân sự. Riêng Quốc hội khóa VI được nhân dân cả nước bầu ngày 25-4-1976 trong cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội thống nhất sau ngày miền Nam giải phóng có tỷ lệ ĐBQH là cán bộ, sĩ quan quân đội cao nhất (11,9%).

Những khóa Quốc hội trước đây, nhất là thời kỳ còn chiến tranh, đại biểu quân đội tham gia Quốc hội thường là những đồng chí có nhiều thành tích trong chiến đấu, được nhân dân trong nước và quốc tế biết đến. Thời kỳ đổi mới, đại biểu quân đội được chọn tham gia Quốc hội là những đồng chí có thể đóng góp nhiều ý kiến vào xây dựng chính sách pháp luật và giám sát hoạt động của bộ máy nhà nước.

leftcenterrightdel
Quang cảnh phiên khai mạc Kỳ họp thứ mười, Quốc hội khóa XIV. Ảnh: TTXVN 

Khóa I (1946-1960) với tổng số 403 đại biểu, trong đó 333 đại biểu được bầu, bầu cử ngày 6-1-1946 có 87% số đại biểu được bầu là công nhân, nông dân, chiến sĩ cách mạng. Khóa II (1960-1964) với 453 đại biểu, bầu cử ngày 8-5-1960 có 4,4% là đại biểu quân đội. Khóa III (1964-1971) với 453 đại biểu, bầu cử ngày 26-4-1964 có 4,0% là đại biểu quân đội.

Khóa IV (1971-1975) với 420 đại biểu, bầu cử ngày 11-4-1971 có 6,4% là đại biểu quân đội. Khóa V (1975-1976) với 424 đại biểu, bầu cử ngày 6-4-1975 có 6,6% là đại biểu quân đội. Khóa VI (1976-1981) với 492 đại biểu, bầu cử ngày 25-4-1976 có 10,9% là đại biểu quân đội. Khóa VII (1981-1987) với 496 đại biểu, bầu cử ngày 26-4-1981 có 9,9% là đại biểu quân đội.

Khóa VIII (1987-1992) với 496 đại biểu, bầu cử ngày 19-4-1987 có 9,9% là đại biểu quân đội. Khóa IX (1992-1997) với 395 đại biểu, bầu cử ngày 19-7-1992 có 6,78% là đại biểu quân đội... Mấy khóa gần đây, cách thống kê ĐBQH có thay đổi một số tiêu chí nên không thống kê riêng về đại biểu quân đội. Tuy nhiên vẫn duy trì khoảng 7-8% đại biểu quân đội.

Từ khóa I đến khóa VII, hầu hết ĐBQH hoạt động kiêm nhiệm, chỉ có một số ít các vị do Đảng, Nhà nước phân công làm lãnh đạo Quốc hội và công tác thường xuyên ở cơ quan của Quốc hội như các cụ: Nguyễn Văn Tố, Bùi Bằng Đoàn, Tôn Đức Thắng, Trường Chinh, Nguyễn Hữu Thọ, Phan Anh. Đến khóa VIII mới bố trí cả Chủ tịch, Phó chủ tịch Quốc hội hoạt động chuyên trách, trong đó Chủ tịch Quốc hội Lê Quang Đạo nguyên là cán bộ cấp cao trong quân đội chuyển ngành.

Mấy chục năm qua, bộ máy nhà nước có nhiều đổi mới theo hướng xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, trong đó có Quốc hội. Tổ chức và hoạt động của Quốc hội ngày càng thực chất, hiệu quả hơn. Việc thực hiện đầy đủ 3 chức năng lập hiến, lập pháp, giám sát và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước với nhiều nhiệm vụ cụ thể yêu cầu mọi ĐBQH phải có trình độ, bản lĩnh phù hợp, trong đó có ĐBQH là cán bộ, sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam.

Mặc dù được bầu ở các địa phương theo Luật Bầu cử ĐBQH và đại biểu Hội đồng nhân dân, sinh hoạt theo các đoàn ĐBQH địa phương, nhưng hoạt động của ĐBQH quân đội luôn có sự lãnh đạo sát sao của Quân ủy Trung ương nên vừa bảo đảm dân chủ, đồng thời cũng giữ vững nguyên tắc tập trung, thống nhất của quân đội.

