Qua làn khói hương trên ban thờ, ánh mắt ông như đang nhìn tôi. Cảm giác như nhà thơ vẫn đang hiện diện quanh đây, nơi những cuốn sách đợi chờ, bộ bàn ghế khiêm nhường, cánh cửa cũ kỹ và nhẫn nại, ban công thấp thoáng màu xanh nhìn ra mái phố. Trong căn phòng bé nhỏ nhưng sạch sẽ và ngăn nắp, tôi đã chứng kiến những gì còn lại của cuộc đời ông.
Di sản của một nghệ sĩ, lẽ thường phải được kiếm tìm trong đời sống-lịch sử nghệ thuật và trong trí tưởng, tình cảm của cộng đồng. Dĩ nhiên, điều đó hoàn toàn đúng với Tế Hanh, khi ông là một nhà thơ được đông đảo người đọc biết đến và có địa vị quan trọng trong nền văn học-nghệ thuật Việt Nam (trước năm 1945, ông được giải thưởng của Tự Lực văn đoàn; sau năm 1945, ông có nhiều giải thưởng, danh hiệu cho những cống hiến đối với nền văn học cách mạng, đỉnh cao là Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học-nghệ thuật, đợt 1, 1996). Trong căn phòng nhỏ giờ đây đã trở nên lặng lẽ, tôi có thể chạm vào những tác phẩm làm nên danh tiếng, sự nghiệp của ông. Tuy nhiên, có những di sản chúng ta chỉ có thể cảm nhận, dù vô hình nhưng lại rõ rệt đến không ngờ.
Một thi sĩ nồng nàn yêu thương và say đắm
Xuất hiện muộn hơn một chút so với Xuân Diệu, Chế Lan Viên, Hàn Mặc Tử... trong Phong trào Thơ mới (1932-1945), nhưng Tế Hanh đã được tặng thưởng của Tự Lực văn đoàn cho tập thơ Nghẹn ngào (1939, sau bổ sung và đổi thành Hoa niên, xuất bản năm 1945). Lọt vào mắt xanh của những tên tuổi văn chương như Nhất Linh, Thế Lữ, Hoài Thanh; được tuyển vào Thi nhân Việt Nam... như thế cũng đã cho thấy tên tuổi của ông nổi bật lên so với rất nhiều người làm thơ tiền chiến. Trong một giai đoạn thơ ca nở rộ, với nhiều tác giả mà Thế Lữ đã phải dày công chỉnh sửa, ngán ngẩm phê bình trên mục “Tin thơ” (Báo Ngày nay) còn Hoài Thanh đã phải âm thầm bỏ qua giữa hàng vạn bài mà ông đọc khi tiến hành làm tuyển tập, cái tên Tế Hanh đã thực sự ghi dấu vào lịch sử thi ca dân tộc.
|
|
Nhà thơ Tế Hanh. Ảnh tư liệu |
Cách mạng Tháng Tám thành công, như nhiều văn nghệ sĩ-trí thức khác, Tế Hanh chuyển mình đi theo tiếng gọi của non sông. Thơ ông hòa vào hơi thở của đời sống lao động, xây dựng, chiến đấu, bảo vệ đất nước. Giai đoạn này, ông có nhiều tập thơ được xuất bản: Hoa mùa thi, Tập thơ tìm lại, Nhân dân một lòng, Lòng miền Nam, Gửi miền Bắc, Tiếng sóng, Bài thơ tháng Bảy, Hai nửa yêu thương, Khúc ca mới, Đi suốt bài ca, Câu chuyện quê hương, Theo nhịp tháng ngày, Giữa những ngày xuân, Con đường và dòng sông, Bài ca sự sống, Giữa anh và em, Vườn xưa. Ngoài ra, ông còn có hàng trăm bài thơ khác in báo, in bổ sung trong các tuyển tập và một phần thơ thiếu nhi cũng rất đáng chú ý.
