Tuổi thơ đi tu để làm cách mạng
Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Ni trưởng Thích nữ Diệu Thông (nguyên mẫu của nhân vật ni cô Huyền Trang trong phim “Biệt động Sài Gòn”) được xem như một câu chuyện truyền kỳ, với nhiều thành tích lẫy lừng trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Đất nước hòa bình, sau khi hoàn tất mọi thủ tục, hồ sơ có liên quan, bà trở về với chuông mõ, công phu. Bà vẫn thiết tha với đời, nhưng bằng cách của riêng mình, lánh xa mọi hào nhoáng. Chính vì thế, nhiều năm trở lại đây, bà rất ít tiếp xúc với người lạ, đặc biệt là báo chí.
Nhưng quá khứ là một giấc mơ dài, bám lấy bà ngay cả khi thức giấc. Dưới sự giúp đỡ của cô Lê Thị Bé Ba (sinh năm 1953, một phật tử đang ngày đêm chăm sóc bà), bà bước ra sân, nhìn ngôi chùa nhỏ phía trước, lòng đau đáu nhớ về cha mẹ đã khuất. Ngôi chùa ấy như còn vương vấn bóng dáng người cha thân yêu của bà-Hòa thượng Thích Giác Quang.
Bà Bạch Liên là con gái thứ 9 trong gia đình, lần lượt chứng kiến cha và mẹ phát tâm tu hành. Bà nhớ thời điểm cùng mẹ lên núi thăm cha: “Bảy tuổi tìm cha chốn núi non/ Trải lòng thương nhớ tóc răng mòn/ Sân tiên đảnh thượng cha hành đạo/ Thất bửu giá quang rõ nét son/ Mẹ bảo kính vấn an thân phụ/ Cha khẽ nhủ đời chẳng thường còn/ Lòng cảm nhận xin cắt tóc xanh/ Bạch Liên theo cha trọn đạo con” (thơ của Ni trưởng Thích nữ Diệu Thông).
Bảy tuổi, lắc lư chỏm vá trên đầu, bà có tên gọi mới là “chú tiểu Thông”, nào biết việc tu tập là gì, chỉ sớm tối tụng kinh, niệm Phật, ăn chay giống cha mẹ. Chú tiểu Thông biết cha lén đem lư đồng, chuông đồng trong chùa hiến cho cách mạng để đúc súng tự tạo, đúc đạn. Mẹ nấu cơm chảo lá sen, gói bánh tét ủng hộ bộ đội, du kích xã nhà. Chú tiểu Thông hiếu động, nhanh nhẹn, hằng ngày vai mang thùng bánh kẹp đi bán khắp thôn xã, đi vào đồn lính Pháp lân la vô tư. Nhờ nắm rõ mọi chi tiết về sinh hoạt, chiến đấu của lính đồn, chú “bỏ nhỏ” với bộ đội, góp phần đánh tan nát đồn lính. Nhưng chú chưa biết, đó là làm cách mạng, là yêu nước.
Dẫu vậy, những chi tiết ấy ảnh hưởng rất lớn đến cuộc đời bà. Năm lên 10, cha cho bà nhập học ni chúng chùa Phước Huệ ở Sa Đéc, Đồng Tháp. Ở đây, bà được ni sư Diệu Hoa-một chiến sĩ cách mạng khoác áo cà sa-“nhờ” đem thuốc, thức ăn đi tiếp tế cho cán bộ. Bị lộ, cha gửi bà ra Huế, gặp Hòa thượng Thích Trí Thủ, Viện trưởng Phật học đường để tu học kinh luật. Năm ấy, miền Trung bị lũ lụt. Ni cô Diệu Thông theo đoàn xe của Ni viện Diệu Đức đi phát gạo, phát thuốc cho dân nghèo. Chiếc xe chạy thẳng vào... chiến khu, tiếp tế cho cách mạng.
Đường xa, lầy lội, lại thêm thấp thỏm đề phòng giặc phát hiện, chiếc xe bị lật cua. Mọi người bình an, trừ ni cô Diệu Thông bị thương ở đầu, kẹt lại trong ca-bin. Tai nạn được giữ kín, nhưng rồi vẫn bị lọt ra ngoài. Những người có liên quan (bao gồm ni cô Diệu Thông) bị ni viện “đuổi học”, giải vây khéo, xem như vụ việc đã được “xử lý” đến nơi đến chốn.
