Trận Phai Khắt, Nà Ngần
Đây là hai trận chiến đấu tiến công đầu tiên của Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân do đồng chí Võ Nguyên Giáp chỉ huy, nhằm thực hiện chỉ thị của lãnh tụ Hồ Chí Minh “trong vòng một tháng sau khi thành lập phải có hoạt động”, “trận đầu nhất định phải thắng”.
17 giờ ngày 25-12-1944, lợi dụng lúc địch đang ăn cơm chiều, lực lượng của Đội cùng du kích nhanh chóng chia làm hai mũi cải trang thành quân tuần tiễu cấp trên đến kiểm tra, bất ngờ tấn công đồn Phai Khắt. Trận đánh diễn ra nhanh chóng. Kết quả, ta tiêu diệt 1 tên và bắt sống 17 tên địch, thu 17 khẩu súng, một ít đạn và quân trang.
Sau khi hạ được đồn Phai Khắt, ngay trong đêm 25-12, Đội khẩn trương hành quân tới xã Cẩm Lý (cách Phai Khắt 15km), tổ chức công đồn Nà Ngần. Trận đánh diễn ra khoảng 7 giờ sáng 26-12, bằng cách cải trang thành toán lính tuần tra bắt được "cộng sản" giải lên quan đồn, lực lượng của ta chủ động tiếp cận, nổ súng tấn công. Kết thúc trận đánh, ta tiêu diệt 5 tên, bắt 17 tên, thu 27 súng và nhiều đạn.
Trong hai trận đánh đầu tiên, Đội sử dụng chiến thuật tiến công bằng lối hóa trang kỳ tập (tập kích) mở đầu một cách xuất sắc trang sử chiến thuật của Quân đội nhân dân Việt Nam.
Chiến dịch Điện Biên Phủ
Chiến thắng Điện Biên Phủ là chiến công vang dội, điển hình nhất trong lịch sử đấu tranh của các dân tộc bị áp bức chống quân xâm lược, mở đầu quá trình sụp đổ của chủ nghĩa thực dân cũ trên phạm vi toàn thế giới.
|
|
Lá cờ Quyết chiến Quyết thắng tung bay trên nóc hầm De Castries và hàng đoàn tù binh Pháp ra đầu hàng trong Chiến dịch Điện Biên Phủ được tái hiện trên bức tranh panorama tại Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ |
Sau 56 ngày đêm (từ ngày 13-3 đến 7-5-1954) chiến đấu kiên cường, vượt qua muôn vàn gian khổ, hy sinh, quân và dân ta đã tiêu diệt hoàn toàn cứ điểm Điện Biên Phủ; tiêu diệt và bắt làm tù binh 16.200 tên địch, gồm 17 tiểu đoàn bộ binh và lính dù, 3 tiểu đoàn pháo binh và cối, 10 đại đội ngụy bổ sung và các đơn vị công binh, vận tải, xe tăng, không quân... Tổng số sĩ quan, hạ sĩ quan bị quân ta tiêu diệt và bắt sống là 1.766 tên, gồm: 1 thiếu tướng; 16 đại tá, trung tá; 353 sĩ quan từ cấp thiếu úy đến thiếu tá; 1.396 hạ sĩ quan.
Tổng số máy bay Pháp bị bắn rơi và phá hủy ở ngay tại mặt trận là 57 chiếc, ngoài ra còn 5 chiếc bị bắn rơi trên tuyến cung cấp cho mặt trận. Ta thu chiến lợi phẩm vũ khí, kho tàng của địch ở Điện Biên Phủ, trong đó có 28 khẩu pháo lớn, 64 xe, 5.915 súng các loại, 20.000 lít xăng dầu, 21.000 chiếc dù, 20 tấn thuốc và dụng cụ quân y...
