Cứ vào các dịp lễ hay ngày gặp mặt truyền thống hội đồng ngũ, tôi thường nghĩ đến những người đồng đội từng chiến đấu và phục vụ chiến đấu trong những năm tháng chiến tranh. Có người đã nằm lại trên chiến trường, có người bị thương hoặc không bị thương. Và những người may mắn được trở về đời thường, đồng đội của tôi luôn giữ được phẩm chất cao quý: Bộ đội Cụ Hồ. 

Tôi nhập ngũ ngày 4-9-1971. Nhập ngũ cùng tôi có Ngô Minh Đức, người xã Dịch Vọng, huyện ngoại thành Từ Liêm, Hà Nội (nay là phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, TP Hà Nội). Đức còn là bạn học cùng Trường Phổ thông cấp 3 Yên Hòa B (nay là Trường THPT Yên Hòa) với tôi, nhưng trên một năm, cùng khóa với Nguyễn Văn Thạc-tác giả cuốn nhật ký "Mãi mãi tuổi 20". Tôi học cùng khóa với Phạm Như Anh, người yêu của Thạc.

Vào lính, Ngô Minh Đức đỏm dáng lắm, kiểu cách con nhà giàu, nhất là cái vẻ đẹp trai và dáng người cao cao. Thời chúng tôi, đồng sàn là cao một mét sáu mà hắn mét bảy, đương nhiên là loại cao ráo rồi. Tuy dân ngoại thành, nhưng Đức có phong cách khá lịch lãm. Kiểu cách con nhà giàu, nhưng tôi đoán nhà hắn có của thôi chứ không phải là địa chủ, lý do đơn giản vì hắn là đoàn viên thanh niên lao động như tôi. 

Tôi có rất nhiều duyên kỳ ngộ với Ngô Minh Đức. Học cùng phổ thông đã đành, vào lính hai đứa ở cùng đại đội huấn luyện, khi tới chiến trường cũng ở cùng đại đội bộ binh, thậm chí ban đầu còn cùng trung đội. Trong 7 lính đoàn Hà Nội bổ sung vào Đại đội 6, Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 9, Sư đoàn 968 khi đó, chỉ có tôi và Đức là đoàn viên, nên được Đại đội trưởng Kim Băng chọn đưa ngay lên khu vực chốt sau khi vào tới đơn vị chưa đầy 24 tiếng đồng hồ, để xem "mấy thằng Hà Nội đánh đấm thế nào". Không may Đức đau bụng nên chỉ có mình tôi lên chốt bản Soan cùng 3 lính cũ và được nổ súng diệt địch luôn trong ngày đầu ra trận 24-4-1972.

leftcenterrightdel

Ngô Minh Đức ở công viên Thống Nhất (Hà Nội) trước ngày nhập ngũ, năm 1971. 

Sau đó ít hôm là liên tục chuỗi ngày lên chốt, đi phục kích, đi lùng sục cùng đơn vị. Tôi đã đi chốt ngày đầu rồi nên khi đi lùng sục, anh Pha-Trung đội phó bắt Đức đi đầu, còn anh ấy đi sát sau lưng để kèm cặp. Đi lùng sục là phải thận trọng, hạ thấp người và tích cực quan sát, nhưng Đức cứ duỗi thẳng cái lưng cao mét bảy của mình mà bước. Anh Pha quát rồi nắm vai Đức bắt đi chùng xuống, nhưng cứ thả tay ra là nó lại vươn thẳng lưng lên mà bước. Thế thì có khác gì trêu ngươi. Bảo mấy lần không được, anh Pha đành bảo nó xuống cuối đội hình cho lành. Tôi được lên đầu, thế chân cho Đức.