Nếu trước cách mạng, Tế Hanh được đánh giá là hồn thơ đa cảm, nồng nàn, tha thiết và hơi u buồn, bâng khuâng, hồi hộp; thì sau cách mạng, vẫn là trái tim nồng nàn, tha thiết ấy, ông hướng về nhân dân, đất nước, hướng về lý tưởng cao cả của toàn dân tộc với niềm say mê và tin tưởng: Tôi hôm nay sống trong lòng miền Bắc/ Sờ lên ngực nghe trái tim thầm nhắc/ Hai tiếng thiêng liêng, hai tiếng “miền Nam” (Nhớ con sông quê hương-1956); Từ tuyến đầu Tổ quốc/ Những lá thư quê hương/ Đã trở thành ngọn đuốc/ Soi bước tôi lên đường (Đọc “Từ tuyến đầu Tổ quốc”-1963).
Một dịch giả uy tín và tinh tế với tầm quan sát rộng rãi
Sau khi Hội Nhà văn Việt Nam thành lập (năm 1957), Tế Hanh đảm nhiệm các vị trí công tác chủ chốt trong hội. Ông có thời gian là Trưởng ban Đối ngoại, Chủ tịch Hội đồng Dịch thuật, Chủ tịch Hội đồng Thơ... Nhìn lại, di sản dịch thuật của Tế Hanh cũng khá bề thế. Ông dịch thơ của nhiều tác giả trên khắp thế giới, với tình cảm và tiếng nói ủng hộ cuộc chiến tranh của nhân dân Việt Nam. Đó là những nhà thơ đến từ Hungary, Liên Xô, Bulgari, Đức, Pháp, Tiệp Khắc, Ba Lan, Hy Lạp, Tây Ban Nha, Iran, Haiti, Mexico, Thụy Điển... trong đó có những tên tuổi lừng danh của nền thơ thế giới như: A.Pushkin, M.Lermontov, V.Hugo, S.Yesenin... Phổ tác giả và tác phẩm dịch thuật như thế là rộng và đa dạng. Điều quan trọng là từ những bản dịch đó, Tế Hanh giới thiệu với bạn đọc trong nước những gương mặt, những tiếng thơ tiêu biểu của nhân loại, hướng đến những giá trị nhân văn cao cả và nghệ thuật kỳ diệu. Không những thế, qua những bài thơ dịch, Tế Hanh còn thể hiện một tâm hồn thi sĩ tài hoa, tinh tế: Em ơi! Em đừng hát/ Những tiếng hát Gru-zi/ Vị chua cay nhắc lại/ Một bờ bên kia, một đời bên kia (Em ơi! Em đừng hát-A.Pushkin); Trên mỗi thoáng bình minh/ Trên mặt biển thân tàu/ Trên ngọn núi điên cuồng/ Ta viết tên em (Tự do-P.Éluard)...
Có một Tế Hanh trong văn xuôi-tiểu luận
Di sản của Tế Hanh cũng rất đáng kể ở lĩnh vực văn xuôi, tiểu luận. Trong quá trình làm toàn tập, chúng tôi đã sưu tầm được hơn 100 tác phẩm văn xuôi, tiểu luận của ông. Có tác phẩm đã in thành tập (Thơ và cuộc sống mới, NXB Văn học, 1961). Nhiều tác phẩm in báo, sau được đưa vào các tuyển tập. Có thể nói, ở địa hạt này, Tế Hanh có cơ hội được bày tỏ những suy nghĩ, cảm xúc của mình về thơ ca, nghệ thuật, về công việc sáng tạo văn chương, về sứ mệnh của nhà thơ và văn học, về thời đại và con người, lý tưởng, đam mê (Tôi làm thơ về đấu tranh thống nhất, Tâm sự một người làm thơ, Mấy suy nghĩ về thơ, Những dòng thơ sôi nổi khắp năm châu, Ảnh hưởng văn học Xô-viết đối với tôi, Nhà văn phải lấy hạnh phúc của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu, Thơ tôi là tấm lòng với quê hương đất nước...). Không chỉ bộc lộ suy tư, cảm xúc của bản thân trong tư cách nghệ sĩ-chiến sĩ-công dân, Tế Hanh còn nhận ra những tấm lòng bè bạn, đồng chí trong văn chương cùng thời (Đọc “Trời mỗi ngày lại sáng” của Huy Cận, Xuân Diệu với vấn đề Riêng chung, Heinrich Heine-nhà thơ cách mạng, Paul Éluard-dòng thơ bất tuyệt, Lưu Trọng Lư-một tâm hồn nghệ sĩ lớn, Đọc thơ Sóng Hồng, Đọc thơ Bác Hồ viết về thiếu nhi...). Trong những trang văn xuôi-tiểu luận phê bình của Tế Hanh, chúng ta cũng nhận ra những nồng nàn say đắm, những tha thiết về văn chương, cuộc đời và lý tưởng, những chuyển hóa tự thân sâu sắc theo nhịp đi lên của toàn dân tộc: “Tại sao giữa bao nhiêu máu chảy, mình chỉ nói đến nhớ thương của mình, nhất là khi nhớ thương ấy nó quá riêng tây? Chúng ta ít nhiều ai cũng trải qua cái tâm trạng mà nhà thơ Neruda đã nói: “Tôi không có thời giờ nói đến đau khổ riêng tôi” (Gắn liền với thời đại chúng ta). Những tác phẩm văn xuôi, tiểu luận-phê bình của Tế Hanh xứng đáng là tư liệu quan trọng cho nghiên cứu lịch sử tinh thần, tư tưởng cũng như lao động nhà văn trong thời đại mà ông đã sống.
