Khi còn làm việc ở Báo Quân đội nhân dân, tôi rất thích “săn” những sự kiện, nhân vật khoa học-công nghệ. Quá trình làm việc, gặp gỡ các nhà khoa học, tôi được nghe nhiều lời ngợi ca GS Đàm Trung Đồn nên rất muốn một ngày được diện kiến người thầy tài đức vẹn toàn này.
Lần đầu tôi được gặp GS Đàm Trung Đồn là khi ông đã ở tuổi ngoài bảy mươi lăm, còn nhanh nhẹn, khỏe mạnh. Nhà GS Đàm Trung Đồn trong một ngõ ở phố Nguyên Hồng (TP Hà Nội). Biết tôi là phóng viên Báo Quân đội nhân dân, vừa gặp, ông nói ngay, trong những năm chiến tranh, ông có nhiều “duyên nợ” với Quân đội. Khoa Vật lý, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (nay là Đại học Quốc gia Hà Nội) của ông có nhiều bộ môn, ngay từ đầu ông đi vào bộ môn chất rắn-bán dẫn, một lĩnh vực được ứng dụng trước hết vào sản xuất, sửa chữa vũ khí, khí tài quân sự...
Được biết gia tộc họ Đàm của ông ở Hương Mạc, Từ Sơn, Bắc Ninh vốn nổi tiếng có nhiều người thông minh tài giỏi. Cha ông từng là quan đầu tỉnh ở chế độ cũ, đã hướng cho các con ngay từ nhỏ phải học thật giỏi, lớn lên chuyên chú làm khoa học phụng sự chế độ mới; nhà có tới 20 người con, trong đó nhiều người đã tham gia Quân đội. Đàm Trung Đồn lúc bé học ở Hà Nội, từng là thủ khoa kỳ thi học sinh giỏi Vật lý các trường trong vùng tạm chiếm. Sau ngày hòa bình lập lại ở miền Bắc, ông đã được Đoàn Thanh niên Cứu quốc Việt Nam giới thiệu đi học khóa đầu của Trường Đại học Sư phạm Khoa học. Tốt nghiệp xuất sắc ở trường đại học, Đàm Trung Đồn được phân công dạy Vật lý tại trường mới thành lập khi đó là Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Thời kỳ này, cơ sở vật chất của trường còn rất nghèo nàn, giảng viên lại không có nhiều thông tin, tài liệu tham khảo. Đặc biệt, lĩnh vực bán dẫn không có người đi trước trong chuyên môn này, thầy Đàm Trung Đồn cứ cần mẫn giảng dạy, nghiên cứu. Kiến thức thầy có được đều là tự học, nhiều khi còn gánh cả phần giảng dạy các môn khác cho đồng nghiệp đi nghiên cứu sinh nước ngoài. Thầy đã tự thiết kế và lắp ráp các thiết bị đo lường điện tử, còn làm lại một số thí nghiệm bán dẫn cơ bản của thế giới trong quá trình phát minh ra bóng bán dẫn (transistor).
Không lâu sau, vào năm 1962, giảng viên trẻ Đàm Trung Đồn đã tự nghiên cứu, chế tạo chiếc transistor đầu tiên trong phòng thí nghiệm của trường, loại germanium khuếch đại được tín hiệu điện (transistor đã ra đời từ phòng thí nghiệm Bell Labs, Mỹ năm 1947). Và báo cáo khoa học đầu tay của thầy có liên quan đến mạch bán dẫn, một lĩnh vực rất mới ở nước ta đã được GS Tạ Quang Bửu, khi đó là Phó chủ nhiệm kiêm Tổng thư ký Ủy ban Khoa học Nhà nước, đặc biệt quan tâm và yêu cầu phải giữ bí mật, bởi triển vọng ứng dụng ngay vào cuộc chống chiến tranh điện tử của Mỹ. Chính chiếc transistor đầu tiên làm ra ngày ấy đã giúp thầy tự tin hơn khi thực hiện chủ trương thí điểm đào tạo hệ 4 năm cùng với việc cho ra đời bộ môn Vật lý bán dẫn, tiền thân của bộ môn Vật lý chất rắn ngày nay.
Nước nhà thống nhất, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội cũng bước vào giai đoạn mới, nâng thời gian học của sinh viên lên 5 năm và đào tạo nghiên cứu sinh trong nước. Rồi đổi mới, mở cửa, GS Đàm Trung Đồn ngày càng có điều kiện tiếp xúc với khoa học-công nghệ hiện đại, thầy đặt cho mình nhiệm vụ tìm hiểu thêm nhiều lĩnh vực khác của vật lý chất rắn để hướng dẫn nghiên cứu sinh và có khả năng áp dụng vào thực tế sản xuất trong nước. Nhiều công trình cấp Nhà nước do thầy chủ trì mang mục tiêu ứng dụng rõ ràng, đã được đưa vào thực tiễn sản xuất và đời sống. Như các công trình: Tính chất điện và quang của bán dẫn; nghiên cứu tâm sâu trong bán dẫn; thiết bị đo nhanh độ ẩm của nông sản; thiết bị đo nhanh và hệ số dẫn nhiệt của đất đá ứng dụng trong ngành dầu khí... Các giáo trình về vật lý chất rắn; bán dẫn do thầy biên soạn từ ngày ấy, tới nay vẫn được coi là “kinh điển”. Nhìn lại hơn nửa thế kỷ qua cả về phương diện truyền dạy kiến thức và nghiên cứu ứng dụng, có thể nói GS Đàm Trung Đồn là "người khai sinh ngành vật lý bán dẫn ở nước ta".