Có lẽ vì không biết cúi người đi lom khom, ra trận mà cứ thẳng lưng thì phần dễ hứng đạn quá lớn nên mấy tháng sau, trong một trận đánh vận động ở khu rừng khộp chiều tối 18-11-1972, Đức bị trúng một mảnh đạn cối vào ngực. Trận ấy còn có hai tiểu đội trưởng trong đại đội tôi hy sinh. Cũng là trận đầu tiên tôi bắn hết hai băng đạn AK khi vận động. Hôm ấy, Nguyễn Khả Nhật người Cầu Diễn, Từ Liêm (nay là quận Nam Từ Liêm) cũng lính Hà Nội cùng nhập ngũ, cùng Đại đội 6 với tôi đã cõng Ngô Minh Đức bị thương từ trận địa về phía sau. Đức là chiến sĩ đầu tiên trong 7 đứa Hà Nội cùng Đại đội 6 chúng tôi bị thương và rời đơn vị. Đúng một tháng sau, ngày 17-12-1972 đến lượt Nguyễn Khả Nhật hy sinh trong trận đánh xưởng cưa cạnh sân bay Saravana (Lào).

Ngô Minh Đức bị thương được đưa lên trạm xá sư đoàn cứu chữa. Sau ngày đình chiến ở Lào theo Hiệp định Viêng Chăn, tháng 3-1973, đại đội tôi đang đóng quân cạnh bản Tà Kịt "nọi" (Lào), Đức về thăm đơn vị mấy ngày, sau đó trở lại trạm xá sư đoàn để chuẩn bị ra Bắc và giải ngũ. Hàn huyên đủ chuyện nhưng chả có quà gì cho nó ra Bắc ngoài mấy múi dù lụa lấy được ở trận đánh Păc Soòng trước ngày đình chiến. Sau này nghe anh Nguyễn Doãn Thiết quản lý đại đội kể lại, anh cho nó một vốc đá lửa. Có một trận đánh ở Saravana, chúng tôi lấy được cơ man nào đá lửa đựng trong các thùng đạn đại liên của địch. Có người lấy hàng ca inox đá lửa. Loại chiến lợi phẩm này rất quý, không bị tịch thu nhưng dùng rất lâu mới hết nên tôi cũng chỉ lấy một nắm, chắc phải dùng tới vài năm. Quản lý Thiết bảo: "Thằng Đức đem đá lửa này ra đến Đường Trường Sơn, bán mỗi viên một đồng cũng có cả nghìn đồng, về nhà đủ mua căn nhà có sân vườn rộng cả sào ở cái đất ngoại thành nhà nó". Chuyện quản lý Thiết cho Đức cả vốc đá lửa chả biết thật hư đến đâu, có lẽ phải khảo cứu lại Ngô Minh Đức mới rõ. Nhưng dù chuyện có thật hay không như thế thì cũng đủ để làm tư liệu cho một cuốn sách văn học về đề tài chiến tranh cách mạng. 

Thương binh Ngô Minh Đức trở về Hà Nội theo học đại học xong rồi vào làm ở Viện Khoa học Việt Nam (nay là Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam). Rất nhiều năm sau, khi chúng tôi liên lạc được với nhau thì Đức đã nghỉ hưu và đang mở một cửa hàng bán thuốc Tây ngay tại ngôi nhà trên đất Dịch Vọng (Cầu Giấy) quê hương anh. Cuộc sống cũng như sức khỏe khá ổn định.

leftcenterrightdel

Ông Ngô Minh Đức (thứ hai, từ phải sang) cùng các đồng đội trong Lễ kỷ niệm 45 năm ngày nhập ngũ (4-9-2016). 