Giây phút rời khỏi ni viện, nỗi buồn thấm ướt lòng ni cô. Hòa thượng Trí Thủ khuyên nhủ: “Thôi, con hãy về quê. Thưa với Hòa thượng Giác Quang rằng, thầy thất hứa, không bao bọc được con học đến thành công. Đừng trách thầy nghe con! Đó cũng là do từ lòng thành của Phật dạy phải độ chúng sinh, khi đất nước đang hồi tai ương, tang tóc. Sự việc này không giống, nhưng cũng như cha con hồi nào đã mang đại thần chung, Phật đồng, lư hương chùa Kim Bửu đi hiến cho bình công xưởng đúc đạn cứu nước, vậy thôi”.
Nghe lời Hòa thượng Trí Thủ, ni cô buông bỏ tiếc nuối về con đường học vấn, quay lại miền Nam. Nhưng bà không về Đồng Tháp (quê cha đất tổ), cũng không về An Giang (nơi cha tu hành), mà chọn dừng chân tại Sài Gòn. Chính ni cô cũng không ngờ, hai chữ “Sài Gòn” sẽ gắn chặt với cuộc đời bà mãi về sau.
|
|
Ni trưởng Thích nữ Diệu Thông thời còn trẻ và trong trang phục chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam. |
Lớn lên là chiến sĩ biệt động
Trên vách tường, dưới chiếc bàn kính trong nhà hiện vẫn để một số hình ảnh của bà ngày trước, những bức ảnh nhuốm màu thời gian. Có ảnh bà khoác áo cà sa, có ảnh bà oai hùng trong quân phục, huân chương, huy chương trĩu nặng trên ngực áo. Bà tự hào về cuộc đời mình: Trong đội ngũ người lính Cụ Hồ, có một chiến sĩ đầu không tóc, y phục màu lam, là chiến sĩ dũng cảm trong Đội 5, Biệt động Sài Gòn-Gia Định. Người dân thường gọi bà là nhân chứng sống, hay nữ tu sĩ-chiến sĩ biệt động, nhưng phổ biến nhất vẫn là tên “ni cô Huyền Trang”-tên nhân vật trong phim “Biệt động Sài Gòn” mà bà là nguyên mẫu.
Mấy chục năm làm cách mạng, từng nhiều lần vào sinh ra tử, cuộc đời bà gắn liền với các mốc thời gian, như: Tham gia cách mạng từ năm 1947 với vai trò giao liên. Giai đoạn 1960-1969, bà tham gia công tác trinh sát quân báo, Quân khu Sài Gòn-Gia Định. Từ năm 1969 đến 1974, bà tham gia lực lượng Biệt động Sài Gòn-Gia Định, thuộc đơn vị F100.
Tháng 4-1983, sư cô Diệu Thông nhận quyết định về hưu với cấp bậc thượng sĩ, kết thúc gần 22 năm công tác liên tục trong quân đội. Tuy cấp bậc không cao, nhưng những gì bà đã đóng góp cho đất nước, cho quê hương đủ để khiến mọi người nể phục, xem bà như một người hùng!
Chỉ cho chúng tôi xem bức hình mặc quân phục hiếm hoi, bà kể: “Nhân dịp họp mặt truyền thống 70 năm của ngành tình báo quốc phòng Việt Nam ở An Giang, tôi được lãnh đạo Tổng cục II, Bộ Quốc phòng trao tặng “Kỷ niệm chương Tình báo quốc phòng Việt Nam”. Lúc ấy, tôi rất xúc động, rất phấn khởi khi là chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam và là người lính Cụ Hồ. Bản thân tôi đã góp công sức nhỏ xây dựng đất nước ngày càng phát triển giàu mạnh...”.