Từ Quốc hội khóa IX, Quốc hội đã chủ động bố trí ĐBQH hoạt động chuyên trách. Ngoài những đồng chí là lãnh đạo của Đảng, Nhà nước được phân công sang đảm nhận các cương vị chủ chốt của Quốc hội thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội phối hợp với Ban Tổ chức Trung ương, các cơ quan hữu quan chủ động quy hoạch một số người giới thiệu để cử tri các địa phương bầu ĐBQH. Sau đó Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội bố trí họ hoạt động chuyên trách ở các cơ quan của Quốc hội.

Đại biểu hoạt động theo chế độ chuyên trách được dành toàn bộ thời gian làm việc cho việc thực hiện nhiệm vụ ĐBQH. Việc bố trí các chức danh đại biểu hoạt động theo chế độ chuyên trách đã tiệm cận đến tính chuyên nghiệp, có tính đến năng lực hoạt động chính trị và khả năng chuyên môn của mỗi người. Cán bộ, sĩ quan quân đội dự kiến bố trí hoạt động chuyên trách ở Quốc hội cũng được Đảng đoàn Quốc hội phối hợp chặt chẽ với Quân ủy Trung ương để lựa chọn giới thiệu những đồng chí đủ tiêu chuẩn, phù hợp với hoạt động chuyên trách ở Quốc hội, ở cơ quan chuyên đảm nhiệm công tác QPAN của Quốc hội Việt Nam.

Là cán bộ, sĩ quan quân đội, lại được tham gia Quốc hội nên truyền thống Bộ đội Cụ Hồ luôn “Vì nhân dân quên mình, vì nhân dân hy sinh” càng được phát huy. Chúng ta vinh dự và tiếc thương khi nhớ lại mới gần đây, trong điều kiện hòa bình, nhưng Thiếu tướng Nguyễn Văn Man, Phó tư lệnh Quân khu 4, ĐBQH khóa XIV đã anh dũng hy sinh khi đi làm nhiệm vụ giúp dân chống bão lũ ở Rào Trăng hồi tháng 10-2020.

Trải qua 14 khóa Quốc hội, các vị ĐBQH là cán bộ, sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam đã có nhiều đóng góp cho sự phát triển, đổi mới tổ chức và hoạt động của Quốc hội Việt Nam nói chung.

leftcenterrightdel

Đại tá Nguyễn Văn Man (sau là Thiếu tướng), phát biểu tại Quốc hội khóa XIV, tháng 11-2017.             Ảnh tư liệu  

Vai trò của Ủy ban Quốc phòng và An ninh

Thực hiện chủ trương của Đảng và Luật Tổ chức Quốc hội, từ khóa IX (nhiệm kỳ 1992-1997), Quốc hội đã thành lập thêm một số ủy ban, trong đó có Ủy ban QPAN.
Khóa IX (nhiệm kỳ 1992-1997), Ủy ban QPAN có 21 thành viên. Ban đầu chỉ có đồng chí Trung tướng Đặng Quân Thụy, Phó chủ tịch Quốc hội kiêm Chủ nhiệm ủy ban được bố trí hoạt động chuyên trách, có 3 phó chủ nhiệm và 17 ủy viên kiêm nhiệm; trong đó có 12 đại biểu quân đội, 6 đại biểu ngành công an, 3 đại biểu dân sự. Giữa nhiệm kỳ hai đồng chí phó chủ nhiệm đến tuổi nghỉ lãnh đạo, quản lý ở cơ quan cũ, chuyển ra làm việc chuyên trách ở ủy ban này.
Khóa X (nhiệm kỳ 1997-2002), Ủy ban QPAN có 30 thành viên. Đồng chí Trung tướng Nguyễn Phúc Thanh, Phó chủ tịch Quốc hội kiêm Chủ nhiệm ủy ban hoạt động chuyên trách; có 2 phó chủ nhiệm chuyên trách, 1 phó chủ nhiệm kiêm nhiệm và 26 ủy viên (có 1 ủy viên chuyên trách); trong đó có 20 đại biểu quân đội, 7 đại biểu ngành công an, 3 đại biểu dân sự.

Từ khóa XI, Quốc hội chủ động bố trí ngày càng nhiều ĐBQH hoạt động chuyên trách ở các cơ quan của Quốc hội. Ủy ban QPAN của Quốc hội cũng được kiện toàn, tăng dần cả số lượng và chất lượng để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của ủy ban.
Khóa XI (nhiệm kỳ 2002-2007), Ủy ban QPAN có 38 thành viên. Đồng chí Trung tướng Nguyễn Phúc Thanh tiếp tục giữ chức vụ Phó chủ tịch Quốc hội kiêm Chủ nhiệm ủy ban hoạt động chuyên trách; có 2 phó chủ nhiệm và 2 ủy viên hoạt động chuyên trách; trong đó có 24 đại biểu quân đội, 9 đại biểu ngành công an, 5 đại biểu dân sự.