Trò chuyện cùng anh, tôi được biết, năm 2010, trước quyết tâm của em trai Nguyễn Khả Nhật (đồng đội cùng Đại đội 6 năm xưa đã hy sinh trên đất bạn Lào) tên là Hằng muốn đi tìm mộ anh để đưa về quê, Ngô Minh Đức đã suy nghĩ nhiều ngày và lên kế hoạch tìm mộ đồng đội cùng gia đình bạn. Nhớ đến người quản lý đại đội khi ấy là Nguyễn Doãn Thiết, quê ở Đình Bảng (Từ Sơn, Bắc Ninh), Ngô Minh Đức và Hằng đi sang Đình Bảng tìm anh Thiết. Anh Thiết nhập ngũ trước chúng tôi 4 năm, là quản lý đại đội trong những năm chiến đấu ở Nam Lào. Anh Thiết có trí nhớ tuyệt vời và do công việc nên có sổ sách ghi chép khá đầy đủ. Anh lại khá thông thạo tiếng Lào. Hầu như trong thời gian làm quản lý đại đội, trận đánh nào ở đâu, ai hy sinh anh Thiết đều ghi lại. Trong đơn vị, anh Thiết là người anh rất vui tính, hóm hỉnh và chân tình... Nghe nói chuyện gia đình Nguyễn Khả Nhật cùng Ngô Minh Đức muốn đi tìm hài cốt của Nhật, anh Thiết nhận lời đi cùng ngay. Thế là 3 anh em sang thẳng Nam Lào giống như những người lính về thăm chiến trường xưa.

Saravana (Lào) vốn là một vùng bình nguyên, những mảnh ruộng lúa nước nhỏ nhoi và bản làng nằm xen lẫn những cánh rừng khộp bạt ngàn đầy ụ mối. Nhưng dựa vào vị trí sân bay còn sót lại thì chỉ nhìn ra được vài hướng để ước đoán. Các anh tìm vào nhờ chính quyền địa phương giúp đỡ rồi lần mò đi hỏi dân trong vùng xem có ngôi mộ người lính Bắc Việt nào chôn ở khu vực này không. Thật vô cùng may mắn khi gặp được một người dân Lào sống ở gần đó. Anh ta là một người lính trong quân đội phái hữu Phu Mi năm xưa. Thật bất ngờ khi anh ta không ngần ngại thổ lộ mình là người đã bắn chết Nguyễn Khả Nhật và cũng tự tay tham gia chôn cất anh ấy. Nhờ sự giúp đỡ của chính quyền địa phương, một số cơ quan đơn vị và người dân Lào, sau nhiều ngày tìm kiếm, Ngô Minh Đức cùng người quản lý đại đội Nguyễn Doãn Thiết và gia đình đã tìm được hài cốt của Nhật đưa về. Rất may, ngày xưa khi chôn Nhật, những người lính đối phương đã quấn cho anh một tấm pông-sô nên hài cốt vẫn như còn nguyên. Hài cốt liệt sĩ Nguyễn Khả Nhật đã được gia đình và đồng đội đưa về địa phương làm lễ truy điệu và chôn cất tại nghĩa trang liệt sĩ ở Tây Tựu của TP Hà Nội. Đó là vào năm 2011. Câu chuyện tìm được mộ liệt sĩ của Ngô Minh Đức cùng gia đình đồng đội này thật vô cùng may mắn và hy hữu trong số biết bao gia đình vẫn đang đi tìm thân nhân của mình nằm lại nơi chiến trường năm xưa trên mọi miền Tổ quốc. 

Ngày Ngô Minh Đức cho con gái đi lấy chồng, mấy thằng lính cùng Đại đội 6 trong chiến trường như tôi, Xướng, Triệu và các anh lính đàn anh người Bắc Ninh như quản lý Thiết, y tá Lộc, anh Thắng "cối" cùng đến dự. Sau đấy nhiều lần, cả tôi, Đức và Xướng cùng được anh Thiết mời tới ăn cỗ vào ngày Lễ hội Đền Đô cùng ôn lại câu chuyện của lính. Bây giờ tôi và Ngô Minh Đức vẫn thường gặp nhau vào các ngày kỷ niệm thành lập Trường Phổ thông cấp 3 Yên Hòa hay vào ngày gặp mặt bạn đồng ngũ.

Bài và ảnh: VŨ CÔNG CHIẾN