Màn đêm buông xuống, xung quanh tư thất của Ni trưởng Thích nữ Diệu Thông càng yên tĩnh. Bà còn rất nhiều điều muốn kể cho chúng tôi nghe, câu chuyện này quyện vào câu chuyện khác, mà chuyện nào cũng để lại ấn tượng sâu sắc. Nhưng các câu chuyện của người lính như bà chỉ có xoay quanh chủ đề: Hy sinh bản thân để bảo vệ tổ chức, bảo vệ thành quả cách mạng, bảo vệ đất nước. Người này ngã xuống, lại có người khác đứng lên, chấp nhận dùng sự sống của mình để ươm mầm tự do trong tương lai...
Trong ký ức của bà, không thể nào quên những đồng chí thuộc Bộ chỉ huy Quân sự chiến trường Sài Gòn-Gia Định các năm 1968-1972, như: Võ Văn Thạnh (Ba Thắng), Chính ủy; Trần Hải Phụng (Hai Phụng), Tư lệnh; Nguyễn Đức Hùng (Tư Chu), Phó tư lệnh kiêm Chỉ huy trưởng các lực lượng biệt động; người cháu Thích Viên Hảo; các chị Tám A, Mười Ánh, Sáu Thu...
Năm 1976, lực lượng Biệt động Sài Gòn vinh dự được Đảng và Nhà nước trao tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân, được Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam tặng 16 chữ vàng: “Đoàn kết một lòng-Mưu trí vô song-Dũng cảm tuyệt vời-Trung kiên bất khuất”.
Là một thành viên trong lực lượng, khỏi phải nói, bà hạnh phúc biết bao nhiêu! Bản thân bà được tặng thưởng Huân chương Chiến công giải phóng hạng Ba, Huân chương Kháng chiến hạng Nhất, cùng rất nhiều khen thưởng của Trung ương, địa phương, sở, ngành... Năm 2021, Viện Khoa học nghiên cứu nhân tài-nhân lực (Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam) tặng bà danh hiệu “Hiền tài nước Việt” vì những cống hiến lớn lao trong sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Trong tư thất của bà hiện giờ có tiếng chim hót vui tươi sáng sớm, có tiếng chuông chùa trầm ấm ban trưa, có tiếng gõ mõ tụng kinh đều đặn chiều tối. Một con chó, hai con mèo từ đâu đến ở, quấn quýt bên cạnh, cũng dần già đi theo năm tháng cùng bà. Đặc biệt, bà sống trong sự chăm sóc tận tình của cô Ba, một phật tử hữu duyên gặp gỡ. “Tôi từng là giao liên trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, công tác ở xã Tân Nhuận Đông, huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp. Cuộc sống riêng tư nhiều vướng mắc, tôi tìm đến các chùa để làm công quả, tá túc. Từng nghe danh sư bà, nhưng tôi không có dịp gặp gỡ. Năm 2006, sư bà về Sa Đéc, không may trở bệnh, phải nhập viện điều trị. Tôi đi thăm, thấy sư bà đơn chiếc, không ai chăm sóc, nên rất thương cảm", cô Ba tâm sự.
Bảy năm sau, cô Ba gặp sư bà lần thứ hai. Ngày 25-1-2013, cô quyết định về An Giang, chăm sóc sư bà, xem bà là người mẹ thứ hai của mình. Sư bà thường nói vui cô Ba là “Việt Cộng nuôi Việt Cộng”. Hơn 90 tuổi rồi, bà đau bệnh nhiều, tính tình nóng nảy hơn trước, con cháu không ở gần, một mình cô Ba đi chợ, nấu nướng, lo từng miếng ăn, giấc ngủ cho bà, phụ bà tiếp khách xa gần đến thăm. "Trải qua nhiều bể dâu, tôi sống với sư bà bằng tình đồng chí, tình đạo pháp, tình người...", cô Ba nói.
Năm 1986, xét những đóng góp lớn lao của bà trong kháng chiến, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Linh đề nghị UBND thành phố tặng bà chiếc xe Cub 50 làm phương tiện đi lại. Hiện giờ, chiếc xe vẫn còn mới, được cất giữ cẩn thận, trở thành tài sản quý giá nhất của bà.
Bài và ảnh: TRẦN TRỌNG TRIẾT