Trong căn hộ tập thể rộng hơn 100m2 ngay tầng 1 ở phố Vũ Ngọc Phan (Hà Nội), bà Nguyễn Thị Bích Thuận vừa được cán bộ quận Đống Đa đưa về sau buổi gặp mặt các cựu chiến binh, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ của TP Hà Nội. Mới vài ngày trước, chúng tôi cũng gặp bà trong buổi gặp mặt do quận Đống Đa tổ chức. Vừa về đến cổng, bác bí thư chi bộ tổ dân phố bắt gặp bà khuôn mặt phúc hậu với mái tóc như cước, trong bộ quân phục K82 kiểu cũ, ngực gắn đầy huân, huy chương, liền níu ngay bà lại để chụp ảnh. Mở cửa dẫn tôi vào nhà, bà bảo, lẽ ra hôm nay sẽ có 16 người đại diện cựu chiến binh, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến của quận tham gia buổi gặp mặt của thành phố, nhưng cuối cùng chỉ còn 7 cụ đi được vì sức khỏe đa phần đã già yếu. Bà Bích Thuận may mắn còn khỏe mạnh, minh mẫn so với các ông, các bà tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ ngày ấy cũng bởi bà thuộc lứa nhỏ tuổi nhất.

Bà Bích Thuận tự hào giới thiệu với tôi về những bức ảnh chụp gia đình qua các mốc thời gian được treo trong phòng khách. Nhìn khuôn mặt phúc hậu, thường trực nụ cười của bà, tôi cảm nhận rõ ở bà cuộc sống gia đình đầm ấm, hạnh phúc... Vì thế, khi nghe bà kể, bà từng là đứa trẻ mồ côi mẹ, xa cha, sống gửi ở nhờ bao năm không nhà cửa... tôi không khỏi ngỡ ngàng. Bà bảo, chính nhờ tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ đã giúp bà có được những điều mà trước đó có nằm mơ bà cũng không nghĩ đến.

leftcenterrightdel

Bà Nguyễn Thị Bích Thuận. Ảnh: THU HÒA 

Bố bà Bích Thuận vốn gốc miền Trung nhưng đã thất lạc họ hàng. Những năm kháng chiến, bố bà công tác trong các nhà máy sản xuất vũ khí, trang thiết bị phục vụ kháng chiến ở Tuyên Quang. Lên 5 tuổi, Bích Thuận mồ côi mẹ và được bố gửi về bà ngoại ở Thái Bình nuôi. Được vài năm thì bà ngoại mất, Bích Thuận lại được bố gửi cho một cô là bạn của mẹ, không chồng con, với lời dặn dò “nhờ cô chăm con bé giúp tôi, nếu tôi không về được thì nó sẽ là con gái cô”. Nhưng chẳng bao lâu cô không may bị trúng bom và mất, Bích Thuận lại được địa phương gửi vào một gia đình làm con nuôi hai năm, đến năm 1952, một người bạn của bố bà biết chuyện liền đón bà lên Tuyên Quang với bố. Bố con gần nhau được một năm thì ông lại được điều động công tác ở Định Hóa, Thái Nguyên. Bích Thuận vốn quen tự lập, một mình ở lại Chiêm Hóa với các cô, các bác bạn của bố và bà con. Cuối năm 1953, khi mới 16 tuổi, Bích Thuận xung phong đi dân công hỏa tuyến, chuyển gạo phục vụ chiến dịch. Thấy cô bé nhanh nhẹn, khỏe mạnh nên cấp trên chọn đưa sang Cục Quân y hỗ trợ các đội điều trị. Bích Thuận được đưa về Đội điều trị 9-Bản Kéo với nhiệm vụ như một hộ lý là chăm sóc thương binh, bệnh binh.

Bà kể, lán làm việc hầu hết là thương binh nặng lớn tuổi nên bà coi như cha chú mình. Vốn vất vả từ nhỏ nên dù là nữ và còn trẻ tuổi nhưng Bích Thuận không nề hà việc gì, từ chăm sóc hằng ngày, giặt quần áo, tắm rửa, lúc rảnh thì khâu vá quần áo... cho thương binh, bệnh binh. Không hiếm khi có bác bị đau không nằm được, Bích Thuận ngồi đưa lưng cho bác tựa, máu từ vết thương thấm sang cả người cô gái trẻ. Lại có lần, Bích Thuận cõng bác Điền bị mù mắt, cụt một tay ra khu vực tắm. Thân hình nhỏ bé, thêm việc bác Điền cụt một tay không bám chắc được, lại bởi trời vừa mưa đường trơn, trượt chân khiến hai bác cháu bị ngã. Sau lần ấy, Bích Thuận rất áy náy và càng quyết tâm phải cẩn thận, chăm sóc các bác, các chú tốt hơn.

Chính bởi sự tận tâm, nhiệt tình nên cô bé Bích Thuận được các bác, các chú yêu quý. Có khi được tiêu chuẩn thịt hộp do Trung Quốc viện trợ, liền gọi bảo “Bích Thuận ăn đi”, nhưng Bích Thuận nhất định từ chối vì đó là tiêu chuẩn của các thương binh, bệnh binh. Lại có những tối cơn đau hành hạ, khó ngủ, các bác, các chú gọi Bích Thuận đến, “bắt” hát vài bài rồi mới cho về. Bà Bích Thuận vẫn nhớ những bài bà hay hát khi ấy là "Đàn chim Việt", "Nhạc rừng", "Làng tôi", "Sơn nữ ca"...

Từ những ngày tháng ở Đội điều trị 9-Bản Kéo ấy, ngay sau Chiến dịch Điện Biên Phủ, tháng 6-1954, Bích Thuận nhập ngũ và theo học ngành y, cùng đơn vị thực hiện nhiệm vụ: Chăm sóc tù hàng binh sau chiến dịch; chăm sóc thương binh, bệnh binh miền Nam chuyển ra... Năm 1956, bà được cử đi học lớp y tá của Quân y viện 9; năm 1961, bà đi học và sau đó ở lại Bộ môn Hóa Sinh của Trường Đại học Y Hà Nội làm công tác giảng dạy, nghiên cứu đến khi nghỉ hưu.

Bà Bích Thuận kể, vợ chồng bà quen nhau khi ông là bác sĩ đến đơn vị hỗ trợ chuyên môn. Ông bà yêu và cưới nhau năm 1956. Hai vợ chồng đều không tài sản, nhà cửa, cưới xong ở tập thể của đơn vị, quần áo hằng ngày đều là trang phục bộ đội... Cuộc sống đơn sơ mà đầm ấm. Ông bà trải qua hơn 60 năm hạnh phúc, gắn bó cùng nhau cho đến khi ông mất.

Đã 70 năm trôi qua, những ngày tháng công tác gian khổ trong các lán điều trị ở Bản Kéo năm xưa vẫn là ký ức sâu sắc nhất trong cuộc đời bà Bích Thuận. Số phận éo le của bà Bích Thuận là điển hình của hàng vạn người phải chịu bởi chiến tranh. Kháng chiến chống thực dân Pháp, đặc biệt là Chiến dịch Điện Biên Phủ đã cuốn mọi người đi tìm độc lập, tự do cho dù phải hy sinh, gian khổ. Đã có hàng vạn dân công như bà Bích Thuận ra chiến trường góp sức làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ. Chính từ chiến thắng này, những phận đời mong manh, không nơi bấu víu như bà Bích Thuận được trưởng thành, có cơ hội vươn lên, thay đổi cuộc đời, đóng góp cho đất nước.

Bài và ảnh: CHI PHONG