Thắng lợi Chiến dịch Điện Biên Phủ cũng là toàn thắng của trận quyết chiến chiến lược lớn nhất trong kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, kết thúc oanh liệt Chiến cuộc Đông Xuân 1953-1954 của quân và dân ta, đánh bại Kế hoạch Navarre, làm sụp đổ hy vọng xoay chuyển cục diện chiến tranh của thực dân Pháp và can thiệp Mỹ; tiêu diệt một bộ phận sinh lực lớn của địch, giải phóng nhiều vùng đất đai rộng lớn có tầm chiến lược quan trọng, mở ra cục diện mới, tạo cơ sở cho cuộc đấu tranh thắng lợi ở Hội nghị Geneva về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam và Đông Dương.
Chiến thắng “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không”
Chiến thắng “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không” tháng 12-1972 là một chiến thắng có ý nghĩa lịch sử, tạo ra bước ngoặt chính trị, làm thay đổi căn bản cục diện của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, buộc chính quyền Mỹ phải ký Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam, tạo ra thế và lực mới tiến tới giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Chiến dịch này bắt đầu từ ngày 18-12-1972 và kết thúc ngày 29-12-1972. Phía Mỹ gọi trận không kích ở Hà Nội, Hải Phòng trong 12 ngày đêm ấy là Chiến dịch Linebacker II hay Chiến dịch ném bom lễ Giáng sinh.
Kết quả, sau 12 ngày đêm chiến đấu, quân và dân ta đã bắn rơi 81 máy bay các loại, trong đó có 34 máy bay B-52, 5 máy bay F-111, 21 máy bay F-4, 12 máy bay A-7, 1 máy bay F-105, 4 máy bay AD-6, 2 máy RA-5C, 1 máy bay trực thăng HH-53, 1 máy bay không người lái, bắt sống nhiều giặc lái, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chiến lược, làm nên Chiến thắng “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không” có một không hai trong lịch sử.
Chiến dịch Hồ Chí Minh
Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử-chiến dịch quyết chiến chiến lược trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975-là mốc son chói lọi, đánh dấu cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước kết thúc thắng lợi và nhân dân Việt Nam đã thực hiện trọn vẹn tư tưởng chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh "đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào"; giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
|
|
Nhân dân Sài Gòn đổ ra đường, nồng nhiệt đón Quân giải phóng tiến vào thành phố. |
Sau thời gian chuẩn bị chu đáo về mọi mặt, 17 giờ ngày 26-4-1975, cuộc tổng công kích thành phố Sài Gòn-Gia Định bắt đầu. Từ các hướng Tây-Bắc, Đông-Bắc, Đông, Đông-Nam, Tây và Tây-Nam, các binh đoàn thọc sâu có xe tăng dẫn đầu, đập tan các khu vực phòng thủ vòng ngoài của địch.
Ngày 29-4-1975, quân ta mở đợt tiến công mới tiêu diệt và làm tan rã phần lớn các sư đoàn: 5, 25, 18, 22 và 7 của quân địch ở vùng ven thành phố. Sáng 30-4-1975, quân ta đồng loạt đánh chiếm các mục tiêu trong thành phố. 11 giờ 30 phút ngày 30-4-1975 lịch sử, lá cờ cách mạng được cắm trên nóc Dinh Độc Lập. Đây là thời điểm đánh dấu TP Sài Gòn-Gia Định hoàn toàn giải phóng. Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng.
Chiến thắng Chiến dịch Hồ Chí Minh là thành quả vĩ đại trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội do Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo. Đây là thắng lợi tiêu biểu của lực lượng cách mạng thế giới, góp phần thúc đẩy cuộc đấu tranh của nhân dân thế giới vì mục tiêu độc lập dân tộc, hòa bình, dân chủ và tiến bộ xã hội. Đồng thời, cổ vũ, động viên các dân tộc đang tiến hành công cuộc giải phóng dân tộc, chống chủ nghĩa thực dân kiểu mới trên toàn thế giới.
PHÙNG HẢI