Khóa XII (nhiệm kỳ 2007-2011), Ủy ban QPAN có 34 thành viên. Đồng chí Thiếu tướng Lê Quang Bình, Chủ nhiệm ủy ban là người hoạt động chuyên trách nhiệm kỳ thứ 3 ở Quốc hội; có 2 phó chủ nhiệm và 3 ủy viên hoạt động chuyên trách; trong đó có 23 đại biểu quân đội, 7 đại biểu ngành công an, 4 đại biểu dân sự. Trong lãnh đạo, Quốc hội phân công đồng chí Trung tướng Huỳnh Ngọc Sơn, Phó chủ tịch Quốc hội giúp Chủ tịch Quốc hội phụ trách, chỉ đạo lĩnh vực QPAN.

Khóa XIII (nhiệm kỳ 2011-2016), Ủy ban QPAN có 36 thành viên. Đồng chí Thiếu tướng Nguyễn Kim Khoa (giữa nhiệm kỳ được thăng quân hàm Trung tướng), Chủ nhiệm ủy ban hoạt động chuyên trách; có 3 phó chủ nhiệm và 3 ủy viên hoạt động chuyên trách; trong đó có 24 đại biểu quân đội, 8 đại biểu ngành công an, 4 đại biểu dân sự. Đồng chí Trung tướng Huỳnh Ngọc Sơn (giữa nhiệm kỳ được thăng lên Thượng tướng), Phó chủ tịch Quốc hội tiếp tục giúp Chủ tịch Quốc hội phụ trách, chỉ đạo lĩnh vực QPAN.

Khóa XIV (nhiệm kỳ 2016-2021), Ủy ban QPAN có 43 thành viên. Đồng chí Thượng tướng Võ Trọng Việt làm Chủ nhiệm ủy ban hoạt động chuyên trách; có 3 phó chủ nhiệm và 5 ủy viên hoạt động chuyên trách; trong đó có 27 đại biểu quân đội, 11 đại biểu ngành công an, 5 đại biểu dân sự. Đồng chí Đại tướng Đỗ Bá Tỵ, Phó chủ tịch Quốc hội được phân công giúp Chủ tịch Quốc hội phụ trách, chỉ đạo lĩnh vực QPAN.
Cơ cấu Ủy ban QPAN luôn có khoảng 10% thành viên ĐBQH dân sự là các đồng chí lãnh đạo địa phương. Đây là sự nhất quán chủ trương xây dựng nền quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân. Các đồng chí đại biểu dân sự tham gia ủy ban cũng giúp có thêm góc nhìn đa chiều và đóng góp khách quan cho xây dựng chính sách hậu phương quân đội cũng như công tác QPAN nói chung.

Các lĩnh vực hoạt động của Ủy ban QPAN ngày càng bài bản và phù hợp với chương trình hoạt động của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Các dự án luật, pháp lệnh do ủy ban chủ trì thẩm tra, tiếp thu, chỉnh lý đều được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội biểu quyết thông qua với số phiếu cao, như: Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam, Luật Nghĩa vụ quân sự, Luật Biên phòng Việt Nam, Luật Động viên công nghiệp... Hoạt động thẩm tra của ủy ban được thực hiện đúng trình tự, thủ tục và các quy định của pháp luật. Trong việc phối hợp thẩm tra các dự án luật, pháp lệnh với các ủy ban, bộ, ngành khác cũng được chủ động, hiệu quả hơn.

Trong Ủy ban QPAN, qua 6 nhiệm kỳ, số đại biểu hoạt động chuyên trách ngày càng tăng lên theo đúng chủ trương của Đảng và quy định của pháp luật. Với tinh thần ham học hỏi, đề cao trách nhiệm trước quân đội và cử tri cả nước nên từng thành viên đều nỗ lực phấn đấu, hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ của ủy ban. Nhiều đồng chí được dân tin, hay gửi ý kiến nguyện vọng để thông qua đại biểu đóng góp ý kiến xây dựng Nhà nước, xây dựng chính sách chung, nhất là gửi gắm ý kiến thông qua chất vấn của đại biểu quân nhân.

NGUYỄN NHÂN TỎ