Nhà thơ Hữu Thỉnh (tên khai sinh Nguyễn Hữu Thỉnh) năm nay tròn 80 tuổi, nguyên Chủ tịch Liên hiệp các hội văn học-nghệ thuật, kiêm Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam nhiều khóa. Ông còn là đại biểu Quốc hội các khóa X, XI. Mới đây tại Nhà hát Lớn Hà Nội, ông được Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc trao tặng Huân chương Độc lập hạng Nhì bởi những đóng góp bền bỉ, đặc sắc cho nền văn học, nghệ thuật nước nhà.
Thời chống Mỹ, Hữu Thỉnh là lính xe tăng, có mặt ở các mặt trận ác liệt: Khe Sanh; Đường 9-Nam Lào; Quảng Trị; Tây Nguyên và Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Ngay từ buổi đầu, người lính xe tăng ấy đánh giặc và làm thơ, đã có những bài đăng rải rác trên Văn nghệ và Văn nghệ Quân đội. Chủ đề về chiến tranh và tình yêu, ngay từ đầu đã định hình một phong cách thơ Hữu Thỉnh mượt mà sâu lắng, được đông đảo bạn đọc đón nhận. Ngày ấy Hữu Thỉnh nổi lên bên cạnh các tên tuổi: Nguyễn Khoa Điềm, Phạm Tiến Duật, Nguyễn Đức Mậu, Anh Ngọc... Ông có người anh ruột hy sinh ở Phan Thiết trong một lần xuống biển lấy nước: “Biển ùa ra xoắn lấy mọi người/ Vì yêu biển mà họ thành sơ hở/ Anh tôi mất sau loạt bom tọa độ/ Mặt anh còn cách nước một vài gang”. Bài “Phan Thiết có anh tôi”, trở thành một trong những bài thơ “sống lâu” nhất trong sáng tác của Hữu Thỉnh...
Ông còn có hai bài được âm nhạc chắp cánh, phổ biến rộng rãi, đặc biệt lớp trẻ rất ưa thích: “Năm anh em trên một chiếc xe tăng” (nhạc Doãn Nho); “Biển, nỗi nhớ và em” (nhạc Phú Quang). Sau hòa bình, ông mang quân hàm Trung tá, Phó tổng biên tập Tạp chí Văn nghệ Quân đội, được một thời gian ngắn chuyển ngành sang Hội Nhà văn Việt Nam. Tuy bận việc quản lý nhưng ông không quên sáng tác. Theo năm tháng ông liên tục được nhận các giải cao, khẳng định một tài năng thơ: Giải A cuộc thi thơ của Báo Văn nghệ (1975-1976) bài “Chuyến đò đêm giáp ranh”; trường ca “Sức bền của đất”. Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam, năm 1980 với trường ca “Đường tới thành phố”; năm 1995 với tập “Thư mùa đông”; Giải thưởng Văn học ASEAN 1999; Giải thưởng Nhà nước về văn học, nghệ thuật đợt I, năm 2001...
Tôi chỉ thi thoảng đọc đôi bài ông công bố trên báo đại chúng, sau này nghe tin ông được Giải thưởng Hồ Chí Minh (đợt IV, năm 2012) với hai tập trường ca “Biển” và “Thương lượng với thời gian”. Tôi để liền mấy buổi đọc kỹ các tác phẩm đó. Người ta nói: Văn là “đi”, thơ là “múa”, quả là thi sĩ Hữu Thỉnh... "múa dẻo"! Tuổi tác và sự bận bịu với công việc hành chính không hề ảnh hưởng đến chất lượng thơ, “gừng càng già càng cay”, hầu như bài thơ nào của ông cũng có những câu mới lạ, đậm chất thi sĩ. Chẳng hạn: “Biển có đảo biển đỡ lặp lại mình/ Đảo có lính cát non thành Tổ quốc” (trường ca “Biển”); “Em bướng bỉnh như trời/ Nối sào không chịu thấp/ Anh lầm lì như đất/ Ai nói gì cứ nâu” (Hạnh phúc); “Xa vắng quá tần ngần đi hỏi chợ/ Người mua gương dạo ấy có hay về?/ Người mua gương đã một lần trở lại/ Soi tưng bừng, rồi lặng lẽ quay đi” (Xa vắng)...
