Tiếp tôi trong căn nhà nhỏ, bác sĩ Nguyễn Thị Thông Tuyết nhắc lại những chặng đường đời mà mình đã đi qua. Sinh năm 1943 tại làng Bách Cốc, xã Thành Lợi, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định trong một gia đình trí thức rồi tốt nghiệp cấp 3, cô nữ sinh Thông Tuyết là một trong 4 học sinh của trường cấp 3 Lê Hồng Phong thi đỗ Đại học Y khoa Hà Nội (nay là Trường Đại học Y Hà Nội).
Nói về con đường mà mình lựa chọn, bà Tuyết bảo lúc ấy bà chỉ đơn thuần nghe theo lời khuyên của mẹ nên học y để giúp đỡ được mọi người chứ chưa biết hết những khó khăn của ngành y. "6 năm tôi học đại học (1962-1968) cũng đúng thời điểm đế quốc Mỹ đánh phá miền Bắc, nên cùng với những buổi tới trường là biết bao lần tìm hầm trú ẩn tránh bom, rồi tản cư, có nhiều khi ở nơi sơ tán không có cơm ăn, chỉ có bo bo, ngô độn qua ngày. Những ngày đi thực tập, trên chiếc xe đạp, tôi rong ruổi hết trạm xá này sang trạm xá khác ở ngoại ô Hà Nội...”, bác sĩ Tuyết nhớ lại. Quả thực những năm tháng sinh viên, bà trải qua biết bao khó khăn, gian khổ. Nhưng cũng chính những gian khó, thiếu thốn, vất vả ấy như một sự tôi luyện giúp bà vững vàng hơn trong cuộc sống sau này.
Sau tốt nghiệp, bà được nhận về Khoa A2, Viện Quân y 103 (nay là Bệnh viện Quân y 103, Học viện Quân y). Gắn bó với Viện Quân y 103 được 10 năm (từ 1968-1978) thì bà chuyển công tác sang Viện Quân y 354 (nay là Bệnh viện Quân y 354, Tổng cục Hậu cần). Từ một bác sĩ Chuyên khoa II đến Chủ nhiệm khoa rồi Phó giám đốc Bệnh viện 354 là cả một hành trình cống hiến của bà cho sự nghiệp chăm sóc sức khỏe bệnh nhân trong Quân đội. Ngày đó, cơ sở vật chất thiếu thốn, trang thiết bị y tế lạc hậu nên công việc của bác sĩ vất vả vô cùng. Thế nhưng tình yêu với nghề, trách nhiệm của người lương y đã giúp bà có thêm những động lực vượt qua bao gian khó. Không chỉ hết lòng với công việc, bà còn làm tròn vai của người vợ, người mẹ trong gia đình.
|
|
Bác sĩ Nguyễn Thị Thông Tuyết xem lại cuốn sổ ghi chép bệnh nhân của mình, nay đã lên tới hơn 600 người.
|
Năm 2000, bác sĩ Nguyễn Thị Thông Tuyết nhận quyết định về hưu với quân hàm Đại tá. Gia đình bà chuyển chỗ ở từ phố Hoa Bằng (phường Yên Hòa) về phường Quan Hoa, quận Cầu Giấy. Tại địa phương, bà tham gia tích cực các hoạt động đoàn thể, như: Hội Người cao tuổi, Hội Phụ nữ, Hội Chữ thập đỏ, Hội Khuyến học. Biết bà là bác sĩ nên cứ có việc liên quan đến sức khỏe, bệnh tật là mọi người trong khu phố lại nhờ bà tư vấn, giúp đỡ. Còn bà cũng không quản ngại, hễ biết nhà ai có người ốm đau là chủ động đến khám bệnh và tư vấn miễn phí, thậm chí những trường hợp nguy cấp gọi trợ giúp lúc nửa đêm hay sáng sớm bà đều chẳng nề hà.
Sau nhiều năm âm thầm giúp đỡ mọi người trong tổ dân phố khám và hướng dẫn điều trị tại nhà, bác sĩ Nguyễn Thị Thông Tuyết đã đề xuất địa phương cho thành lập phòng khám và tư vấn, chữa bệnh miễn phí tại nhà văn hóa của tổ dân phố với mong muốn đóng góp nhiều hơn cho cộng đồng. Bác sĩ Tuyết chia sẻ: “Tổ dân phố tôi ở có nhiều khu tập thể và rất đông người về hưu sinh sống. Ở độ tuổi này, tỷ lệ mắc bệnh nền cũng cao hơn và họ rất cần được tư vấn khám, chữa bệnh. Nhưng nếu ai cần mới nhờ thì tôi chỉ giúp được một số người, còn muốn giúp đỡ thường xuyên, tạo thành nếp để mọi người tìm đến thì phải có địa điểm khám”. Vậy là bà đề xuất với chi hội chữ thập đỏ nơi bà đang là hội viên về việc mở phòng khám và tư vấn, chữa bệnh miễn phí.
Được sự đồng ý của lãnh đạo địa phương, ngày 9-7-2019, phòng khám và tư vấn, chữa bệnh miễn phí của bác sĩ Tuyết ra đời trong niềm vui và sự phấn khởi của bà con. Để phòng khám hoạt động hiệu quả, bác sĩ Tuyết đã chủ động mua sắm, tự trang bị dụng cụ, thiết bị khám, chữa bệnh.