|
|
Đại tướng Võ Nguyên Giáp hỏi chuyện GS Đàm Trung Đồn (thứ ba, từ phải sang) nhân dịp Đại tướng đến thăm Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (năm 1973). Ảnh tư liệu
|
Không chỉ là nhà thực nghiệm tài năng, GS Đàm Trung Đồn còn là một nhà giáo uyên thâm và tâm huyết. Nửa thế kỷ liên tục đứng trên bục giảng, ông đã đào tạo nhiều thế hệ học trò giỏi ở lĩnh vực vật lý thực nghiệm, có thể kể đến hai “đệ tử chân truyền” của thầy từng có công trình nghiên cứu nổi bật về vật lý chất rắn cả ở trong nước và nước ngoài là GS, TSKH Trần Xuân Hoài và GS, TS Lê Khắc Bình. Chẳng thế mà giáo viên trong trường có câu: “Gõ cửa bộ môn Vật lý chất rắn, bất kỳ ai ra mở cửa cũng đều là học trò được thầy Đồn dìu dắt trực tiếp”.
GS Đàm Trung Đồn rất quan tâm tới thế hệ trẻ. Trước đây, thầy được Bộ Giáo dục và Đào tạo nhiều lần tín nhiệm giao làm Trưởng đoàn học sinh Việt Nam đi thi Olympic Vật lý quốc tế. Năm đầu đoàn tham gia thi, kết quả không như mong đợi, thầy nhận ra ngay hai điểm yếu của học sinh ta là chương trình học không cập nhật kiến thức với thế giới và ít kỹ năng về thực hành. Từ đó thầy đã đặt kế hoạch bồi dưỡng cho các em về vật lý hiện đại cùng với thực hành nhờ các dụng cụ thông thường và tự tạo. Đến các kỳ thi sau, lần nào đoàn Việt Nam cũng đều có giải cao. Thầy cũng dồn tâm huyết cho hệ đào tạo cử nhân tài năng và Đại học Quốc gia Hà Nội nhiều năm nay đã trở thành một địa chỉ tin cậy rèn đúc mầm non nhân tài cho đất nước. Cùng với một số nhà khoa học, thầy đã có những tư vấn kịp thời với lãnh đạo Đảng, Nhà nước trong việc giải quyết những vấn đề khoa học-công nghệ có tính vĩ mô của đất nước. Với những cống hiến to lớn, GS Đàm Trung Đồn đã liên tục được Nhà nước tặng danh hiệu cao quý "Nhà giáo Nhân dân" và nhiều huân chương, huy chương, kỷ niệm chương, phần thưởng cao quý...
PGS, TS Phạm Quốc Triệu, thuộc bộ môn Vật lý chất rắn, Trường Đại học Khoa học tự nhiên, một học trò có nhiều năm gần gũi với GS Đàm Trung Đồn, đã kể với tôi một câu chuyện. Sau ngày nước nhà thống nhất, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, khi đó là Phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Phó thủ tướng Chính phủ), phụ trách về khoa học, kỹ thuật, đã cử GS Đàm Trung Đồn sang Pháp nghiên cứu, nếu có điều kiện thì có thể làm luận án để có học vị khoa học. Một vị giáo sư đầu ngành của nước bạn về vật lý chất rắn, sau thời gian làm việc với nhà khoa học Việt Nam đã thẳng thắn nói rằng, với kiến thức sâu rộng cùng trình độ nghiên cứu vững vàng như GS Đàm Trung Đồn, có lẽ không cần phải có thêm bằng cấp gì nữa. Lâu nay trong giới học thuật nước ta vẫn hay gọi một cách kính trọng hai anh em GS Đàm Trung Bảo và GS Đàm Trung Đồn là “Giáo sư không có bằng tiến sĩ”.
Mới đây, tôi và PGS, TS Phạm Quốc Triệu đến thăm GS Đàm Trung Đồn. Ở tuổi 90, thầy còn khỏe, minh mẫn. Trong câu chuyện, tôi có nhắc về sự kiện vừa được đài, báo đưa tin: Tuyên bố chung quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Hoa Kỳ, hai bên ghi nhận tiềm năng của Việt Nam sẽ trở thành quốc gia chủ chốt trong ngành công nghiệp bán dẫn, đồng thời phát triển nhanh hệ sinh thái bán dẫn. “Người khai sinh ngành vật lý bán dẫn” nói là cũng rất vui khi biết tin này. Từ transistor kích thước vài centimet lúc ra đời, đến nay transistor được thu lại vô cùng nhỏ, cỡ nanomet (một phần tỉ mét) tích hợp trong con chip “trái tim” của thiết bị điện tử hiện đại, đã có vai trò vô cùng to lớn trong đời sống, kinh tế và quốc phòng của mỗi quốc gia.
Nước ta bắt đầu tham gia vào chuỗi cung ứng chip bán dẫn toàn cầu là một định hướng đúng. Song, làm tốt được điều này không hề đơn giản, còn phải tốn rất nhiều thời gian, trí tuệ, tiền của. Và GS Đàm Trung Đồn tin tưởng từ mầm ươm bán dẫn ngày trước, trải qua bao thăng trầm, giờ là lúc thuận lợi nhất để Việt Nam có điều kiện hội nhập sâu vào lĩnh vực khoa học-công nghệ mũi nhọn của thế giới.
PHẠM QUANG ĐẨU