Nền nếp gia phong - Di sản đáng trân trọng của Tế Hanh
Sự nghiệp văn học-nghệ thuật của Tế Hanh sẽ còn tiếp tục được người đời nghiên cứu, đào sâu, mở rộng và khẳng định. Cùng với văn học-nghệ thuật, nếu có dịp bước chân vào gia đình Tế Hanh, hẳn là chúng ta sẽ cảm nhận được thêm một di sản khác, gắn với đời sống mà ông và người vợ của mình (bà Lâm Yến) đã dày công vun đắp, gìn giữ. Tôi đã được nghe kể về ông những ngày cuối đời, bệnh tật, mù lòa, không đi lại được. Bên giường bệnh của ông, người vợ tần tảo chăm sóc, chia sẻ, nâng đỡ. Cho đến khi ông mất, tôi vẫn chưa đến gia đình ông. Dạo ấy, tôi còn lang thang ở thành Vinh xứ Nghệ. Cuối năm 2010, tôi mới về Hà Nội. Bước chân vào gia đình nhà thơ Tế Hanh, căn gác nhỏ lặng lẽ, sạch sẽ và yên lặng đã tạo cho tôi ấn tượng về một không gian khác so với cái ồn ào, náo nhiệt của Hà Nội ngoài kia. Bà quả phụ Lâm Yến là người Bình Định, tập kết ra Bắc, từng làm Hiệu trưởng Trường Cán bộ Phụ nữ. Ở bà có dáng nét Tràng An bởi lời nói nhẹ nhàng, tinh tế và cách ứng xử dịu nhẹ, thanh lịch. Dường như, nền nếp gia phong là điều mà vợ chồng nhà thơ Tế Hanh đã giáo dục, gìn giữ đến nơi đến chốn trong gia đình. Chỉ cần nghe tiếng “má” từ miệng những người con hay lời nói nhỏ nhẹ của bà Lâm Yến, chúng ta cũng có thể cảm nhận được gia phong đạo lý trong gia đình thế nào.
Nhà thơ Tế Hanh sinh năm 1921 tại Bình Sơn, Quảng Ngãi. Năm nay (2021), tròn 100 năm Ngày sinh của ông. Nghĩ về các giá trị văn chương, đời sống, nghĩ về cốt cách tinh thần, tư tưởng cũng như truyền thống gia phong của nhà thơ, chúng ta thấy thực sự cảm mến và trân trọng một con người cùng những di sản của ông. Đời người ngắn ngủi, thường rồi sẽ phôi pha trong cát bụi, nhưng như lời ông nói: Câu thơ cùng với trời xanh vẫn còn (Vô danh)(*).
(*) Tất cả tư liệu trong bài đều được dẫn từ: Tế Hanh toàn tập, Nguyễn Hữu Sơn, Nguyễn Thanh Tâm, sưu tầm, tuyển chọn, NXB Văn học, Hà Nội, 2012.
TS NGUYỄN THANH TÂM