Cuối tháng 3-2010, tôi trong đoàn của Hội Nhà văn Việt Nam sang Lào, lần đầu tiên được đi cùng nhà thơ Hữu Thỉnh-Chủ tịch Hội. Cuốn tiểu thuyết sử thi “Một ngày là mười năm” của tôi may mắn trúng Giải thưởng Văn học sông Mê Công nên sang Vientiane lĩnh giải. Trong đoàn chúng tôi còn có một số nhà văn khác. Ấn tượng chuyến đi khỏi phải nói, đất nước, con người bạn thật tuyệt vời. Song tôi còn một ấn tượng khác ở sự công tâm và hồn nhiên, dí dỏm với chính đồng chí trưởng đoàn-Hữu Thỉnh.
Tôi phải trình bày vòng vo đôi chút, giải thích cho câu “may mắn trúng giải” ở trên. Hồi đầu năm 2010 đã diễn ra hội nghị quốc tế về quảng bá văn học Việt Nam ra nước ngoài tổ chức tại Trung tâm Hội nghị quốc gia Mỹ Đình, tôi dự phiên khai mạc, thấy ông Chănthi-Chủ tịch Hội Nhà văn Lào đọc diễn văn bằng tiếng Việt rất sõi. Tôi vừa ra mắt “Một ngày là mười năm” viết về Quân tình nguyện Việt Nam chiến đấu ở Lào, muốn tặng ông ấy một cuốn cho biết. Nhưng tôi trong diện chỉ được mời dự khai mạc, ngày họp tiếp là của các dịch giả, nhà phê bình, muốn gặp Chủ tịch Hội bạn trong lúc bận tíu tít như thế không dễ. Tôi nghĩ ngay đến người đứng đầu Hội ta nên viết mẩu giấy viết đính ngoài bìa cuốn sách: “Kính nhờ bác Hữu Thỉnh gửi hộ cuốn sách này cho Chủ tịch Hội Nhà văn Lào Chănthi-Rất cảm ơn!”. Khoảng nửa tháng sau, nghe điện của Đại tá, nhà văn Dương Duy Ngữ bảo là tôi cần liên hệ ngay với Hữu Thỉnh và cho số điện thoại. Tôi vừa gọi điện thì đầu dây bên kia, giọng nhà thơ Hữu Thỉnh nhẹ nhàng: Phạm Quang Đẩu đấy à? Đọc thông báo trên Báo Văn nghệ về thể lệ xét giải Văn học Mê Công chưa? Gửi ngay về văn phòng hội 3 cuốn “Một ngày là mười năm”...
Tôi thực sự bất ngờ. Đến khi sang Lào cùng Hữu Thỉnh, tôi mới biết: Trước khi chuyển cuốn sách của tôi cho người bạn Lào-Chănthi, ông đã tranh thủ đọc hết, thấy phù hợp với tiêu chí của giải nên giục tôi gửi. Sau đó tôi còn đọc bài tường thuật cuộc họp hội đồng chung khảo Giải Văn học Mê Công lần thứ 3 trong website Hội Nhà văn Việt Nam, cuốn của tôi nhận được phiếu cao. Rõ là may, nếu sáng hôm đó không cất công đến tận nhà nhờ bác Hội trưởng chuyển giúp thì khó mà ai biết đến sách của mình. Hôm đến Vientiane, lúc vào khách sạn giáp mặt tôi, bác Hữu Thỉnh nói ngay: Phạm Quang Đẩu đấy à, mừng anh trúng giải, ngay đến bạn thân với tôi là anh K. còn bị loại cơ mà...
    |
 |
Đoàn Hội Nhà văn Việt Nam tại Vientiane, nhà thơ Hữu Thỉnh (thứ sáu, từ phải sang), tác giả ngoài cùng bên phải (tháng 3-2010).
|
Đặt chân đến Vientiane, Đại sứ Việt Nam hồi đó tại Lào Tạ Minh Châu vốn có chân trong Hội Nhà văn Việt Nam đón đoàn rất thịnh tình. Ông tổ chức hai buổi giao lưu giữa các thành viên đoàn với Đại sứ quán và bà con Việt kiều, trong hai buổi ấy Hữu Thỉnh nổi bật với vai “biểu diễn thơ”. Trong ông có hai con người: Vẻ ngoài nghiêm nghị, trong lòng thì sôi sục tình yêu thơ.
