Trên hành trình gian nan ấy, cùng với niềm tin, ý chí, nghị lực thì “bệ đỡ” quan trọng luôn đồng hành với anh Ngọc là nguồn vốn từ các chương trình, dự án hỗ trợ khởi nghiệp. Đây là một trong những yếu tố quan trọng giúp anh Ngọc khai thác thế mạnh tối đa của vùng, từ đó làm ra những sản phẩm phục vụ xã hội hiệu quả nhất, góp phần phát triển kinh tế địa phương.

Ngay sau khi tốt nghiệp ngành lâm nghiệp tại Đại học Nông Lâm Thái Nguyên, chàng trai người Tày Hà Văn Ngọc đã quay trở về quê mình ở Bản Ké để đem tri thức phục vụ quê hương. Cùng với 9 thành viên là những thanh niên đồng bào dân tộc thiểu số có cùng sở thích chăn nuôi, trồng trọt, năm 2018, Hà Văn Ngọc thành lập Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp và tổng hợp thanh niên (sau đây gọi là HTX). 

leftcenterrightdel
 

Anh Hà Văn Ngọc (ngoài cùng, bên trái) giới thiệu mô hình Hợp tác xã với đồng chí Đặng Quốc Khánh, Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang (nay là Bộ trưởng Bộ Tài Nguyên và Môi trường) và các đại biểu.

Lúc này, anh Ngọc được hỗ trợ chính sách và pháp lý từ chương trình thanh niên khởi nghiệp do Tỉnh đoàn và Trung ương Đoàn phát động. Với số vốn của anh và các thành viên, cùng 50 triệu đồng vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Yên Minh, tổng vốn điều lệ của HTX khi ấy là 500 triệu đồng. Anh Ngọc tin rằng, mô hình khởi nghiệp của mình sẽ gặt hái được thành công vì đã có một quá trình chuẩn bị chu đáo. Tuy nhiên, anh đã thất bại trong lần đầu khởi nghiệp. HTX tập trung nuôi lợn rừng, vì việc tiêm vaccine không được thực hiện theo định kỳ nên khi dịch tả lợn châu Phi quét qua khiến HTX mất trắng toàn bộ đàn lợn, tổng thiệt hại ước tính hơn 350 triệu đồng.

Sau thất bại năm 2018, đại dịch Covid-19 lại ập đến và giáng thêm một đòn nặng nề vào nỗ lực vực dậy của anh Ngọc cũng như các thành viên HTX. Anh Ngọc hiểu rằng, muốn đi tới thành công ắt phải gặp thất bại. Giải pháp ngay sau đó được anh Ngọc triển khai là số vốn còn lại được chia nhỏ, dùng một phần nuôi lợn rừng, một phần nuôi dê, ong mật và gà đen. Việc điều chỉnh mô hình này bước đầu đem lại hiệu quả kinh tế, giúp HTX từng bước đứng lên.

Sau đó, HTX được UBND huyện Yên Minh tạo điều kiện cho vay thêm 300 triệu đồng không lãi suất trong vòng 3 năm. Anh Ngọc cũng vay thêm 200 triệu đồng từ gia đình, bạn bè để tiếp tục đầu tư, phát triển HTX. Nhờ số vốn này, HTX đã triển khai các mô hình chăn nuôi cho thu hoạch dài ngày và ngắn ngày, gắn với nhu cầu của thị trường. HTX còn phát triển nông nghiệp kết hợp mở các cơ sở lưu trú homestay để du khách trải nghiệm mô hình du lịch sinh thái, trang trại. Trang trại của HTX kết hợp nuôi 3.500 con gà đen, 680 đàn ong mật, gần 300 con lợn đen, 80 con dê...; trồng hàng chục héc-ta mận tam hoa, hồng không hạt, ớt gió.

Sản phẩm ớt gió xóc muối và trứng gà của HTX đã đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao vào năm 2022. HTX cũng đã mạnh dạn đầu tư ứng dụng công nghệ men vi sinh trong việc sử dụng đệm lót sinh học nhằm khử mùi hôi chuồng trại và tận dụng lượng phân ủ làm phân hữu cơ chăm sóc cây trồng; sử dụng công nghệ hạ thủy và khử nấm nhằm bảo quản mật ong được lâu nhất. Lợi nhuận bình quân hằng năm HTX thu về là vài tỷ đồng, tạo việc làm ổn định cho hơn 20 lao động địa phương. Hiện nay, tại những điểm trưng bày sản phẩm nông nghiệp ở các thành phố như Hà Nội, Hải Phòng, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Cần Thơ... đều có sản phẩm của HTX.

Bài và ảnh: HỒNG PHÚC