Đều đặn sáng thứ ba hằng tuần, nhà văn hóa tổ dân phố số 14, phường Quan Hoa đã trở thành điểm khám, chữa bệnh miễn phí do bác sĩ Nguyễn Thị Thông Tuyết đảm trách. Với sự vững vàng về kiến thức chuyên môn, sự tận tâm và nhiệt huyết, phòng khám đã trở thành địa chỉ uy tín không chỉ đối với người dân trong tổ dân phố, trong phường mà còn cả người dân các phường lân cận trên địa bàn quận Cầu Giấy.
Bác sĩ Tuyết cho hay, những người mắc bệnh thường có chung tâm trạng lo âu, bởi thế khám, chữa bệnh cho mọi người còn là cách để bà giúp họ giải tỏa tinh thần, giảm bớt lo lắng. Đối với mỗi bệnh nhân khi đến phòng khám, bà không chỉ khám bệnh, kê đơn, tư vấn sử dụng thuốc mà còn hướng dẫn cả cách ăn uống, tập luyện sao cho điều độ, hiệu quả.
Mở cho tôi xem cuốn sổ theo dõi bệnh nhân, bác sĩ Tuyết bảo ai đến khám bà cũng đều ghi chép tên, tuổi, địa chỉ từng người để tiện theo dõi, tư vấn, khám bệnh. Và con số bệnh nhân đã được bà khám, chữa bệnh miễn phí giờ đã lên tới hơn 600 người. Bà chia sẻ: “Đa phần bệnh nhân của tôi đều là những người đã về hưu, sinh sống ở tổ dân phố. Nhiều người trước đây rất chủ quan không để tâm đến sức khỏe nhưng nhờ sự tư vấn, thuyết phục của tôi cũng đã thay đổi, biết chăm chút, quan tâm đến sức khỏe cho mình hơn. Có những trường hợp nhờ sự tư vấn, hỗ trợ của tôi mà đã phát hiện được bệnh và có phương án điều trị kịp thời. Và rất nhiều người sau lần khám, tư vấn đầu tiên, bệnh tình thuyên giảm đã thường xuyên trở lại phòng khám nhờ tư vấn”.
Trong số hàng trăm bệnh nhân được bác sĩ Nguyễn Thị Thông Tuyết khám, chữa bệnh thời gian qua, rất nhiều bệnh nhân cao tuổi chỉ cần nhắc đến tên là bác sĩ Tuyết đã đọc ngay được bệnh sử của họ. Nhiều người bệnh trên địa bàn đã trở nên thân thiết với bác sĩ Tuyết, như: Bà Nguyễn Thị Cõi, Trần Thị Thiết, Phạm Thị Lộc, Nguyễn Thu Hà, Nguyễn Thị Thuận, Đồng Thị Điều hay ông Nguyễn Văn Tuất, Ngô Sĩ Thắng, Đoàn Tằng Thắng...
Bà Nguyễn Thị Thuận năm nay đã ngoài 80 tuổi chia sẻ: “Tôi đến đây khám nhiều lần rồi. Bác sĩ Tuyết rất tận tình và nhân hậu. Hôm nào cảm thấy không khỏe, tôi lại đến nhờ bác sĩ khám. Bác sĩ Tuyết giải thích cặn kẽ, tư vấn dễ nghe, dễ hiểu. Nhờ sự giúp đỡ tận tình của bác sĩ mà bệnh tình của tôi đã giảm đi nhiều”. Còn bà Đồng Thị Điều cũng ở tổ dân phố 14, phường Quan Hoa-khi được hỏi về bác sĩ Tuyết thì cho hay, từ ngày bác sĩ Tuyết mở phòng khám, bà thường xuyên tới đây để được khám bệnh, tư vấn, kê đơn, vừa không phải đi xa, lại được bác sĩ hướng dẫn tỉ mỉ, tận tình nên bà rất yên tâm.
Nhắc đến tấm gương nữ bác sĩ Nguyễn Thị Thông Tuyết, nhiều bệnh nhân được khám, chữa bệnh đều chung nhận xét, bác sĩ Tuyết không chỉ vững vàng về chuyên môn mà còn rất chan hòa, nhiệt tình, tận tâm chăm lo cho sức khỏe của nhân dân. Nhờ có phòng khám của bác sĩ Tuyết mà nhiều người dân khi có những triệu chứng thông thường không còn phải vất vả đi tới bệnh viện khám, xét nghiệm, vừa tiết kiệm thời gian, chi phí và cả công sức chờ đợi...
Trò chuyện với chúng tôi, bác sĩ Tuyết mong muốn mô hình này sẽ được lan tỏa tới các phường, quận khác trên địa bàn TP Hà Nội để những cán bộ về hưu có nhiều cơ hội được quan tâm, chăm sóc sức khỏe, góp phần nâng cao chất lượng y tế cơ sở. Còn với người dân ở phường Quan Hoa, bác sĩ Tuyết là tấm gương sáng về y đức, là niềm tự hào của địa phương.
Mô hình khám và tư vấn, chữa bệnh miễn phí cho mọi người của bác sĩ Tuyết là mô hình đậm giá trị nhân văn, mang lại nhiều lợi ích, giá trị thiết thực cho cộng đồng. Cũng bởi những đóng góp đầy ý nghĩa ấy, năm 2022, bác sĩ Nguyễn Thị Thông Tuyết đã vinh dự được Chủ tịch UBND TP Hà Nội trao tặng danh hiệu “Người tốt-Việc tốt”.
Bài và ảnh: ĐẶNG THỦY