Còn có một chuyện nhỏ này cũng... vui vui. Đoàn nhà văn Campuchia đến hội nghị có một cô gái tên là Panta đi phiên dịch tiếng Lào, trẻ, duyên dáng, thông minh. Trước đó, năm 2009 hội nghị nhà văn 3 nước Đông Dương diễn ra ở Phnom Penh, đoàn ta có nhà thơ Anh Ngọc tuổi Quý Mùi (năm 1943) được giải với trường ca “Sông Mê Công bốn mặt”. Nhà thơ giao tiếp với Panta bằng vốn tiếng Anh cũng không đến nỗi nào. Và chắc là có cảm tình với cô gái trẻ ấy, về bác viết hẳn một thiên tùy bút trên Văn nghệ Quân đội, tựa là “Sông Mê Công bé nhỏ của tôi”. Gớm cho trí tưởng tượng của nhà thơ, dòng suối nhỏ suy diễn thành sông Mê Công hùng vĩ cuồn cuộn, đưa em Panta lên mây, âu đấy cũng là cái hồn nhiên đáng yêu muôn thuở của thi sĩ.
Trước khi tôi đi Vientiane, nhà thơ Anh Ngọc rỉ tai: “Hữu Thỉnh cũng cảm tình với Panta đấy!”. Hôm đến Khu du lịch hồ Nậm Ngừm, vô tình Panta ngồi chếch một chút với chỗ chúng tôi, nhà thơ trưởng đoàn bỗng ghé tai tôi thì thào: Cô bé Campuchia thích đôi mắt Anh Ngọc, còn thích mình cái mũi. Tôi chợt liếc, cái mũi thi sĩ hơi gồ gồ (!) Sau này có dịp gặp lại Anh Ngọc, tôi chủ ý đưa tấm ảnh chụp riêng với Panta hôm nhận giải để giỡn bác già, nhà thơ hất hàm nói vui: “Ông trán hói thế chẳng ai để ý đâu nhá”...
Khi sang đất bạn, bỗng dưng tôi tự nguyện đóng vai “thám tử” luôn theo dõi bác trưởng đoàn. Thực ra hàng hóa ở Hà Nội không thiếu, cả về chủng loại và chất lượng, song du khách mỗi khi đến vùng đất lạ thường mắc “hội chứng mua sắm”, ai cũng ra sức tìm kiếm hàng đến đồng kíp cuối cùng. Trước khi rời thủ đô nước bạn mới là ngày sắm thả phanh. Đoàn chia mấy tốp đổ bộ vào siêu thị, chợ Lào tìm mua đồ bạc trang sức. Tôi vẫn bám “mục tiêu” của mình. Đến hàng nào nhà thơ Hữu Thỉnh cũng hỏi dây chuyền, vòng, lắc. Ông cầm hàng đưa sát mắt quan sát tỉ mỉ, đặt xuống, lại nâng lên, hỏi giá. Cô gái bán hàng có khuôn mặt nhẹ nhõm, bấm giá bán vào máy tính giơ con số cho khách coi. Hữu Thỉnh lắc đầu, giành lấy cái máy, bấm lại với con số nhỏ hơn. Đến lượt cô lắc. Dạo các quầy một hồi, bác quay lại chỗ cũ, chủ động cầm ngay cái máy tính, bấm con số khác, có cao hơn ban nãy chút ít, còn bật ra câu: Xamakhi! Xamakhi! (tiếng Lào, Campuchia đều có nghĩa là đoàn kết). Cô chủ vẫn lắc. Tôi đứng ngay sau bác, thầm thán phục tính kiên định của cô chủ bán hàng, khách đã xuất chiêu “xamakhi” mà vẫn không xoay chuyển được tình thế!
Lúc ra sân bay, bác Chủ tịch Hội hơn hẳn mọi thành viên trong đoàn bởi có bọc lớn, bọc nhỏ. Sau chuyến đi, tôi đến trụ sở Hội tại số 9 Nguyễn Đình Chiểu, Hà Nội. Chị em trong văn phòng khoe, người thì cái vòng bạc, người sợi dây chuyền, người khuyên tai bạc... đều bảo quà Lào của Chủ tịch Hội. Thì ra Chủ tịch Hội là người thơm thảo, chu đáo, đã mưa thì mưa cho khắp! Nhiều người vẫn bảo Hữu Thỉnh tại vị “Chủ tịch” lâu là do khôn khéo trong ứng xử. Với sự “theo dõi” của tôi suốt mấy ngày ở Vientiane, thì trong khoản mua sắm bác không hẳn đã “khôn”, vẫn cái chất thường thấy ở những thi sĩ, ấy là sự... hồn nhiên đáng yêu!
Bài và ảnh: PHẠM QUANG ĐẨU